Tin tức

Cây khổ sâm chữa bệnh gì, dùng như thế nào?

Ngày 15/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Khổ sâm là cây thuốc nam có tác dụng chữa đau bụng, kiết lỵ, viêm đại tràng cùng những vấn đề khác về da. Để hiểu rõ hơn về những tác dụng này, đồng thời, biết cách sử dụng cây khổ sâm cho đúng, bạn đọc đừng bỏ qua nội dung được chia sẻ trong bài viết hôm nay.

1. Sơ lược cây khổ sâm

Một số nơi gọi cây khổ sâm là cây cù đèn hay cây khổ sâm lấy lá bởi dược liệu này chủ yếu sử dụng lá để chữa bệnh.

Đặc điểm tự nhiên

Cây khổ sâm thuộc họ Thầu dầu, là loài cây nhỏ với chiều cao chỉ khoảng 1m. Lá cây mọc so le, mọc đối hoặc cũng có thể mọc vòng. Lá dài 5 - 9cm, rộng 1 - 3cm, hình mũi mác, thuôn nhọn ở phần đầu, cả 2 mặt lá đều có lông hình khiên. Lá có 3 gân chính và dày hơn ở mặt dưới. 

Hoa cây khổ sâm mọc thành cụm ở kẽ lá và đầu cành. Cụm hoa có thể bao gồm cả hoa đực và hoa cái, nhưng cũng có khi hoa đực và hoa cái mọc thành cụm riêng. Quả khổ sâm hình cầu, khi khô nứt thành 3 mảnh, mỗi mảnh có một bướu. Trong quả có hạt hình trứng. Khổ sâm ra hoa và quả vào khoảng tháng 5 - 8. 

Cây khổ sâm được biết đến là dược liệu chữa nhiều bệnh trong dân gian

Cây khổ sâm được biết đến là dược liệu chữa nhiều bệnh trong dân gian

Phân bố sinh thái

Trên thế giới, cây khổ sâm chủ yếu phân bổ ở vùng nhiệt đới. Còn ở Việt Nam, khổ sâm được trồng hoặc mọc tự nhiên ở các vùng đồi núi phía Bắc. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Thái trồng rất nhiều loài cây này.

Bộ phận sử dụng

Cây khổ sâm là vị thuốc quý trong dân gian. Rễ, cành và lá cây được sử dụng để chữa bệnh, trong đó, rễ và lá là được dùng nhiều nhất. Khi cây đang ra hoa là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch. Các bộ phận của cây được rửa sạch, cắt nhỏ thành đoạn 1 - 3cm, đem đi phơi hoặc sấy đến khi khô. Lúc dùng thì lấy ra sao vàng trước khi sử dụng.

Rễ, lá và thân cây khổ sâm được bào chế thành dược liệu khô để sử dụng dần

Rễ, lá và thân cây khổ sâm được bào chế thành dược liệu khô để sử dụng dần 

Thành phần hóa học

Trong rễ cây khổ sâm có chứa hoạt chất kháng viêm và dẫn xuất matrin có tác dụng chống lại các phản ứng viêm và phản ứng gây rối loạn nhịp tim. Còn trong lá khổ sâm thì chứa flavonoid, alkaloid, polyphenol và tannin có tác dụng kháng viêm, giảm đau, chống dị ứng,…

2. Tác dụng chữa bệnh của cây khổ sâm

Thành phần hoạt chất đa dạng trong cây khổ sâm giúp loài cây này trở thành dược liệu được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc khác nhau. Theo Đông y, khổ sâm tính mát, vị đắng và hơi chát, có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, chủ yếu dùng trong điều trị viêm dạ dày, viêm đại tràng.

Còn trong y học hiện đại, cây khổ sâm có tác dụng bổ phế, long đờm, làm giảm triệu chứng của bệnh hen suyễn. Đặc biệt là ức chế sự sản sinh của các vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm B, trực khuẩn lỵ và hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng ngừa thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch,…

Khổ sâm hỗ trợ điều trị và cải thiện các vấn đề về sức khỏe tim mạch

Khổ sâm hỗ trợ điều trị và cải thiện các vấn đề về sức khỏe tim mạch 

3. Những bài thuốc hay từ cây khổ sâm

Nếu bạn đang có ý định sử dụng cây khổ sâm để chữa bệnh thì có thể tham khảo một số bài thuốc hay sau.

  • Trị đau dạ dày: Sắc 16 - 20g lá khổ sâm với nước để thu lấy nước đặc rồi uống khi còn ấm nóng, chia làm 2 - 3 lần trong ngày, uống đến khi khỏi bệnh. Hoặc cũng có thể kết hợp lá khổ sâm với một ít dạ cẩm và sắc uống, nhưng chỉ uống trong 2 - 3 tuần rồi dừng.
  • Trị viêm đại tràng: Kết hợp lá khổ sâm cùng chè dây, hậu phác, nam mộc hương, thương truật, vân mộc hương, mỗi vị khoảng 8g để sắc với nước trong 30 phút. Sau đó chắt lấy nước và chia ra uống nhiều lần trong ngày.
  • Trị ăn không tiêu: Dùng 12 - 24g lá khổ sâm sắc với nước hoặc hãm với nước rồi uống. Nếu tình trạng không khỏi, hãy kết hợp lá khổ sâm với nhân trần, bồ công anh lá khôi và chút chít, mỗi vị khoảng 10 - 12g giã nhuyễn, pha với nước ấm rồi uống.
  • Trị đau bụng: Nếu bị đau bụng không rõ nguyên nhân, bạn hãy nhai lá khổ sâm cùng vài hạt muối. Cũng có thể nhai thêm xíu gừng để vừa giảm cảm giác khó chịu, vừa giúp làm ấm bụng. 
  • Trị bệnh ngoài da: Dùng lá khổ sâm, huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, mỗi vị 15g và 10g thương nhĩ tử sắc lấy nước rồi uống khi còn ấm. Bên cạnh đó, có thể nấu nước lá khổ sâm với lá trầu không và rau kinh giới để tắm. 
  • Trị bệnh tim mạch: Dùng 30g khổ sâm, 30g ích mẫu, 6g chích thảo sắc với nước rồi uống, chia làm 3 lần/ ngày sẽ giúp hỗ trợ điều trị rối loạn nhịp tim
  • Trị ngứa âm đạo: Dùng lá khổ sâm, phòng phong, lộ phong phòng, chích thảo với lượng bằng nhau, đun với nước rồi để nguội và rửa âm đạo. 

Đau bụng không rõ nguyên nhân có thể nhai lá khổ sâm để làm dịu cơn đau

Đau bụng không rõ nguyên nhân có thể nhai lá khổ sâm để làm dịu cơn đau 

4. Lưu ý khi sử dụng cây khổ sâm

Cây khổ sâm có tác dụng chữa được nhiều bệnh nhưng để đảm bảo hiệu quả cao nhất và phòng tránh các tác dụng phụ thì bạn cần lưu ý: 

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em, người đang bị suy nhược cơ thể, táo bón hay người tỳ vị hư hàn thì không nên dùng cây khổ sâm. 
  • Cây khổ sâm hơi độc nên khi dùng quá liều hoặc không đúng cách thì người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Lạm dụng hay sử dụng khổ sâm trong thời gian dài sẽ tiềm ẩn các nguy cơ có hại cho cơ quan gan và thận. 
  • Kết hợp khổ sâm với bối mẫu thỏ ty tử và phản lê lô có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Nếu đang dùng thuốc điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp, tránh tương tác thuốc.

Nội dung bài viết trên đây giúp bạn biết được tác dụng chữa bệnh của cây khổ sâm cùng những bài thuốc hay từ dược liệu này. Quý khách có nhu cầu khám chữa bệnh nhưng không biết đâu là địa chỉ uy tín, có thể an tâm lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Ngoài ra, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài hỗ trợ đặt được lịch khám phù hợp tại Bệnh viện, Phòng khám của MEDLATEC trên toàn quốc.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.