Tin tức

Cây nhức răng ngoài chữa bệnh răng miệng còn chữa được bệnh nào khác?

Ngày 12/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây nhức răng được nhiều người dùng để chữa nhức răng nhưng đây cũng là dược liệu có thể chữa nhiều bệnh lý khác. Mọi bộ phận của loài cây này đều dùng được như một dạng thảo dược tự nhiên. Chi tiết về công dụng của cây nhức răng sẽ được giải đáp chi tiết trong thông tin chia sẻ sau đây.

1. Đặc điểm sinh học cây nhức răng

Cây nhức răng (cúc áo hoa vàng, cây nút áo, hoa cúc áo, cúc lác, cỏ thẻ,...) là loài cây mọc hoang, họ Cúc. Thân cây nhức răng tương đối nhỏ, cao trung bình 30cm, mọc đứng, phân nhiều cành, có thể bò lan trên mặt đất.

Lá nhức răng mọc đối xứng, mép lá có khía dạng răng cưa, phiến lá hình tam giác. Hoa nhức răng màu vàng, nếu là hoa cái sẽ có thêm 3 răng tròn và hoa hình ống ở giữa. Cây ra hoa vào thời điểm tháng 1 - 5. Quả nhức răng màu nâu nhạt, dạng dẹp, trên đầu có 2 răng gai.

Cây nhức răng chủ yếu mọc hoang, phù hợp với vùng khí hậu liên nhiệt đới. Vì thế, rất dễ có thể tìm thấy loài cây này ở ven rừng, ven đường, khe suối,... Có thể nhân giống cây nhức răng bằng cây con hay hạt đều được nhưng thời điểm nhân giống tốt nhất là vào mùa xuân. 

Hình ảnh nhận diện cây nhức răng

Hình ảnh nhận diện cây nhức răng

2. Khai thác dược liệu cây nhức răng

Mọi bộ phận của cây nhức răng đều có thể dùng làm dược liệu nhưng dùng nhiều nhất là phần hoa của loài cây này. Cây nhức răng có tên biệt dược là Herba seu Flos Spilanthi.

Dược liệu cây nhức răng có thể dùng tươi hoặc thu hoạch rồi rửa sạch, sấy hoặc phơi khô để dùng dần. Thời điểm thu hoạch cho chất lượng dược liệu tốt nhất là khi hoa còn ở giai đoạn màu xanh.

3. Thành phần hóa học và công dụng của dược liệu cây nhức răng

3.1. Thành phần hóa học

Thân cây và tinh dầu hoa nhức răng mùi hăng, có chứa các thành phần: Sterol, Polysaccharid không khử, Spilanthol, Spilanten,...

3.2. Công dụng

- Theo y học cổ truyền

Y học cổ truyền cho rằng cây nhức răng có tính ấm, vị đắng, chủ yếu dùng để tán ứ, giải độc, giảm đau, tiêu thũng. Dược liệu cây nhức răng chủ trị: sâu răng, đau nhức răng, đau đầu, ho, viêm phế quản, sốt rét, hen suyễn, phong thấp đau nhức xương,... Dùng ngoài da dược liệu cây nhức răng có thể trị lở ngứa, mề đay, nhọt độc, rắn cắn,...

Hoa của cây nhức răng có thể hãm trà uống hoặc đắp ngoài da, dùng đơn độc 1 vị hoặc kết hợp với các dược liệu khác để chữa bệnh. Ở liều uống, không nên quá 4 - 12g/lần. Liều dùng ngoài da tùy thuộc vào phạm vi tổn thương và mục đích chữa trị.

- Theo y học hiện đại

Thành phần của cây nhức răng có hoạt chất với công dụng ức chế khả năng hoạt động của tế bào ung thư tiền liệt tuyến nhưng ít tác động đến tế bào Vero. Ngoài ra, đây cũng là dược liệu có thể chống lại tế bào ung thư vú, ung thư phổi.

Tên gọi cây nhức răng phần nhiều bắt nguồn từ công dụng chữa bệnh của loài cây này

Tên gọi cây nhức răng phần nhiều bắt nguồn từ công dụng chữa bệnh của loài cây này

4. Bài thuốc từ cây nhức răng chữa đau nhức răng và một số bệnh lý khác

- Giảm đau nhức răng, sâu răng, viêm lợi

+ Cách thứ nhất

Dùng hoa và lá của cây nhức răng rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút rồi vớt ra, để ráo, giã nhỏ cùng với một chút muối. Tiếp sau đó hãy ấn chặt hỗn hợp vừa giã nhuyễn vào chân răng bị sâu, vùng răng bị đau nhức hoặc vắt lấy nước để ngậm và súc miệng.

+ Cách thứ hai

Rửa sạch 50g cây nhức răng rồi ngâm cùng 250ml rượu trắng vài ngày sau đó dùng để ngậm trong miệng khoảng 10 phút rồi nhổ ra ngoài. Làm như vậy đều đặn mỗi ngày 2 lần cho đến khi chấm dứt tình trạng đau nhức.

- Chữa phong thấp 

Rửa sạch 60g cây nhức răng rồi sắc cùng lượng nước vừa đủ sau đó chắt lấy nước uống 2 lần/ngày, liên tục 15 ngày.

- Chữa chấn thương phần mềm hoặc tụ máu vết thương gây đau nhức

Lấy 15g mỗi vị gồm: lá cây đại, cây nhức răng đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi đắp trực tiếp lên vết thương sau đó dùng băng gạc quấn kín, thay và đắp 3 lần/ngày.

- Chữa sốt rét, đau đầu, đau họng

Sắc 4 - 12g cây nhức răng tươi để lấy nước uống.

- Chữa phong tê thấp

Dùng 4 - 8g mỗi vị: rễ chanh, rễ cây nhức răng, rễ xuyên tiêu, rễ kim cang, quả màng tàng đem sắc lấy nước uống trong ngày.

- Chữa ghẻ lở, nhọt độc, rắn cắn

Sắc khoảng 12g toàn bộ cây nhức răng với 8g rễ của loài cây này với lượng nước đủ xâm xấp sau đó lấy nước uống. Nên kết hợp vừa uống vừa giã nhuyễn cây nhức răng tươi đắp lên vết thương để đạt hiệu quả cao nhất.

- Chữa mề đay mẩn ngứa

Cách đơn giản nhất để chữa mề đay mẩn ngứa là rửa sạch toàn bộ cây nhức răng rồi nấu lấy nước tắm.

Nước cây nhức răng có thể dùng tắm để chữa mẩn ngứa

Nước cây nhức răng có thể dùng tắm để chữa mẩn ngứa

- Chữa mẩn ngứa ngoài da do dị ứng thời tiết

Đem rửa 200g cây nhức răng cho sạch rồi nấu sôi cùng với 4 - 5 lít nước. Sau đó hãy chắt lấy phần nước để tắm còn phần bã dùng chà nhẹ lên vùng da bị mẩn ngứa.

- Chữa đau lưng 

Người bị đau lưng do lao lực quá sức của thể rửa sạch 150g cây nhức răng nấu sôi sau đó cho thêm vào một chút rượu trắng, đường đỏ, 250g đại táo. Nấu như vậy trên lửa nhỏ đến khi táo chín nhừ thì chắt lấy nước chia thành 4 - 5 lần uống trong ngày. 

- Chữa viêm họng do cảm lạnh

Rửa sạch 15g mỗi vị sau: kim ngân hoa, lá húng chanh, sài đất, cây nhức răng, cam thảo đất. Tiếp sau đó cho toàn bộ dược liệu vào nồi cùng với 750ml nước, nấu đến khi nước chỉ còn khoảng 300ml thì tắt bếp, chắt lấy nước rồi chia đều thành 3 phần để uống hết trong ngày.

Tên gọi cây nhức răng được người dân đặt tên chủ yếu từ mục đích sử dụng phổ biến nhất là dùng để chữa các bệnh đau nhức răng miệng. Tuy nhiên, thực tế, dược liệu này có thể chữa nhiều bệnh lý khác. Cây nhức răng có nhiều đặc điểm dễ gây nhầm lẫn với hoa xuyến chi nên để tránh nhầm và biết cách dùng dược liệu này đúng mục đích chữa bệnh, tốt nhất nên có sự tư vấn từ thầy thuốc có chuyên môn.

Quý khách hàng có nhu cầu khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.