Tin tức

Cây nếp: vị thuốc chữa bệnh tại nhà ít người biết tới

Ngày 12/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây nếp được dùng nhiều để làm hương liệu trong chế biến thực phẩm bởi mùi thơm đặc trưng. Khi nói về công dụng dược liệu của loài cây này thì nhiều người vẫn còn ngỡ ngàng. Vậy cụ thể, cây nếp có những công dụng gì và nên sử dụng như thế nào, bạn có thể tham khảo bài viết sau để hiểu thêm về vấn đề này.

1. Đặc điểm sinh học cây nếp

Cây nếp (lá nếp, cây cơm nếp, cây lá dứa) là loài cây thân thảo, thuộc họ dứa dại. Trung bình, mỗi cây nếp cao 30 - 40cm, mọc thẳng, lá mọc chụm và nhọn giống như lưỡi gươm. Mặt trên của lá nếp thường bóng, xanh thẫm; mặt dưới có thể phủ lông mịn, màu xanh nhạt hơn. 

Trên thân cây nếp có nhiều lá xếp xung quanh, tạo thành dạng bụi lớn. Cái tên cây nếp phần nhiều xuất phát từ hương thơm đặc trưng giống như mùi của cơm nếp, càng để khô lá càng toát ra mùi thơm dễ chịu. Tránh nhầm cây nếp với cây dứa (cùng họ dứa dại) vì lá của cây nếp không có gai, cây nếp cũng không ra quả nhưng cây dứa thì có gai ở lá và trên thân có quả.

Điều kiện sinh trưởng tốt nhất của cây nếp là vùng nhiệt đới, nơi có bóng râm mát. Cây nếp được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á như: Philippin, Malaysia, Thái Lan,...

Ở nước ta, cây nếp rất dễ tìm vì ở vùng nào cũng có nơi trồng. Tuy nhiên, cây nếp phổ biến ở miền Nam hơn vì người dân nơi đây có thói quen dùng lá nếp để tạo hương liệu, màu sắc cho nhiều món ăn, thậm chí còn dùng để pha trà uống.

Hình ảnh cây nếp

Hình ảnh cây nếp 

2. Thành phần và cách thức sơ chế dược liệu cây nếp

Tuy được xếp vào dòng dứa dại nhưng cây nếp có hương xạ rất nổi bật, khác hoàn toàn các loài cây cùng nhóm. Mùi hương này do enzyme dễ oxy hóa trong cây nếp tạo ra. Trong thành phần của dược liệu này còn chứa: chất xơ, nước, 3-Metyl-2 - Furanon, 2-Axetyl - 1 - Pyrrolin, alkaloid, glycosides,...

Có thể dùng mọi bộ phận của cây nếp để làm dược liệu, thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, nên ưu tiên chọn thu hoạch các lá nếp dày, dài, sẫm màu và già để đảm bảo dược chất tốt hơn.

Lá của cây nếp có thể dùng để pha trà, tạo màu thực phẩm, gia vị cho món ăn,... Trên phương diện dược liệu, cây nếp có thể dùng tươi hoặc dạng khô nhưng do hương thơm đặc trưng của loài cây này dễ thu hút ruồi bọ, côn trùng nên cần đặc biệt chú ý bảo quản kín, trong môi trường thoáng và không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để không làm giảm chất lượng dược liệu.

3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây nếp

3.1. Công dụng của cây nếp

Trong thành phần của cây nếp có nhiều hoạt tính có thể chữa bệnh nên cây nếp được dùng để chữa: tiểu đường, cảm cúm, ổn định thần kinh, trị gàu, đau nhức xương khớp,...

Cây lá nếp có thể dùng đơn liều hoặc dùng chung với các dược liệu khác để chữa bệnh. Đặc biệt, phụ nữ sau sinh nếu xông nước lá nếp sẽ giúp da thêm hồng hào và cải thiện sức khỏe.

Khi sử dụng lá nếp dược liệu chỉ nên dùng hàm lượng vừa đủ theo đúng đơn của thầy thuốc, tránh lạm dụng. Nếu dùng lấy hương thơm thì cần 1 - 2 lá.

Nước nấu từ cây nếp dùng để uống có thể ổn định đường huyết

Nước nấu từ cây nếp dùng để uống có thể ổn định đường huyết

3.2. Bài thuốc chữa bệnh từ cây nếp

Xét trên phương diện dược tính, cây nếp khô hay tươi đều như nhau. Trên phương diện mùi hương thì lá khô thường có mùi đậm hơn lá tươi. Có thể dùng cây nếp để chữa một số bệnh theo các cách sau:

- Chữa viêm, sưng khớp

Nếu bị sưng khớp, viêm khớp dạng thấp có thể kết hợp dầu dừa và cây nếp để chữa bệnh bằng cách:

+ Rửa sạch 3 lá nếp sau đó thái từng đoạn ngắn.

+ Đun 1 bát con dầu dừa trên lửa nhỏ.

+ Bỏ phần lá nếp đã cắt khúc vào dầu dừa rồi khuấy đều sau đó tắt bếp, chờ nguội.

+ Đắp hỗn hợp dầu dừa và lá nếp vừa nấu lên vùng bị sưng đau sau đó nhẹ nhàng chà xát, để yên khoảng 15 phút rồi rửa sạch. 

Nên làm như vậy đều đặn hàng ngày cho đến khi không còn triệu chứng sưng viêm.

- Giải nhiệt

Để giải nhiệt cho cơ thể trong mùa hè nóng bức hãy rửa sạch, thái nhỏ một nắm lá nếp sau đó chia thành 2 phần. Một phần đem xay nhuyễn cùng một ít nước sau đó lọc lấy nước cốt. Một phần đun sôi với một ít đường phèn. Chờ phần nước đun sôi hạ bớt nhiệt thì cho nước cốt lá nếp vào, đun sôi lại và tắt bếp. Dùng nước này để uống.

- Hạ đường huyết

Tạp chí Pharmacognosy của Thái Lan đã công bố thông tin về kết quả nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015: chiết xuất từ cây nếp có thể giúp giảm đường huyết, phòng ngừa tiểu đường.

Để hạ đường huyết, chỉ cần rửa sạch lá nếp, phơi sao cho lá vẫn giữ được màu xanh rồi hàng ngày dùng 10 lá nấu với 2.5 lít nước đến khi còn lại 2 lít thì lấy nước uống trong ngày. Nên uống nước lá nếp cách bữa ăn 30 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.

Có thể dùng cây nếp để hỗ trợ ổn định đường huyết tại nhà

Có thể dùng cây nếp để hỗ trợ ổn định đường huyết tại nhà

- Phòng tránh đái tháo đường

Nếu muốn ổn định đường huyết để phòng ngừa bệnh tiểu đường, có thể dùng cây nếp nấu nước uống bằng cách:

+ Rửa sạch lá nếp tươi sau đó đem phơi khô.

+ Lấy phần lá đã được phơi khô đem thái thành khúc nhỏ sau đó nấu cùng với nước. Dùng nước này uống thay nước lọc, mỗi ngày 1 lít. Có thể uống nước lá nếp như một biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường vì dược liệu này tương đối an toàn, nhất là với nhóm người có nguy cơ cao với bệnh tiểu đường.

- Trị phong hàn, cảm sốt

Lấy 1 nắm lá nếp tươi rửa sạch rồi nấu sôi cùng 2 lít nước rồi dùng nước này xông hơi 15 - 20 phút.

- Trị da đầu nhiều gàu

Rửa sạch 7 lá nếp rồi thái nhỏ, xay cùng ít nước để lọc lấy nước cốt thoa đều khắp da đầu và để như vậy 1 giờ sau đó gội sạch đầu bằng nước thông thường. 

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn biết thêm về lợi ích của cây nếp - loài cây hương liệu vốn đã rất thân thuộc. Nếu bạn muốn dùng loài cây này như một dược liệu chữa bệnh, hãy hỏi ý kiến thầy thuốc để được hướng dẫn sử dụng an toàn, đúng mục đích.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.