Tin tức

Chế độ chăm sóc trẻ suy hô hấp các bậc phụ huynh nhất định phải nhớ

Ngày 03/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tình trạng suy hô hấp cấp sẽ khiến người bệnh đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, nhất là đối tượng mắc là trẻ em nên bên cạnh điều trị thì việc chăm sóc trẻ suy hô hấp đúng cách cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Dưới đây là những lưu ý các bậc phụ huynh cần phải nắm vững khi chăm sóc trẻ nhỏ trong gia đình bị suy hô hấp.

1. Khi trẻ bị sốt do suy hô hấp

Cha mẹ hãy thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ:

  • Trường hợp trẻ sốt nhẹ (37,5°C đến <38,5°C): trẻ cần được nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát và không đắp kín cơ thể. Sử dụng khăn ấm chườm lên trán, nách và bẹn. Những trẻ vẫn đang trong giai đoạn bú mẹ thì nên cho bé bú nhiều hơn để bù nước, trẻ lớn hơn thì cho trẻ uống nhiều nước và trái cây, rau xanh đồng thời ăn những món dễ tiêu;

  • Trường hợp trẻ sốt cao (>38,5°C) kèm triệu chứng bứt rứt, khó chịu: dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ, tăng cường hạ thân nhiệt của bé bằng cách lau mát bằng khăn ấm.

2. Đối với đường thở của trẻ nên chú ý điều gì? 

Khi chăm sóc trẻ suy hô hấp ngoài hạ sốt thì cũng cần chú ý đến đường thở của trẻ, bao gồm những việc như sau: 

  • Vệ sinh sạch sẽ mũi và miệng: khi bị suy hô hấp, trẻ sẽ bị tắc mũi và nghẹt mũi khiến việc bú sữa hay ăn uống gặp nhiều khó khăn, đồng thời trẻ cũng khó có thể ngủ ngon và nghỉ ngơi được. Để giúp làm loãng và thông thoáng dịch mũi họng, cha mẹ hãy nhỏ vào mỗi bên mũi của trẻ nước muối sinh lý dành cho trẻ em, tiếp theo là sử dụng dụng cụ hút nước mũi để hút dịch nhầy dư thừa và cuối cùng là lau lại mũi bằng khăn sạch một cách nhẹ nhàng;

  • Tống xuất đờm cho trẻ: phản xạ ho là một cơ chế tự nhiên của cơ thể sẽ giúp trẻ tống các chất dịch nhờn và đờm ra ngoài. Trước và sau bữa ăn khoảng 1 giờ, phụ huynh hãy vỗ lưng cho trẻ từ 3 - 5 phút để tránh tình trạng nôn trớ;

Chăm sóc trẻ suy hô hấp

Chăm sóc trẻ suy hô hấp - cần vệ sinh sạch sẽ mũi họng cho trẻ

  • Trị ho: nếu tình trạng ho trở nên nghiêm trọng đến mức khiến trẻ nôn trớ khi ăn hoặc gây mất ngủ, rát họng, cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ uống nước ấm. Điều này có tác dụng làm dịu cơn ho và loãng dịch đờm trong họng. Bên cạnh đó những công thức dân gian cũng có thể được áp dụng để trị ho cho trẻ như dùng quất chưng đường, húng chanh, nước trà ấm hoặc các loại siro được chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên. Trong trường hợp trẻ ho nhiều và có biểu hiện tím tái thì hãy khẩn trương đưa trẻ nhập viện;

  • Can thiệp nếu trẻ bị nghẹn: giúp trẻ lấy dị vật ra ngoài nếu trong đường thở có dị vật cản trở đường hô hấp. Phụ huynh nên trang bị các kiến thức cần thiết về sơ cứu trẻ trong các tình huống này vì khi trẻ bị hóc thì sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp rất nhanh.

3. Vấn đề dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ suy hô hấp

Một chế  độ ăn uống khoa học, phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường  sức đề kháng để chống lại bệnh, từ đó rút ngắn thời gian điều trị. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị suy hô hấp, cha mẹ cần lưu ý:

  • Không ép buộc trẻ ăn nhiều mà hãy dựa trên nhu cầu ăn hàng ngày của bé;

  • Chia nhỏ bữa ăn trong thời gian trẻ bị bệnh: thay vì ăn 3 bữa/ngày thì trẻ nên được bổ sung dinh dưỡng thành nhiều bữa nhỏ, số lượng thực phẩm ở mỗi bữa có thể ít hơn nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, lỏng;

Chăm sóc trẻ suy hô hấp

Trẻ cần được hạ nhiệt nhanh chóng khi bị sốt

  • Trẻ cần được ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi;

  • Trẻ trên 6 tháng cần được bổ sung nhiều nước, trẻ dưới 6 tháng cần được bú sữa nhiều hơn: suy hô hấp thường khiến bệnh nhân bị mất nhiều nước do phải thở nhanh. Do vậy việc uống nhiều nước sẽ giúp bù đắp lại lượng nước đã mất, đồng thời còn giúp trẻ đỡ đau họng và loãng đờm, giảm ho;

  • Đối với những trẻ suy hô hấp nặng không thể hấp thụ dinh dưỡng qua đường miệng thì cần tiến hành đặt sonde dạ dày tại bệnh viện.

4. Vệ sinh cơ thể cho trẻ 

Các bậc phụ huynh và nhân viên y tế cũng không thể bỏ qua vấn đề chống nhiễm khuẩn và bội nhiễm trong quá trình chăm sóc trẻ suy hô hấp: 

  • Phòng ốc, nơi điều trị và sinh hoạt của trẻ cần được vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp thường xuyên;

  • Sát khuẩn các dụng cụ thăm khám bệnh và đảm bảo vô trùng quy trình khám bệnh cho trẻ, nhất  là khi hút đờm qua nội khí quản;

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho bé;

  • Điều trị kháng sinh cần tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ.

Những lưu ý khác mà cha mẹ không nên bỏ qua để phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh suy hô hấp ở trẻ:

  • Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ ngay từ khi chào đời bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ;

  • Đảm bảo trẻ luôn được tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng;

  • Phòng ở của trẻ cần phải được dọn dẹp thông thoáng, nhiệt độ thích hợp và có ánh sáng tự nhiên;

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học giúp tăng cường sức đề kháng;

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều với khói bụi, không khí ô nhiễm, không khí lạnh hoặc khói thuốc lá;

  • Nếu người xung quanh đang mắc các bệnh về đường hô hấp nên tránh xa trẻ nhỏ;

  • Mỗi khi chăm sóc trẻ, người lớn cần vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Chăm sóc trẻ suy hô hấp

Khi chăm sóc trẻ suy hô hấp, phụ huynh cần quan tâm đến nhu cầu dinh dưỡng của trẻ

Nếu được điều trị tích cực và thường xuyên theo dõi, chăm sóc trẻ đúng cách thì các bệnh lý  đường hô hấp nói chung và suy hô hấp nói riêng hoàn toàn có thể thuyên giảm và chuyển biến tích cực. Nếu trẻ có những dấu hiệu sốt cao dài ngày và triệu chứng khác  của suy hô hấp cấp, cha mẹ hãy đưa trẻ  đi khám và điều trị ngay.

Trong trường hợp phụ huynh cần được tư vấn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ tới tổng đài 1900565656, tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp quý phụ huynh giải đáp các một cách cụ thể và chi tiết hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.