Tin tức

“Chỉ điểm” những nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em

Ngày 04/08/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em là những hạn chế, bất thường trong phát triển trí não. Trẻ bị bệnh có chỉ số thông minh thấp, giới hạn về chức năng não bộ, dễ bị kích động và khả năng tự chăm sóc cũng kém hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi. 

1. Phân loại chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em theo mức độ

Một số triệu chứng của trẻ bị chậm phát triển trí tuệ có thể kể đến như trẻ chậm biết ngồi, chậm biết đi, nói không rõ ràng, trí nhớ kém, trẻ khó ghi nhớ ngay cả đối với những thông tin đơn giản, kém tập trung, trẻ cần đến sự hỗ trợ của người khác khi ăn uống hay mặc quần áo.

Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ được chia ra thành nhiều mức độ khác nhau

Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ được chia ra thành nhiều mức độ khác nhau

Dựa theo mức độ bệnh, tình trạng chậm phát triển trí tuệ sẽ được phân loại như sau:

Chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ:

Phần lớn những trường hợp bị chậm phát triển trí tuệ thường ở mức độ nhẹ. Chỉ số thông minh của trẻ có thể đạt mức 50 đến 75 và trẻ có thể theo kịp chương trình của học sinh tiểu học.

Trẻ gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn và giáo dục đúng phương pháp của gia đình cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng, trẻ vẫn có thể trò chuyện, giao tiếp như những đứa trẻ bình thường và có thể tự lập trong tương lai.

Chậm phát triển trí tuệ ở mức trung bình

Chỉ số thông minh của trẻ có thể dao động từ 35 đến 55. Trẻ tiếp thu chậm hơn so với trẻ bình thường. Nếu nhận được sự hướng dẫn tận tình và đúng cách của cha mẹ, trẻ vẫn có thể thực hiện một số việc đơn giản như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh. Trẻ cũng có thể học cách viết, đọc và đếm. Khi lớn lên, trẻ vẫn cần nhận được sự giám sát, trông nom của người thân hoặc các trung tâm cộng đồng.

Chậm phát triển trí tuệ mức nặng

Những trường hợp này, chỉ số thông minh của trẻ chỉ từ 20 đến 40. Trẻ vẫn có thể thực hiện được những kỹ năng giao tiếp cơ bản và có thể tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên, trẻ vẫn cần được giám sát, chăm sóc từ người thân hoặc các trung tâm cộng đồng.

Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ cần nhận được sự quan tâm từ gia đình, cộng đồng

Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ cần nhận được sự quan tâm từ gia đình, cộng đồng

Chậm phát triển trí tuệ rất nặng

Chỉ số thông minh của trẻ rất thấp, chỉ ở mức 20 đến 25. Nếu được chỉ dẫn đúng phương pháp, trẻ vẫn có thể giao tiếp cơ bản và biết cách chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, trẻ có sự tổn thương đặc biệt về thần kinh và thường xuyên cần đến sự quan tâm, theo dõi và giúp đỡ của gia đình và mọi người xung quanh.

2. Những nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em

Rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có rất nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nhưng không thể xác định được nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất:

Di truyền

Một số trường hợp trẻ bị chậm phát triển trí tuệ là do di truyền. Nghĩa là nếu bố mẹ có những dị thể bất thường thì có thể sinh ra trẻ mắc phải những vấn đề khuyết tật về thần kinh. Trong đó, phổ biến nhất là chứng Phenylketone niệu. Đây là một dạng rối loạn chuyển hóa ở bố mẹ làm tăng nguy cơ khuyết tật trí tuệ ở trẻ.

Một số vấn đề bất thường trong thai kỳ làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ

Một số vấn đề bất thường trong thai kỳ làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ

Những vấn đề bất thường trong thai kỳ:

Mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Ngược lại, những yếu tố và các vấn đề bất thường trong thai kỳ có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế, trẻ sẽ gặp phải một số vấn đề sức khỏe cả về thể chất và trí tuệ sau khi sinh ra. Một số yếu tố xảy ra trong khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ:

+ Mẹ bầu hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, sử dụng rượu bia và một số loại chất kích thích khác.

+ Mẹ bầu nhiễm virus, ký sinh trùng hoặc bị rối loạn tuyến sữa.

+ Các trường hợp mẹ bầu bị huyết áp cao và ảnh hưởng tới lượng máu lưu thông đến bào thai. Từ đó, tác động không tốt đến sự phát triển của não bộ.

+ Mẹ bầu không được cung cấp đủ dinh dưỡng cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ.

Một số loại bệnh tật và chấn thương

Sau khi chào đời, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa được phát triển toàn diện. Vì thế, khi bị ảnh hưởng bởi những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, cơ thể trẻ sẽ không đủ sức để chống lại và rất dễ mắc bệnh. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ.

Trong trường hợp không tiêm vắc xin phòng bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc phải một số loại bệnh nguy hiểm như sởi, thủy đậu,… Những căn bệnh này cần được điều trị kịp thời, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ ở trẻ. Nguy hiểm nhất phải kể đến bệnh viêm não và nhiễm trùng não vì những căn bệnh này không những có thể gây chậm phát triển trí tuệ mà còn đe dọa tính mạng của trẻ.

Bên cạnh đó, chấn thương xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ và gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ.

Môi trường sống và giáo dục có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ

Môi trường sống và giáo dục có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ

Môi trường sống:

Có thể nói rằng, môi trường sống cũng chính là một yếu tố quan trọng có tác động rất lớn đến sự phát triển của trẻ cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Nếu môi trường sống bị ô nhiễm, chứa nhiều hóa chất độc hại, trẻ sẽ phát triển kém và chậm hơn. Trẻ không được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và những người thân xung quanh, đặc biệt là những trẻ phải thường xuyên chịu cảnh bạo lực cũng có thể phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe tâm thần.

Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ chậm phát triển trí tuệ, mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Các liệu pháp tâm lý có thể mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ. Để được tư vấn chi tiết hơn về bệnh chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe thể chất và trí tuệ của trẻ, các bậc phụ huynh có thể liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.