Tin tức

Chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường: ý nghĩa và cách kiểm soát ổn định

Ngày 31/10/2023
Lương Thanh Thủy
Người mắc bệnh đái tháo đường thường phải quan tâm đến nhiều chỉ số và các yếu tố giúp kiểm soát tốt bệnh lý của mình. Một trong các chỉ số đó là HbA1c (Hemoglobin A1c). Bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về ý nghĩa của chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường và cách kiểm tra, kiểm soát chỉ số này để giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe tốt nhất.

1. HbA1c là gì, có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe người bị đái tháo đường?

1.1. HbA1c là gì?

HbA1c (Hemoglobin A1c) là một chỉ số quan trọng trong quản lý đái tháo đường. Chỉ số này dùng để đo lường mức đường glucose gắn kết với protein hemoglobin trong hồng cầu.

HbA1c là một trong các chỉ số phản ánh đường huyết của người bị bệnh đái tháo đường

HbA1c là một trong các chỉ số phản ánh đường huyết của người bị bệnh đái tháo đường

Trung bình, mỗi tế bào hồng cầu có tuổi thọ khoảng 2 - 3 tháng. Khi glucose trong máu tăng cao, một phần hồng cầu sẽ kết hợp với hemoglobin để tạo thành HbA1c. Vì thế, chỉ số HbA1c thể hiện tỷ lệ hemoglobin kết hợp với đường glucose và được biểu thị dưới dạng phần trăm.

Chỉ số HbA1c cao thường cho thấy lượng đường glucose trong máu cao, nguy cơ bị các biến chứng của đái tháo đường tăng lên. Do đó, đo lường chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường là việc cần thiết để đánh giá và kiểm soát đường huyết, giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả bệnh lý này.

1.2. Ý nghĩa của chỉ số HbA1c

Chỉ số HbA1c bình thường ở ngưỡng < 5.7%. Nếu chỉ số này trong khoảng 5.7 - 6.4% sẽ phản ánh tình trạng tiền đái tháo đường. Nếu HbA1c ≥ 6.5% sẽ phản ánh tình trạng mắc bệnh đái tháo đường.

Chỉ số HbA1c có ý nghĩa lớn trong quản lý bệnh đái tháo đường vì nó cung cấp thông tin quan trọng về kiểm soát đường huyết của người bệnh trong 2 - 3 tháng trước đó. Cụ thể, chỉ số này có ý nghĩa:

- Đánh giá kiểm soát đường huyết

HbA1c phản ánh lượng đường glucose trong máu trong khoảng thời gian này không bị ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn. HbA1c cao hơn mức bình thường biểu thị kiểm soát đường huyết kém, có nguy cơ cao hơn về biến chứng đái tháo đường như tổn hại thần kinh, thị lực, tim mạch và bệnh thận.

Để đánh giá kiểm soát đường huyết qua chỉ số HbA1c thì:

+ HbA1c >10%: kiểm soát đường huyết kém.

+ HbA1c <6.5%: kiểm soát đường huyết tốt.

Người bị đái tháo đường cần phải kiểm soát chỉ số HbA1c < 6.5% để làm chậm và ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường.

- Thiết lập mục tiêu điều trị

HbA1c giúp bác sĩ và người bệnh thiết lập mục tiêu kiểm soát tốt nhất bệnh đái tháo đường. Dựa vào kết quả HbA1c, bác sĩ có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị, bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc, để đảm bảo rằng chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường ở mức an toàn.

- Đo lường hiệu quả điều trị

HbA1c thường được sử dụng để đo lường hiệu quả của quá trình điều trị. Nếu mức HbA1c giảm sau một thời gian điều trị, điều này cho thấy quá trình điều trị đang phát huy tác dụng. Nếu không, cần xem xét và điều chỉnh.

Kiểm tra chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường giúp bác sĩ đánh giá, kiểm soát và lên kế hoạch điều trị hiệu quả bệnh lý này

Kiểm tra chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường giúp bác sĩ đánh giá, kiểm soát và lên kế hoạch điều trị hiệu quả bệnh lý này

- Dự báo nguy cơ biến chứng

Chỉ số HbA1c càng cao thì nguy cơ biến chứng của đái tháo đường càng tăng. Do đó, HbA1c có thể dự báo nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và làm nền tảng để áp dụng các biện pháp ngăn ngừa.

Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường không chỉ là đo lường glucose trong máu mà còn là công cụ quan trọng để đánh giá, quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường.

2. Kiểm tra chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường

2.1. Phương pháp kiểm tra HbA1c

Để đo lượng HbA1c trong máu, người bệnh cần phải thực hiện xét nghiệm máu toàn phần. Phương pháp này yêu cầu lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch hoặc ngón tay của người bệnh. Mẫu máu này được thu thập vào ống chứa chất chống đông và sau đó gửi đến phòng xét nghiệm để đo lượng HbA1c.

2.2. Tần suất kiểm tra HbA1c

Tần suất kiểm tra chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, loại đái tháo đường mắc phải và phác đồ điều trị từ bác sĩ:

- Đối với người mới mắc bệnh: có thể sẽ cần kiểm tra HbA1c thường xuyên để xác định mức đường huyết cơ sở.

- Đối với người đã được kiểm soát tốt: có thể kiểm tra HbA1c ít nhất 2 lần/ năm.

- Đối với người có kiểm soát kém hoặc đang điều chỉnh phác đồ điều trị: tần suất kiểm tra HbA1c thường là định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi và điều chỉnh kế hoạch điều trị khi cần thiết.

Việc tuân thủ tần suất kiểm tra HbA1c đối với bệnh nhân đái tháo đường rất cần thiết để đảm bảo kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng có thể mắc phải. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cụ thể về tần suất kiểm tra phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

3. Phương pháp kiểm soát chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường

Điều trị đái tháo đường đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chỉ số HbA1c và duy trì sức khỏe tổng thể của người bệnh. Quá trình điều trị và kiểm soát chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường thường gồm:

Xét nghiệm máu toàn phần giúp đo lường chỉ số HbA1c ở bệnh nhân đái tháo đường

Xét nghiệm máu toàn phần giúp đo lường chỉ số HbA1c ở bệnh nhân đái tháo đường

- Chế độ ăn uống lành mạnh

Người bệnh cần lựa chọn thực đơn cân đối với sự kiểm soát về lượng carbohydrate, chất béo và protein để kiểm soát đường huyết. Người bệnh nên tránh thức ăn chứa đường và chất béo bão hòa, hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhanh chóng và tăng cường bổ sung rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm giàu chất xơ.

- Tập thể dục đều đặn

Hoạt động thể dục giúp cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể đối với insulin và kiểm soát đường huyết. Vì thế, người bị bệnh đái tháo đường nên tập thể dục hàng ngày, tối thiểu 150 phút với các bộ môn vừa sức như như đi bộ nhanh, bơi lội, hoặc tập thể dục nhẹ,...

- Sử dụng thuốc đúng cách

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để kiểm soát đường huyết, bao gồm insulin hoặc các loại thuốc kiểm soát đường huyết dạng uống. Người bệnh cần tuân thủ liều lượng và lịch trình theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Tự theo dõi đường huyết thông qua việc kiểm tra đường huyết tại nhà hoặc thiết bị theo dõi liên tục giúp người bệnh nắm bắt tình hình đường huyết và có phương án điều chỉnh phù hợp.

Sự kết hợp của những yếu tố trên đây trong quá trình điều trị có thể giúp kiểm soát chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường và giảm nguy cơ mắc các biến chứng, từ đó giúp người bệnh duy trì được tình trạng sức khỏe tốt.

Chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường là một chỉ số quan trọng để đánh giá, kiểm soát bệnh lý và nguy cơ biến chứng. Việc kiểm tra và duy trì HbA1c trong khoảng an toàn là một phần quan trọng của quá trình kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm HbA1c có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cùng Hệ thống Y tế MEDLATEC để biết được chỉ số và được tư vấn điều trị giúp kiểm soát chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ