Tin tức
Chi tiết lịch khám thai định kỳ mẹ bầu phải biết
- 30/05/2023 | Khám thai lần đầu vào tuần thứ mấy? Cần lưu ý điều gì?
- 01/11/2023 | Chia sẻ kinh nghiệm đi khám thai lần đầu cho chị em phụ nữ
- 01/10/2024 | Điểm danh các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần biết
1. Tại sao phải khám thai định kỳ?
Bác sĩ Sản khoa khuyến cáo mẹ bầu nên khám thai định kỳ bởi những lý do sau:
- Theo dõi, nắm bắt tình hình phát triển cũng như sức khỏe của thai nhi.
- Tầm soát, phát hiện các bất thường, dị tật bẩm sinh ở thai nhi để xử lý kịp thời.
- Đánh giá các yếu tố nguy cơ của mẹ bầu, đặc biệt là mẹ bầu bị tiểu đường, cao huyết áp, tiền sử sản giật, sinh non, thai lưu, sảy thai,…
- Mẹ bầu được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ, đặc biệt là cải thiện được trọng lượng của mẹ bầu và thai nhi.
Bên cạnh đó,nguy cơ tử vong ở thai nhi của các mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai định kỳ thấp hơn nhiều so với các mẹ bầu không thực hiện khám thai. Chính vì vậy, khám thai định kỳ hoặc khám thai theo lịch của bác sĩ Sản khoa là cực kỳ quan trọng với cả mẹ bầu lẫn thai nhi.
Khám thai định kỳ giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi và tầm soát nguy cơ
2. Chi tiết lịch khám thai định kỳ
Dưới đây là chi tiết lịch khám thai mà bạn cần ghi nhớ và tuân thủ nếu đang mang thai hoặc có ý định mang thai:
Khám thai lần đầu (tuần thai thứ 5 - 8)
Sau khi trễ kinh và thử thai lên 2 vạch, bạn cần chủ động đi khám thai lần đầu ở tuần thai thứ 5 - 8. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm và siêu âm thai để xem chính xác bạn có thai hay không cũng như vị trí mà thai làm tổ. Ngoài ra, bác sĩ cũng dự đoán tuổi thai và ngày dự sinh trong lần khám thai đầu tiên này. Đặc biệt, bạn sẽ được tư vấn cần bổ sung vitamin, khoáng chất nào và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt ra sao.
Khám thai lần thứ 2 (tuần thai thứ 8 - 10)
Nếu như ở lần khám thai đầu tiên xét nghiệm cho thấy bạn mang thai nhưng bác sĩ chưa xác định được phôi thai hay chưa nghe được tim thai thì bạn có thể được chỉ định quay lại khi thai được 8 - 10 tuần để kiểm tra phôi thai và tim thai.
Khám thai lần thứ 3 (thai được 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày)
Đây là cột mốc quan trọng trong lịch khám thai. Theo đó, bạn cần đi khám khi thai được 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày để bác sĩ đo độ mờ da gáy thai nhi nhằm phát hiện các dị tật bẩm sinh do bất thường nhiễm sắc thể. Trường hợp có bất thường thì bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán chính xác hơn.
Thời kỳ này bạn được thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra sàng lọc trước sinh và các xét nghiệm máu cơ bản cho mẹ như: tổng phân tích máu, chức năng gan, thận, bệnh truyền nhiễm Viêm gan B, HIV,... xét nghiệm nước tiểu.
Khám thai ở tuần 11 tuần 5 ngày - 13 tuần 6 ngày để đo độ mờ da gáy thai nhi
Khám thai lần thứ 4 (tuần thai thứ 16 - 18)
Lần khám thai này được thực hiện khi thai được 16 - 18 tuần, mục đích chủ yếu để theo dõi thai nhi phát triển như thế nào. Nếu bạn có tiền sử sinh non hoặc bác sĩ phát hiện nguy cơ thì sẽ được đo chiều dài kênh cổ tử cung.
Khám thai lần thứ 5 (tuần thai thứ 20 - 22)
Trong lịch khám thai định kỳ, đây cũng là một cột mốc quan trọng. Khi thai được 20 - 22 tuần, bác sĩ tiến hành siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, phát hiện các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch hay các bất thường ở cơ quan nội tạng thai nhi như tim thai, hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, ở lần khám thai này, bạn tiếp tục được đo chiều dài kênh cổ tử cung để tầm soát nguy cơ sinh non nếu bạn có tiền sử sinh non. Đồng thời, được tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván mũi đầu tiên.
Khám thai lần thứ 6 (tuần thai thứ 24 - 28)
Ở tuần thai thứ 24 - 28, bác sĩ tiếp tục theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi thông qua hình ảnh siêu âm. Còn bạn sẽ được làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cũng như xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm máu cơ bản và hướng dẫn chế độ ăn uống cho phù hợp với kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, mũi vắc xin phòng ngừa uốn ván thứ hai cũng được tiêm trong lần khám thai này.
Từ tuần thai 24 - 28, mẹ có thể thấy rõ biểu cảm đáng yêu của thai nhi khi siêu âm
Khám thai lần thứ 7 (tuần thai thứ 28 - 32)
Khi thai được 28 - 32 tuần, bác sĩ chủ yếu kiểm tra và ước tính kích thước, cân nặng thai nhi. Ngoài ra, có thể thực hiện siêu âm hình thái học để xem thai nhi có những bất thường khởi phát muộn hay không.
Khám thai lần thứ 8 (tuần thai thứ 34 - 36)
Bạn không được bỏ qua lần khám thai này trong lịch khám thai định kỳ vì khi thai được 34 - 36 tuần, bác sĩ sẽ ước tính cân nặng của thai nhi và xác định ngôi thai là thuận hay ngược, từ đó có những hướng dẫn phù hợp. Và thường ở thời điểm này, bạn nên đi khám thai mỗi 2 tuần một lần. Từ tuần 35 đến 37 tuần 5 ngày bạn được thực hiện xét nghiệm GBS.
Khám thai lần thứ 9 (tuần thai thứ 36 - 40)
Bạn đã bước vào những tuần cuối cùng của thai kỳ và cần khám thai mỗi tuần 1 lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đo monitoring kiểm tra nhịp tim thai, cơn co tử cung, đánh giá tử cung và xương chậu của bạn để xem xét, tiên lượng khả năng sinh thường.
Càng về cuối thai kỳ, bạn càng đi khám thai nhiều hơn, có thể 1 - 2 tuần một lần
Trên đây là chi tiết lịch khám thai, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Lưu ý đây chỉ là lịch tham khảo và thể hiện những cột mốc khám thai quan trọng không thể bỏ qua. Còn thực tế, tùy vào tình trạng sức khỏe mẹ bầu và tình hình phát triển của thai nhi mà bác sĩ sẽ có chỉ định lịch khám phù hợp. Quan trọng nhất là bạn phải tuân thủ các hướng dẫn này để an toàn cho sức khỏe bản thân và em bé trong bụng.
Để được thăm khám thai định kỳ, bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu vẫn còn phân vân về dịch vụ hoặc có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp, quý khách hãy gọi đến số 1900 56 56 56. Và đây cũng là hotline đặt lịch khám chủ động theo yêu cầu của quý khách.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!