Tin tức
Chích lẹo mắt có đau không? Tự làm tại nhà được không?
- 23/05/2023 | Bạn đã biết cách chữa lẹo mắt tại nhà chưa??
- 09/06/2023 | Bật mí cách trị lẹo mắt nhanh nhất trong 1 đêm bạn nên biết
- 01/07/2023 | Một số loại thuốc nhỏ mắt trị lẹo và cách xử lý tại nhà
1. Lẹo mắt là gì?
Lẹo mắt hay mụt lẹo là tình trạng xuất hiện cục u sưng đỏ giống như mụn mủ ở phần mí mắt hoặc rìa mí mắt. Đây là hội chứng viêm cấp tính ở mi mắt do vi khuẩn tụ cầu vàng, hình thành các ổ nhiễm trùng với biểu hiện đau, sưng đỏ.
Lẹo mắt là hiện tượng cục u mủ xuất hiện ở mi mắt
Tình trạng lẹo mắt thường được chia thành 3 loại:
● Đa lẹo với nhiều mụt lẹo xuất hiện cùng lúc trên mi mắt hoặc ở 2 mi mắt trên và dưới.
● Lẹo trong là dạng lẹo hình thành khi tuyến meibomius nằm ở phần trong của mi mắt bị viêm nhiễm. Đây là dạng lẹo tiếp xúc trực tiếp với tròng mắt và gây cảm giác khó chịu và có tỷ lệ biến chứng nhiễm trùng mắt cao.
● Lẹo ngoài là dạng lẹo hình thành do nhiễm trùng tuyển Zeiss thường xuất hiện ở vị trí bờ mi trên hoặc dưới, một số trường hợp có thể mọc ở hốc mắt. Với vị trí mọc bên ngoài mi nên dễ phát hiện sớm và điều trị thường đơn giản, ít biến chứng hơn.
2. Nguyên nhân gây lẹo ở mắt
Nguyên nhân chủ yếu hình thành lẹo ở mắt do tình trạng viêm nhiễm nang lông mi xuất phát từ vi khuẩn tụ cầu vàng. Đối với lẹo ngoài, vi khuẩn này gây ra sự tắc nghẽn ở tuyến Zeiss (tuyến bã nhờn) hoặc tuyến Moll (tuyến mồ hôi). Khi các tuyến này ở mắt bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến tình trạng sưng viêm hoặc hình thành ổ viêm mủ. Còn lẹo trong hình thành khi tuyến meibomius bị tắc nghẽn dẫn đến sưng viêm và hình thành cục u mủ bên trong mắt.
Vệ sinh kém là nguyên nhân phổ biến gây lẹo mắt
Tác nhân hình thành tình trạng viêm nhiễm nang lông mi xuất phát từ thói quen sinh hoạt, môi trường hoặc một số bệnh lý về mắt:
● Vi khuẩn xâm nhập do vệ sinh không đúng cách khi sử dụng các loại kính áp tròng.
● Thường xuyên dụi mắt khi chưa vệ sinh tay tao cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt.
● Vùng da mắt không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
● Dụng cụ trang điểm như cọ, bông phấn, mút trang điểm,... không được vệ sinh thường xuyên, dẫn đến tình trạng chứa nhiều bụi và vi khuẩn. Khi sử dụng các dụng cụ này, bụi và vi khuẩn tiếp xúc trực tiếp với mắt, từ đó tạo thành các ổ viêm nhiễm.
● Bệnh lý liên quan đến viêm bờ mi cấp tính cũng gây sưng và nổi lẹo.
3. Phương pháp điều trị lẹo mắt
Mắt là bộ phận nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng nặng do môi trường ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Chính vì thế, khi có bất kỳ dấu hiệu nổi lẹo mắt đều nên thăm khám để có phương pháp điều trị phù hợp.
3.1. Điều trị nội khoa
Đối với lẹo mắt mới hình thành hoặc ở tình trạng nhẹ, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng uống để giảm tình trạng viêm nhiễm. Cùng với đó là các loại thuốc nhỏ mắt hoặc mỡ bôi giảm đau, giảm sưng và hạn chế lây lan.
Ngoài ra, khi bệnh nhân đau nhức có thể sử dụng bổ sung thuốc giảm đau để làm giảm triệu chứng khó chịu tuy nhiên nên có sự đồng ý của bác sĩ trước khi dùng.
Sử dụng thuốc kháng sinh giúp hạn chế nhiễm trùng lây lan
3.2. Điều trị ngoại khoa
Sau khi sử dụng thuốc nhưng tình trạng lẹo mắt không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn như: xuất hiện thêm lẹo hoặc sưng to, nhiều mủ hơn dẫn đến hạn chế thị lực thì bác sĩ có thể chỉ định tiểu phẫu để xử lý mụt lẹo.
Ngoài ra, nếu mụt lẹo nằm ở vị trí gây cản trở hoạt động nhắm mở mắt thì cũng cần can thiệp để giúp cải thiện tình trạng. Phương pháp can thiệp trực tiếp vào mụt lẹo được ứng dụng phổ biến là rạch, chích lẹo mắt để dẫn lưu mủ ra ngoài, nhằm làm giải quyết ổ nhiễm trùng.
Rạch, chích lẹo là phương pháp can thiệp để dẫn lưu mủ ra ngoài
4. Chích lẹo mắt có đau không?
Chích lẹo mắt có đau không là câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm khi có chỉ định tiểu phẫu xử lý lẹo. Chích lẹo mắt là phương pháp xử lý phổ biến bằng cách rạch tại vị trí sưng u để dẫn lưu mủ ra ngoài. Tiểu phẫu chích, rạch lẹo khá đơn giản và thường thực hiện nhanh từ 5 - 10 phút, vì thế nên thường ít có cảm giác đau. Tuy nhiên, một số mụt lẹo nổi ở vị trí nhạy cảm trên mắt sẽ có cảm giác đau hơn khi thực hiện, đối với trường hợp này bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê để giúp bệnh nhân thả lỏng và hạn chế đau.
Chích lẹo mắt có đau không là thắc mắc của nhiều người
5. Nên tự chích lẹo mắt tại nhà không?
Ngoài câu hỏi “chích lẹo mắt có đau không” thì “tự chích lẹo mắt tại nhà được không” là chủ đề cũng được nhiều người quan tâm. Mặc dù chích lẹo khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng cách hoặc không đảm bảo vệ sinh có thể khiến mủ tiếp xúc với mắt, từ đó gây ra các biến chứng nhiễm trùng nặng hơn. Chính vì thế, người bệnh không nên tự thực hiện chích lẹo mắt tại nhà, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị an toàn, hiệu quả.
6. Những lưu ý khi chăm sóc mắt lẹo tại nhà
● Tránh để vùng mắt có lẹo tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
● Đeo kính mắt để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.
● Hạn chế chạm hoặc tác động vào mụt lẹo có thể khiến chúng bị vỡ gây nhiễm trùng.
● Vệ sinh vùng bị lẹo bằng nước muối sinh lý và bông gòn y tế từ 2 - 3 lần/ngày.
● Hạn chế để mắt tiếp xúc lâu với ánh sáng mạnh như ánh nắng, màn hình vi tính hoặc điện thoại thời gian dài dễ khiến mắt bị mỏi và lâu hồi phục.
● Chườm ấm bằng cách dùng khăn sạch nhúng nước ấm, vắt khô và đắp lên mắt trong vòng 10 - 15 phút để giúp thư giãn tuyến bã nhờn, mồ hôi bị tắc nghẽn và giảm tình trạng sưng viêm.
● Nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra ngay khi có dấu hiệu nổi mụt lẹo.
● Không nên tự ý chích rạch lẹo tại nhà sẽ dễ gây nhiễm trùng.
● Không nên trang điểm trong quá trình mắt bị lẹo hoặc sau khi hồi phục ít nhất 2 tuần.
● Sau khi hồi phục nên sử dụng các sản phẩm vệ sinh mắt hoặc nước nhỏ mắt chuyên dụng để giúp bảo vệ mắt khỏi vi khuẩn và hạn chế tái phát.
● Khi bôi thuốc nên dùng tăm bông và hạn chế sử dụng tay để tránh truyền nhiễm vi khuẩn lên mụt lẹo.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “chích lẹo mắt có đau không”. Có thể thấy, tình trạng lẹo mắt khá phổ biến và dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Vậy nên, bạn nên ưu tiên đến những cơ sở y tế uy tín để thăm khám cụ thể. Một gợi ý dành cho bạn là chuyên khoa Mắt thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn chi tiết.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!