Tin tức
Chụp CT là gì và quy trình chụp diễn ra trong bao nhiêu lâu?
- 16/07/2020 | Chụp CT đầu giá bao nhiêu - mối quan tâm chung của nhiều người
- 15/07/2020 | Chụp CT có được bảo hiểm không - thắc mắc không của riêng ai?
- 15/07/2020 | Chẩn đoán sớm các bệnh mạch máu nhờ kỹ thuật chụp CT
1. Thế nào là chụp CT?
Chụp cắt lớp vi tính (hay còn gọi là chụp CT) là một kỹ thuật sử dụng nhiều tia X để quét lên một phần nào đó trong cơ thể theo lát cắt ngang, kết hợp với việc xử lý bằng máy vi tính để đưa ra các hình ảnh 2 hoặc 3 chiều của khu vực cần chụp.
Chụp CT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến hiện nay
Chụp cắt lớp vi tính được sử dụng để:
- Phát hiện ổ áp xe, dị dạng, khối u và các hình ảnh bệnh lý khác tại các bộ phận như mặt, đầu, cổ, ngực, tim, bụng, xương, khung chậu, mô mềm hoặc các bệnh lý mạch máu.
- Phát hiện ra các vấn đề bất thường liên quan đến chuyên khoa thần kinh sọ não như thiếu máu, chảy máu, phù não, khối u, khối máu tụ dập não,…
- Sử dụng để hướng dẫn xạ trị, phẫu thuật và theo dõi quá trình sau phẫu thuật. Đặc biệt, kỹ thuật chụp CT 3D còn cho phép các bác sĩ có sự đánh giá chính xác về vị trí bị tổn thương trong cơ thể người bệnh thông qua không gian 3 chiều để có được phác đồ điều trị phù hợp, định hướng tốt cho xạ trị cũng như phẫu thuật.
- Đối với các bệnh lý bất thường bẩm sinh, chụp cắt lớp vi tính có thể tái tạo hình ảnh 3D hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật tạo hình có được sự điều trị chính xác và tốt hơn.
Các bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng phối hợp thuốc cản quang theo đường tĩnh mạch, đường tiêu hóa để làm rõ hình ảnh của một khối dị thường nào đó và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
2. Đánh giá ưu, nhược điểm của chụp CT
2.1. Các ưu điểm của chụp CT
- Cho ra hình ảnh rõ nét, chính xác và không có hiện tượng nhiều hình chồng chéo lên nhau.
- Hình ảnh mô mềm có độ phân giải cao hơn so với hình ảnh được chụp X-quang.
- Là phương pháp lý tưởng để thực hiện khảo sát các bệnh lý liên quan đến xương do có độ phân giải không gian trên xương cao.
- Thời gian thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, phù hợp sử dụng trong trường hợp các bệnh cấp cứu cần phải đánh giá nhanh và có khả năng khảo sát những bộ phận khác trong cơ thể như phổi, ruột, gan, tim,…
- Đối với các bệnh nhân chống chỉ định chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) như người đang đặt máy trợ thính cố định, máy tạo nhịp, trợ van tim kim loại hoặc đang có dị vật nào đó trong cơ thể sẽ được thay thế bằng chụp cắt lớp vi tính.
Chụp CT có thể thay thế chụp MRI đối với các bệnh nhân đặc biệt
2.2. Các nhược điểm khi chụp CT
- Do tia X có khả năng đâm xuyên mạnh nên phương pháp chụp cắt lớp vi tính hạn chế hơn chụp cộng hưởng khả năng phát hiện ra các tổn thương ở các phần mềm.
- Chụp CT cho ra hình ảnh có độ phân giải thấp hơn so với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, gây khó khăn trong việc phát hiện ra các tổn thương có kích thước nhỏ.
- Đối với những tổn thương hoặc cơ quan có cùng đậm độ cũng sẽ khó phân biệt và phát hiện khi sử dụng kỹ thuật chụp CT.
- Kỹ thuật chụp CT sử dụng tia X và có thể gây nhiễm xạ, tuy nhiên bệnh nhân không cần lo lắng quá về vấn đề nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hay không vì mức độ nhiễm xạ sau mỗi lần chụp đều được tính toán nằm trong giới hạn cho phép.
3. Quy trình thực hiện chụp CT
3.1. Giai đoạn 1: Trước khi chụp
- Người bệnh sẽ được yêu cầu tháo bỏ toàn bộ các vật làm bằng kim loại trên người như đồng hồ, trang sức, kính, kẹp tóc, thiết bị trợ thính, răng giả,… bởi chúng sẽ làm nhiễu hình ảnh khi chụp cắt lớp vi tính.
- Phụ nữ nghi ngờ có thai hoặc đang có thai cần phải thông báo cho y tá để được cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Phụ nữ có thai nên thông báo cho bác sĩ trước khi chụp CT
- Trường hợp bệnh nhân có các bệnh như hen suyễn, tiểu đường, bệnh về tim, thận hoặc dị ứng thuốc thì cần phải thông báo trước cho bác sĩ.
- Nếu cần phải tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân và người thân sẽ phải ký vào bản cam kết rồi mới được thực hiện.
- Người bệnh cần nhịn ăn trước giờ tiêm thuốc cản quang khoảng 4 - 6 tiếng và có thể uống một lượng nước vừa phải trước giờ chụp cắt lớp vi tính 2 giờ.
- Nếu đối tượng được yêu cầu chụp cắt lớp vi tính là trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thì bác sĩ có thể sẽ cho bé ngủ và chụp các bộ phận không tiêm thuốc, trường hợp cần tiêm thuốc phản quang thì sẽ phải cho bé dùng an thần trước để tránh bé cử động trong khi tiêm thuốc phản quang.
- Tùy vào vị trí cần chụp trên cơ thể mà người bệnh sẽ được yêu cầu cởi bỏ áo, quần và mặc áo của bệnh viện.
3.2. Giai đoạn 2: Trong khi chụp
- Trong phòng chụp, người bệnh sẽ phải nằm ngửa trên bàn hoặc nằm theo tư thế đặc biệt nào đó theo yêu cầu của chẩn đoán.
- Chụp CT thường sẽ được thực hiện trong thời gian khoảng 3 - 5 phút, tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt hơn sẽ phải kéo dài lên đến 15 - 45 phút và sẽ được các nhân viên y tế giải thích rõ ràng trước cho người bệnh.
- Trong khi chụp, người bệnh cần phải nằm yên. Bệnh nhân nên nín thở khi chụp bụng và ngực theo hướng dẫn của các nhân viên y tế.
- Bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc phản quang thường sẽ cảm thấy nóng vùng mặt, cổ, ngực, thậm chí có thể lan đến vùng bẹn chỉ trong vài giây, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần phải nằm yên để cho ra được kết quả hình ảnh tốt nhất.
- Đối với các bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính kiểm tra hình ảnh đường tiêu hóa, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu uống nước hoặc uống thuốc phản quang để tăng khả năng tương phản của các cấu trúc ống tiêu hóa, giúp cho việc chẩn đoán được tốt hơn.
Bệnh nhân nên nằm yên trong khi chụp cắt lớp vi tính
3.3. Giai đoạn 3: Các lưu ý sau khi chụp
- Những người không phải uống thuốc cản quang thì khi chụp sẽ có thể ăn uống, hoạt động bình thường.
- Sau khi chụp, người bệnh có tiêm thuốc phản quang vẫn cần phải theo dõi trong phòng khoảng 30 phút, nếu không có bất cứ trường hợp bất thường nào diễn ra thì y tá sẽ tháo kim ra. Sau khi được tháo kim ra, người bệnh nên đè tay khoảng 5 - 10 phút vào vị trí tiêm thuốc để tránh chảy máu.
- Nếu sau khi chụp người bệnh xảy ra các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, chóng mặt, nôn ói, khó thở, đỏ da, ngứa, sốt,… thì cần báo ngay với nhân viên y tế hoặc đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Báo ngay với nhân viên y tế nếu cảm thấy buồn nôn sau khi chụp CT
3.4. Giai đoạn 4: Trả kết quả
Người bệnh sẽ nhận được kết quả trong vòng 20 - 30 phút, trường hợp cần hội chẩn thì kết quả sẽ được trả lâu hơn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu tư vấn về vấn đề trên, bạn có thể trực tiếp đến các cơ sở của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trên toàn quốc hoặc liên hệ vào số hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!