Tin tức

Chuyên gia giải đáp: Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?

Ngày 23/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh sỏi túi mật ngày càng gia tăng do thay đổi  trong thói quen sinh hoạt cũng như ăn uống, ít vận động và chứng thừa cân, béo phì,... Do đó có rất nhiều người đã phải tiến hành cắt túi mật. Vậy cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và phương pháp phòng ngừa bệnh nên áp dụng là gì?

1. Chức năng của túi mật và triệu chứng khi bị sỏi túi mật

Túi mật nằm ở ngay cạnh gan, đây là một bộ phận có nhiệm vụ dự trữ mật tiết ra từ gan trước khi lượng mật này chảy vào ruột non. Mật có tác dụng giúp phân giải chất béo và tiêu hóa thức ăn. 

Khi trong túi mật xảy ra hiện tượng lắng đọng bất thường sẽ hình thành nên sỏi mật. Những viên sỏi này sẽ khiến người bệnh bị đau bụng, lâu ngày dẫn tới viêm tụy và viêm túi mật. 

Sỏi túi mật có thể gây nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Sỏi túi mật có thể gây nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Có khoảng 30% số bệnh nhân bị sỏi túi mật là bộc lộ triệu chứng và biểu hiện thường gặp nhất chiếm 86% trong số các trường hợp là có cơn đau quặn mật với những đặc điểm như sau:

  • Đau vùng thượng vị hoặc vị trí hạ sườn phải, dễ bị nhầm lẫn với cơn đau dạ dày;

  • Đau thành từng cơn hoặc đau liên tục, nhất là sau khi ăn xong hoặc đau về buổi đêm.

2. Khi nào cần chỉ định mổ sỏi túi mật

Những trường hợp cần chỉ định cắt bỏ túi mật bao gồm:

  • Tắc nghẽn mạn tính ống dẫn mật;

  • Bệnh túi mật diễn biến phức tạp: hội chứng Mirizzi, viêm tụy do sỏi mật, viêm túi mật, lỗ rò túi mật tá tràng, ung thư túi mật;

  • Người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh hồng cầu hình liềm, đang chờ phẫu thuật cấy ghép nội tạng;

  • Vôi hóa túi mật;

  • Túi mật không hoạt động;

  • Túi mật có polyp lớn hơn 10mm hoặc kích thước polyp tăng nhanh;

  • Sỏi mật có đường kính lớn hơn 3cm, đặc biệt là ở khu vực có nhiều người mắc ung thư túi mật;

  • Bệnh nhân đái tháo đường: có thể không chỉ định cắt túi mật, tuy nhiên cần cân nhắc phẫu thuật vì nếu túi mật bị viêm thì sẽ rất nguy hiểm;

  • Đối với trường hợp sỏi mật không gây triệu chứng thì thường hạn chế chỉ định phẫu thuật vì chỉ có khoảng từ 2 - 3% những bệnh nhân này tiến triển thành sỏi mật có triệu chứng mỗi năm.

3. Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?

Cũng tương tự như các cuộc phẫu thuật khác, không ít người bệnh cảm thấy lo lắng liệu cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không.

Khi túi mật không còn nữa, mật sẽ được đổ trực tiếp từ gan vào ruột non khiến ruột bị kích thích và có khoảng 50% trường hợp bệnh nhân bị đi ngoài phân lỏng. Dấu hiệu này thường sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng và bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn ít chất béo để cải thiện tình trạng này. Sau thời gian trên người bệnh sẽ trở lại bình thường.

Ngoài ra, có khoảng 10 - 15% trường hợp sau khi cắt túi mật gặp phải các triệu chứng như khó tiêu, đau bụng, vàng mắt, vàng da, sốt cao, tiêu chảy,... biểu hiện thoáng qua và thường sẽ biến mất sau một vài tuần. Tuy nhiên cũng có khi lại dai dẳng trong thời gian dài (vài tháng hoặc nhiều năm).

Không ít bệnh nhân lo lắng cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không

Không ít bệnh nhân lo lắng cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không

Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện nào dưới đây sau khi cắt túi mật được một vài tuần, hãy đi tái khám:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;

  • Sốt hay rét run;

  • Chướng bụng;

  • Có dấu hiệu sưng, tấy đỏ xung quanh vết mổ;

  • Vàng mắt, vàng da;

  • Co rút hoặc bị đau bụng nghiêm trọng.

Tuổi thọ của bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Không ít trường hợp sau khi mổ sức khỏe còn được cải thiện do áp dụng nếp sinh hoạt, ăn uống lành mạnh hơn. Việc tiêu thụ ít những thức ăn nhiều dầu và chất béo, các thực phẩm chế biến sẵn sẽ có tác dụng giúp giảm cân, hạn chế nguy cơ phát triển các bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim và cao huyết áp. Khi mỗi ngày chúng ta nạp vào cơ thể ít calo hơn thì sẽ dễ dàng tiêu hóa thức ăn, năng lượng nhờ đó cũng được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

4. Phòng ngừa bệnh sỏi mật 

Phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa nguy cơ mắc sỏi túi mật đó là xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh như:

Giảm mỡ:

Không chỉ riêng gì bệnh sỏi mật mà đối với cả các bệnh lý khác hoặc thậm chí là khi cơ thể bạn đang hoàn toàn khỏe mạnh thì cũng nên hạn chế việc tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ. Nguyên nhân là vì khi chúng ta ăn nhiều mỡ, lượng mật chảy xuống ruột không đều và kích thích sự co bóp quá mức của túi mật, một phần mật sẽ cùng cholesterol tham gia vào quá trình tạo sỏi ở túi mật. Khi hàm lượng cholesterol nhiều tới mức dư thừa, axit mật không đủ khả năng để hòa tan thì nó sẽ dần kết tụ lại thành sỏi mật. Phần lớn các sỏi mật đều là do hiện tượng này tạo thành.

Tăng đạm:

Điều này giúp thúc đẩy sự tái tạo của các tế bào gan đang bị tổn thương, có tác dụng chống lại tình trạng thoái hóa mỡ tế bào gan.

Bổ sung nhiều vitamin C và B và chất xơ:

Các thực phẩm giàu vitamin C, B và chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa và chúng được tìm thấy nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi. 

Một chế  độ ăn lành mạnh sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị sỏi túi mật

Một chế  độ ăn lành mạnh sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị sỏi túi mật

Nên ăn các loại thực phẩm như:

Các loại nước ép hoa quả, bánh kẹo giảm thành phần bơ trứng, rau tươi; ăn các loại thịt, cá nạc như cá chép, cá quả, thịt bò, nạc thăn lợn; các loại đậu đỗ như đậu đen, đậu tương, đậu xanh. Dùng thêm một số sản phẩm lợi mật như lá chanh và nghệ.

Tránh các thực phẩm như:

Không nên ăn quá nhiều cacao, trà, cà phê, socola; dầu dừa, dầu cọ, nội tạng động vật hay thịt cá nhiều mỡ; hạn chế ăn nhiều lòng đỏ trứng.

Tăng cường vận động thể dục thể thao:

Vận động hợp lý và hiệu quả sẽ góp phần tăng hoạt động cơ, kích thích nhu động mật và giảm thiểu tình trạng ứ trệ dịch mật. Nhờ vậy hệ tiêu hóa cũng hoạt động năng suất hơn, hạn chế nguy cơ hình thành sỏi mật. Một số bộ môn thể thao như chạy chậm, đi bộ, tập yoga, tập dưỡng sinh rất có lợi đối với mọi độ tuổi. Nếu có điều kiện, bạn nên vận động khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng và chiều.

Bên cạnh đó cần đảm bảo số lượng bữa ăn trong ngày, không nhịn ăn sáng để mật được điều tiết liên tục không thể lắng đọng hình thành sỏi.

Để phát hiện sớm bệnh sỏi túi mật, tốt nhất bạn nên chủ động đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, kết hợp với lối sống khoa học sẽ giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900 56 56 56 ngay hôm nay để được tư vấn!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.