Tin tức
Chuyên gia giải đáp: Tràn dịch màng phổi có lây không?
- 06/08/2020 | Chuyên gia giải đáp: Tràn dịch màng phổi có chữa được không?
- 06/08/2020 | Viêm màng phổi - những kiến thức cơ bản cần nắm rõ
- 06/08/2020 | Thông tin y khoa cơ bản về bệnh lao màng phổi
1. Tìm hiểu tổng quát về chứng bệnh tràn dịch màng phổi
Trước khi trả lời được câu hỏi tràn dịch màng phổi có lây không, chúng ta cần hiểu rõ về chứng bệnh này.
Bạn biết gì về chứng bệnh tràn dịch màng phổi?
Phổi là cơ quan hô hấp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể của con người. Phổi được bao bọc bởi hai lớp màng phổi: màng phổi lá thành là lớp sát với phổi, màng phổi lá tạng là lớp lót vào khoang ngực. Khoang màng phổi là một khoang ảo nằm giữa hai lớp màng này.
Thông thường, trong khoang phổi có chứa từ 10 - 15m chất dịch sinh lý có vai trò bôi trơn giúp phổi có thể di chuyển và thực hiện hoạt động hô hấp một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi lượng dịch này tăng lên quá mức sinh lý cho phép của con người tức là hiện tượng tràn dịch màng phổi đã xảy ra.
Như vậy, tràn dịch màng phổi còn được hiểu là tình trạng tích tụ dịch trong khoang phổi (có thể là tích tụ máu hoặc khí). Tình trạng tích tụ quá mức đó khiến chức năng hô hấp của phổi bị cản trở, lượng oxy không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau tức ngực và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Khoang màng phổi của người bình thường
Các tác nhân làm tăng nguy cơ dẫn đến tràn dịch màng phổi là gì?
-
Tràn dịch màng phổi do nhiễm trùng: nhiễm trùng phổi sau khi bị viêm phổi, áp-xe phổi vỡ vào khoang màng phổi,... hoặc từ các cơ quan lân cận như gan, màng tim, trung thất,… Nhiễm trùng này có thể do các vi khuẩn gây tràn mủ màng phổi, lao (lao màng phổi) hoặc ký sinh trùng gây nên. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của chứng tràn dịch màng phổi ở trẻ em.
-
Tràn dịch màng phổi còn có thể do các bệnh ung thư như: ung thư phế quản, ung thư phổi, màng phổi tiên phát hoặc di căn,...
-
Do nồng độ protein trong máu thấp: nồng độ protein trong máu thấp không thể ngăn cản được các chất lỏng trong phổi thấm ra khỏi các thành mạch máu. Điều này làm cho lượng dịch ở trong phổi tăng lên bất thường. Trong đó, bệnh thận và xơ gan là hai nguyên nhân chủ yếu khiến nồng độ protein trong máu bị suy giảm và dẫn đến hiện tượng tràn dịch màng phổi.
-
Một số nguyên nhân khác như: chấn thương lồng ngực, gãy xương sườn, sai sót trong các thủ thuật như chọc dò, nội soi phế quản, dẫn lưu màng phổi,… khiến phổi bị thương, bị thủng khiến một số cơ quan lân cận bị áp xe và vỡ, gây nên tràn dịch màng phổi.
-
Do biến chứng của các bệnh lý của phổi và đường hô hấp dưới như: lao phổi, viêm phổi, ung thư phổi, hen suyễn nặng,… nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tràn dịch màng phổi. Khi mắc phải những chứng bệnh này, chức năng hô hấp của phổi bị yếu kém đi rất nhiều và kèm theo tình trạng tiết nhiều dịch ra khoang ngực. Vì thế, những người mắc bệnh này cần được theo dõi sát sao và điều trị tích cực để tránh hiện tượng trên xảy ra.
Hình ảnh miêu tả chứng tràn dịch màng phổi
Những triệu chứng chủ yếu của chứng bệnh này là gì?
-
Ho: có thể là ho khan hoặc ho có đờm, tần suất ho tăng lên khi bạn vận động mạnh hoặc trở mình. Những người bị mắc bệnh lao sẽ ho nhiều hơn, những người mắc áp xe gan hoặc áp xe cơ hoành,… có tần suất ho thưa hơn.
-
Người bệnh cảm thấy đau tức ngực, đặc biệt là khi ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu, cơn đau sẽ rõ rệt khi nằm nghiêng về phía đối diện, đau âm ỉ ở bên tràn dịch,…
-
Sốt: khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, bị viêm hay nhiễm trùng phổi và các cơ quan xung quanh sẽ dẫn đến bị sốt cao (39 - 40 độ C).
-
Kèm theo những triệu chứng trên, người bệnh còn luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thiếu sức sống, sút cân.
Mỗi người cần theo dõi những bất thường của cơ thể để sớm phát hiện bệnh
2. Mức độ nguy hiểm của tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là căn bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hô hấp: chức năng hô hấp của phổi bị cản trở, thiếu lượng oxy đi nuôi dưỡng cơ thể, làm người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, tức ngực.
Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cũng như mức độ tràn dịch. Ví dụ như: những người bị tràn dịch màng phổi do ung thư phổi thường khó có thể điều trị vì bệnh hoàn toàn có thể tái phát trở lại sau khi đã hút dịch ở khoang phổi. Những người để tình trạng tràn dịch xảy ra quá lâu khiến phổi bị nhiễm trùng cũng điều trị vô cùng khó khăn. Những người mắc tràn dịch màng phổi cấp tính hoặc ác tính có nguy cơ bị chèn ép gây thiếu oxy nuôi dưỡng cơ thể nên cần được điều trị kịp thời để tránh tử vong.
Bệnh còn có nguy cơ đem lại các di chứng nguy hiểm nếu không điều trị bệnh dứt điểm như: viêm dày - dính màng phổi, viêm mủ màng phổi, vôi hóa màng phổi,… thậm chí là có thể tử vong.
Bệnh này có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm
3. Vậy tràn dịch màng phổi có lây không?
Tràn dịch màng phổi có lây không là thắc mắc cũng như lo lắng của rất nhiều người. Để trả lời cho câu hỏi này còn căn cứ vào tác nhân gây nên bệnh. Ví dụ như:
Tràn dịch màng phổi xuất phát từ ung thư phổi:
Thông thường, những người bị ung thư phổi ở giai đoạn 3 và 4 mới xảy ra hiện tượng tràn dịch màng phổi. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi và bệnh không có khả năng lây lan.
Tràn dịch màng phổi xuất phát từ lao phổi:
Lao phổi là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng khi nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung bát đĩa,… Vì thế, những người bị tràn dịch màng phổi do lao phổi có khả năng lây nhiễm rất cao. Người bệnh cần tự cách ly điều trị bệnh triệt để để tránh lây lan sang người thân, bạn bè.
Tràn dịch màng phổi có lây không phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh
Bài viết trên đã giải đáp được câu hỏi tràn dịch màng phổi có lây không. Hy vọng bài viết có thể đem lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích về chứng bệnh này. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chúng tôi qua hotline: 1900565656 để được hỗ trợ kịp thời.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!