Tin tức

Chuyên gia trả lời ăn gì để hạn chế chảy máu cam ở trẻ nhỏ

Ngày 30/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chảy máu cam ở trẻ nhỏ là tình trạng khá thường gặp và thường không nguy hiểm, song gây không ít lo lắng cho bố mẹ cũng như ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của trẻ. Có thể xử lý nhanh chóng để cầm máu cho trẻ bị chảy máu cam, song chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc mới giúp phòng ngừa tái phát lâu dài.

1. Tìm hiểu về tình trạng chảy máu cam ở trẻ nhỏ

Chảy máu cam xảy ra khi các mạch máu nhỏ nằm sát phía trước và phía sau mũi vì nguyên nhân nào đó mà vỡ ra. Trẻ em là đối tượng thường bị chảy máu cam nhất, ngoài ra người trưởng thành cũng có thể bị và đa phần trường hợp không phải là vấn đề nghiêm trọng.

chảy máu cam ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị chảy máu cam

Những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị chảy máu cam không thường xuyên bao gồm:

Không khí khô

Thời tiết lạnh, khô hanh hoặc do sử dụng điều hòa không khí trong thời gian dài có thể làm khô màng mũi, khiến các mạch máu trong mũi trở nên nhạy cảm hơn. Với tác động lực nhẹ vào mũi hoặc đơn giản là hoạt động vệ sinh, rửa mũi cũng có thể làm tổn thương vỡ mạch máu và dẫn đến chảy máu.

Vấn đề sức khỏe

Cảm lạnh, vấn đề bệnh lý liên quan đến xoang hoặc sử dụng thuốc thông mũi, thuốc kháng histamin cũng có thể gây khô màng mũi và chảy máu mũi.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu hụt Vitamin C, Vitamin K hoặc các khoáng chất tham gia tổng hợp máu như sắt, Kali cũng là nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, cần bổ sung bù lượng thiếu hụt này càng sớm càng tốt.

Trẻ đùa nghịch có thể gây tổn thương mũi và chảy máu cam

Trẻ đùa nghịch có thể gây tổn thương mũi và chảy máu cam

Tổn thương

Chấn thương mũi do trẻ đùa chơi quá mức hoặc bệnh lý hô hấp, dị ứng khiến trẻ hắt hơi nhiều lần, xì mũi quá mạnh cũng có thể tác động làm vỡ mạch máu. Cần đánh giá mức độ tổn thương để can thiệp y tế vì đôi khi, chảy máu mũi không chỉ là vấn đề sức khỏe do tổn thương duy nhất.

Nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân, vấn đề có thể nghiêm trọng hơn và cần tìm ra tác nhân chính xác. Những trường hợp này nên sớm đi trẻ đi thăm khám và kiểm tra. 

Theo các bác sĩ, các nguyên nhân có thể dễ đến tình trạng chảy máu cam ở trẻ như:

  • Vách ngăn mũi bị vẹo.

  • Dùng ống thở oxy qua mũi.

  • Do dùng thuốc.

  • Bị chấn thương vùng mũi.

  • Bệnh chảy máu hay rối loạn đông máu.

  • Có các khối u nhưng hiếm gặp.

2. Ăn gì để phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ nhỏ?

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với sức khỏe của trẻ, trong đó có một số loại thực phẩm tốt cho trẻ thường bị chảy máu cam.

2.1. Thực phẩm giàu Vitamin C

Thiếu hụt Vitamin C không những khiến hệ miễn dịch của trẻ kém khỏe mạnh mà còn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chảy máu cam. Do đó, nhóm thực phẩm giàu Vitamin C đứng đầu trong danh sách thực phẩm mà trẻ bị chảy máu cam nên ăn nhiều. 

Bổ sung Vitamin C giúp cải thiện tình trạng chảy máu cam ở trẻ

Bổ sung Vitamin C giúp cải thiện tình trạng chảy máu cam ở trẻ

Bổ sung Vitamin đầy đủ trong thời gian dài giúp tăng cường sức bền mạch máu, hạn chế tổn thương gây chảy máu cam hay những tình trạng chảy máu do tổn thương khác.

Cơ thể trẻ nên được bổ sung Vitamin C hàng ngày với lượng khoảng 75 - 90 mg. Nguồn bổ sung từ thực phẩm tự nhiên cũng đáp ứng được nhu cầu này, đặc biệt là những trái cây giàu Vitamin C như: quýt, cam, ớt chuông, ổi, việt quất, dâu tây, bưởi,…

2.2. Thực phẩm giàu Vitamin K

Nếu như Vitamin C có vai trò củng cố mạch máu thì Vitamin K là thành phần cấu tạo, có tác dụng ổn định quá trình đông máu. Trẻ bị rối loạn đông máu thường xuyên chảy máu cam và có nguy cơ cao mắc các bệnh gan mật, chứng ợ nóng, bệnh celiac,…

Những thực phẩm giàu hàm lượng Vitamin K nên bổ sung bao gồm: cải xoăn, măng tây, súp lơ, húng quế, cải bó xôi, bắp cải,…

2.3. Thực phẩm bổ sung sắt

Trẻ bị thiếu sắt không những dễ bị chảy máu cam mà còn dễ bị thiếu máu, gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ không thể thiếu thực phẩm bổ sung khoáng chất này như:

  • Các loại thịt đỏ: thịt dê, thịt bò,..

  • Các loại hải sản: ngao, tôm, sò huyết, cua,…

  • Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

2.4. Thực phẩm bổ sung Kali

Với cơ thể con người, nhu cầu về Kali không quá cao song vẫn có thể xảy ra thiếu hụt do chế độ dinh dưỡng không phù hợp. Chất vi lượng này tham gia vào quá trình điều chỉnh lưu thông khí huyết, vì thế khi tình trạng này gặp phải ở trẻ nhỏ, nguy cơ thiếu nước, giảm độ ẩm các mao mạch dẫn đến vỡ mạch máu nhỏ trong mũi cao. 

Bổ sung Kali qua các thực phẩm tự nhiên

Bổ sung Kali qua các thực phẩm tự nhiên

Dưới đây là những thực phẩm giàu Kali mà cha mẹ nên cho trẻ ăn khi bị thiếu hụt Kali hoặc nghi ngờ đây là nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên chảy máu cam: cá, nghêu, các loại rau xanh, sữa chua, chuối, bơ, cà chua, cà rốt,…

3. Thực phẩm nên tránh khi bị chảy máu cam

Chảy máu cam thường xuyên cho thấy có thể trẻ đang gặp phải vấn đề sức khỏe hoặc suy giảm miễn dịch, trong thời gian này nên hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm sau:

3.1. Thức ăn cay nóng

Không nên cho trẻ ăn cay từ sớm, hạn chế sử dụng gia vị nấu ăn như hạt tiêu, ớt, mù tạt,… Những thực phẩm này dễ gây nóng trong người, dễ phá hỏng cấu trúc niêm mạc mạch máu dẫn đến chảy máu cam.

Ngoài ra, nếu trẻ bị nóng trong thì cũng nên hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm dễ gây nóng như: đồ nếp, mít, vải, nhãn, xoài,…

3.2. Các thức uống kích thích

Rượu bia và thức uống có cồn tuyệt đối không cho trẻ sử dụng, ngoài ra cũng nên hạn chế cho trẻ uống nước ngọt, cà phê,…

3.3. Thực phẩm chiên xào

Thực phẩm chiên xào, nhất là các món ăn nhanh như gà rán, xúc xích rán, hamburger,… được rất nhiều trẻ nhỏ yêu thích. Mặc dù tiện lợi song chúng không hề tốt cho sức khỏe, nếu ăn thường xuyên còn khiến trẻ thiếu hụt nhiều dinh dưỡng quan trọng.

Trẻ em không nên ăn nhiều thức ăn nhanh và đồ chiên xào

Trẻ em không nên ăn nhiều thức ăn nhanh và đồ chiên xào

Với trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, nên hạn chế cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ và những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.

Nếu áp dụng các chế độ dinh dưỡng chăm sóc trên, kết hợp với cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, giảm áp lực học tập nhưng tình trạng chảy máu cam vẫn tiếp tục xảy ra thì nên sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế. Có thể, chảy máu cam ở trẻ nhỏ lúc này là triệu chứng bệnh lý cần can thiệp y tế. Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.