Tin tức
Có nên áp dụng các mẹo dân gian trị sa tử cung không?
- 01/08/2023 | Những điều nên biết về phương pháp đốt u xơ tử cung bằng sóng cao tần
- 01/11/2023 | Sau mổ polyp tử cung bao lâu mới có thai được?
- 10/08/2024 | Xét nghiệm HPV tự lấy mẫu - giải pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung chủ động và riêng tư tại n...
- 16/08/2024 | Người phụ nữ 46 tuổi phát hiện mắc ung thư cổ tử cung từ dấu hiệu tưởng chừng bệnh phụ khoa...
- 22/08/2024 | Xét nghiệm PAP - Phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả hiện nay
1. Tìm hiểu về sa tử cung
1.1. Khái quát bệnh lý
Sa tử cung là hiện tượng hệ thống các cơ cùng dây chằng có nhiệm vụ nâng đỡ tử cung tại vùng sàn chậu bị kéo giãn, yếu dần. Hậu quả của tình trạng này là vị trí tử cung bị biến đổi, dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu, thậm chí tụt sâu xuống dưới thành âm đạo hoặc lòi ra cửa âm đạo.
Sa tử cung là tình trạng có thể gặp ở phụ nữ sau sinh và lớn tuổi
Tình trạng sa tử cung chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ sau sinh và phụ nữ nhiều tuổi.
1.2. Cấp độ bệnh lý
Dựa theo mức độ nghiêm trọng, tình trạng sa tử cung thường được phân chia theo 3 cấp độ. Cụ thể:
- Cấp độ 1: Phần tử cung bắt đầu bị kéo dãn, sa xuống thấp hơn nhưng vẫn ở trong ống âm đạo. Người bệnh khi đó thường chỉ thấy hơi tức, nặng tại bộ phận sinh dục, kèm theo đó là triệu chứng tiểu rắt (nhất lúc ho, di chuyển mạnh hoặc cười to).
- Cấp độ 2: Phần tử cung đã bị sa xuống sâu hơn, gần khe hở âm đạo. Lúc này, người bệnh có thể sờ thấy phần thịt nhô ra. Kèm theo đó là triệu chứng tiểu són, viêm tấy, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn xâm nhập.
- Cấp độ 3: Tử cung bị sa toàn bộ ra phía ngoài âm đạo. Khi đó, chị em sẽ sờ thấy khối thịt cỡ lớn bằng nắm tay, nhô ra bên ngoài và không thể co lại. Vi khuẩn khi đó dễ xâm nhập gây viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh.
2. Triệu chứng thường gặp ở người bị sa tử cung
Nếu tình trạng sa tử cung chưa diễn biến nghiêm trọng, triệu chứng sẽ không biểu hiện rõ ràng. Chỉ đến khi tử cung bị sa giãn nhiều khỏi vị trí ban đầu thì triệu chứng tại âm đạo, đường tiết niệu,... mới thực sự rõ ràng, cụ thể như:
- Cảm thấy tức nặng tại vùng âm hộ.
- Sờ, quan sát thấy khối nhô ra khỏi âm đạo.
- Dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường.
- Xuất hiện cảm giác đau tại vùng chậu, đau lưng hoặc đau bụng dưới.
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường, kèm theo đó là triệu chứng tiểu són hoặc tiểu gấp.
- Đầy hơi.
- Đi ngoài ra phân lỏng hoặc phân rắn hơn bình thường.
- Táo bón, đi đại tiện khó khăn.
- Đau khi quan hệ.
- Mất dần cảm giác ham muốn.
Người bị sa tử cung thường xuất hiện cảm giác đau tại bụng dưới
Một số triệu chứng có xu hướng diễn biến nghiêm trọng khi người bệnh đứng lâu, vận động mạnh hoặc di chuyển trong thời gian dài.
3. Có nên áp dụng mẹo dân gian trị sa tử cung?
Từ lâu trong dân gian vẫn lưu truyền một số mẹo chữa sa tử cung bằng các loại thảo dược, nguyên liệu sẵn có như lá thầu dầu tía, lá thài lài, củ gai, xơ mướp, cây thiên lý,... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của những bài thuốc này với người bị sa tử cung.
Chị em không nên tự ý áp dụng mẹo dân gian trị sa tử cung
Tình trạng sa tử cung cần được điều trị sớm, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, thay vì tự áp dụng mẹo chữa bệnh không khoa học tại nhà, chị em tốt nhất nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn điều trị kịp thời.
4. Chẩn đoán và điều trị sa tử cung theo y học hiện đại
4.1. Chẩn đoán
Bệnh nhân có nguy cơ bị sa tử cung sẽ được bác sĩ khám vùng chậu. Quá trình kiểm tra này nhằm xác định vị trí của tử cung, tình trạng sa tử cung đã nghiêm trọng hay chưa. Trong khi tiến hành thăm khám, bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt chuyên dụng để mở âm đạo, quan sát phần tử cung bên trong, phát hiện những khối phồng bất thường (nếu có).
Bác sĩ tiến hành kiểm tra vùng chậu
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thử rặn xuống khi đang trong tư thế nằm ngửa hoặc tư thế đứng. Mục đích chính của yêu cầu này là xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa tử cung. Đôi khi, bệnh nhân cũng được yêu cầu siết chặt vùng cơ sàn chậu, giúp bác sĩ kiểm tra khả năng hoạt động của cơ tại sàn chậu.
4.2. Điều trị
4.2.1. Điều trị không can thiệp phẫu thuật
Nếu chưa cần can thiệp phẫu thuật, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định một vài phương pháp điều trị như:
- Thực hiện bài tập cơ sàn chậu: Các bài tập cơ sàn chậu như Kegel giúp cải thiện chức năng hoạt động của cơ sàn chậu, thích hợp áp dụng cho bệnh nhân mới bị sa tử cung ở mức độ nhẹ.
- Tập vật lý trị liệu chuyên sâu với máy tập: Dựa theo phác đồ điều trị sa tử cung đang được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến. Phương pháp điều trị này giúp phục hồi khả năng sinh học thông qua cơ chế kích điện cơ. Người bị sa tử cung liên quan đến bệnh lý tiểu đường, sinh dục, hậu môn thường được chỉ định tập vật lý trị liệu với máy tập chuyên dụng.
- Đặt vòng nâng tử cung đặt trong âm đạo: Giúp nâng đỡ, đưa tử cung trở về vị trí ban đầu. Phương pháp điều trị này chủ yếu được chỉ định cho người bệnh bị sa tử cung ở mức độ trung bình.
- Điều trị bằng liệu pháp Estrogen: Tác dụng chính của liệu pháp này là làm chậm tốc độ suy yếu cơ tại vùng chậu, cùng hệ thống mô liên kết tử cung. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể gặp phải một vài tác dụng phụ như xuất hiện tình trạng đông máu, tăng nguy cơ mắc ung thư vú và bệnh lý liên quan đến túi mật. Trường hợp phải thay thế nội tiết tố, người bệnh cần tái khám sau 3 đến 6 tháng.
4.2.2. Phẫu thuật
Với biện pháp phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định cắt tử cung. Với mục đích nhằm phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước, thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn.
Thực tế, chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh tác dụng của một số mẹo dân gian trị sa tử cung. Đây vẫn chủ yếu là các phương pháp truyền miệng, không có căn cứ khoa học và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Do vậy, chị em tốt nhất không nên áp dụng. Trường hợp nhận thấy dấu hiệu sa tử cung, chị em hãy tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa, có kinh nghiệm hoạt động lâu năm như chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để thăm khám, điều trị. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi đến số 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!