Tin tức
Cung lượng tim: Chỉ số quan trọng đánh giá chức năng tim mạch
- 03/03/2025 | Dấu hiệu hở van tim là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
- 04/03/2025 | Tìm hiểu về rối loạn nhịp tim: dấu hiệu, sự nguy hiểm và điều trị
- 11/03/2025 | Chuyên gia tư vấn: Cách đọc kết quả siêu âm Doppler tim
- 14/03/2025 | Suy tim độ 3: Mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị
- 21/03/2025 | 5 bài tập thở tốt cho tim nên áp dụng hàng ngày
- 25/03/2025 | Cách đo nhịp tim bằng Iphone để theo dõi sức khỏe
- 03/04/2025 | Điện tâm đồ là gì? Có phản ánh chính xác bệnh lý tim mạch không?
Cung lượng tim là gì?
Cung lượng tim (CO) hay còn được gọi là lưu lượng tim, là thể tích máu mà tim bơm mỗi phút để cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho toàn bộ cơ thể. Chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm sự sống và duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Lưu lượng tim được tính theo công thức:
- CO = SV x HR
Trong đó:
- CO (Cardiac Output): Cung lượng tim, đơn vị lít/phút
- SV (Stroke Volume): Thể tích nhát bóp - lượng máu tim bơm ra trong mỗi nhịp, đơn vị mL/lần
- HR (Heart Rate): Nhịp tim - số lần tim đập trong một phút.
Dựa vào cách tính trên sẽ giúp chúng ta đánh giá được khả năng cấp máu của tim. Từ đó có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe tim mạch ổn định. Lưu lượng tim bình thường của một người trưởng thành khỏe mạnh dao động trong khoảng 4 - 8 lít/phút, tuỳ thuộc vào các yếu tố về tuổi, tình trạng thể chất và bệnh lý tim mạch.
Tim co bóp đẩy máu đến các cơ quan trong cơ thể
Phương pháp đo cung lượng tim
Có 2 phương pháp đo lưu lượng tim, bao gồm phương pháp xâm lấn và phương pháp không xâm lấn. Dưới đây là thông tin chi tiết:
Phương pháp xâm lấn
Phương pháp xâm lấn được thực hiện bằng cách đưa trực tiếp dụng cụ đo vào trong cơ thể để đo lưu lượng tim, thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhân nặng hoặc cần theo dõi chặt chẽ hoạt động tim mạch. Các phương pháp xâm lấn phổ biến hiện nay gồm:
- Phương pháp Fick: Fick truyền thống là phương pháp xâm lấn, thực hiện dựa trên dựa trên nguyên lý trao đổi khí ở phổi để đo lưu lượng tim bằng cách đo nồng độ oxy trong máu động mạch và tĩnh mạch. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, Fick được cải tiến, đo lưu lượng tim mà không cần xâm lấn (dựa trên việc phân tích CO2 thở ra mà không cần lấy mẫu máu).
- Phương pháp nhiệt pha loãng: Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm dung dịch lạnh vào động mạch phổi và theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của dòng máu để tính lưu lượng tim.
Phương pháp không xâm lấn
Phân tích sóng xung động và siêu âm Doppler là 2 phương pháp đo cung lượng tim không xâm lấn phổ biến hiện nay. Với mỗi loại sẽ có đặc điểm riêng, cụ thể:
- Phân tích sóng xung động: Dựa trên sự thay đổi của huyết áp và sóng mạch để ước tính lưu lượng tim.
- Siêu âm Doppler: Thông qua việc sử dụng sóng âm giúp đo tốc độ dòng máu qua van tìm, nhờ đó dễ dàng tính toán được lưu lượng tim.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lưu lượng tim
Lưu lượng tim thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nhịp tim, thể tích nhát bóp, huyết áp, tình trạng cơ thể và bệnh lý tim mạch. Cụ thể như sau:
- Nhịp tim (HR): Tim đập nhanh, đồng nghĩa máu sẽ được bơm nhiều hơn. Nhưng nếu tần số tim quá nhanh, thời gian đổ đầy thất trái sẽ giảm, làm giảm thể tích nhát bóp và ảnh hưởng đến lưu lượng tim.
- Thể tích nhát bóp (SV): Thể tích máu bơm ra mỗi phút sẽ phụ thuộc vào sức co bóp của tim, lượng máu trở về tim và tình trạng van tim.
- Huyết áp: Huyết áp không ổn định, quá cao hay quá thấp cũng sẽ làm ảnh hưởng đến lưu lượng tim.
- Tình trạng cơ thể: Căng thẳng kéo dài, thiếu máu hoặc vận động, làm việc quá sức cũng ảnh hưởng đến lưu lượng tim.
- Bệnh lý tim mạch: Suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim có thể làm giảm lưu lượng tim và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Huyết áp không ổn định sẽ làm giảm hoặc tăng cung lượng tim
Cách duy trì lưu lượng tim khỏe mạnh
Để có một trái tim khỏe mạnh và duy trì lưu lượng tim ổn định, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục, kiểm soát huyết áp và nhịp tim,... Dưới đây là thông tin chi tiết:
- Kiểm soát huyết áp và nhịp tim: Huyết áp và nhịp tim ổn định là tiền đề cho một trái tim khỏe mạnh. Bằng việc hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học và thường xuyên kiểm tra huyết áp sẽ giúp ổn định lưu lượng tim, nhờ đó bạn sẽ có sức khoẻ tốt.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Một chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất dinh dưỡng (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), hạn chế muối, chất béo bão hoà và thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt.
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Bên cạnh việc kiểm soát huyết áp, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, rèn luyện thể dục cũng là cách hiệu quả giúp duy trì lưu lượng tim khỏe mạnh. Bạn có thể bắt đầu với những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe,...
- Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe bất thường và có kế hoạch điều trị phù hợp, đạt kết quả cao.
Tập luyện thể dục thường xuyên giúp duy trì cung lượng tim ổn định
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về khái niệm, phương pháp đo, các yếu tố ảnh hưởng và cách duy trì cung lượng tim ổn định. Đây là chỉ số quan trọng giúp đánh giá chức năng cấp máu của tim đến các cơ quan và có mối liên quan mật thiết tới các bệnh lý tim mạch khác. Cung lượng tim ổn định, đồng nghĩa chúng ta có một trái tim khỏe mạnh và sức khỏe tốt. Hãy duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, rèn luyện thể dục hợp lý, kiểm soát huyết áp và khám sức khỏe định kỳ để bảo đảm sức khỏe luôn tốt, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Nếu bạn muốn đặt lịch thăm khám chuyên khoa tim mạch hoặc có bất kỳ câu hỏi liên quan nào, liên hệ trực tiếp Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
