Tin tức

Đại tiện ra máu đỏ tươi dấu hiệu cảnh báo của những bệnh gì?

Ngày 29/06/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Đại tiện ra máu đỏ tươi là hiện tượng có máu xuất hiện khi đi ngoài. Máu tươi có thể lẫn trong phân, chảy máu nhỏ giọt hay dính trên giấy vệ sinh. Thực tế, đây là dấu hiệu của một số bệnh lý liên quan trực tiếp đến đường tiêu hóa, người bệnh cần đi thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân và hướng điều trị khi đại tiện ra máu đỏ tươi

Đa số các bệnh liên quan đến trực tràng và hậu môn đều có dấu hiệu là đại tiện ra máu đỏ tươi. Người bệnh có thể nhận biết bệnh lý tùy thuộc vào triệu chứng và lượng máu chảy ra, cụ thể như sau:

1.1. Táo bón

Táo bón là nguyên nhân thường gặp khiến người bệnh đi cầu ra máu tươi. Táo bón khiến người bệnh thường có xu hướng rặn mạnh. Quá trình này gây áp lực lên thành hậu môn, tạo ma sát khiến thành hậu môn bị xước, rách dẫn đến chảy máu tươi.

Táo bón không gây nguy hiểm nhưng táo bón kéo dài còn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác

Táo bón không gây nguy hiểm nhưng táo bón kéo dài còn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác

Tùy theo tình trạng rách, xước của ống hậu môn mà lượng máu chảy ra sẽ nhiều hay ít. Táo bón không gây nguy hiểm nhưng táo bón kéo dài còn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn hoặc các bệnh liên quan đến trực tràng, hậu môn. 

Bệnh nhân có thể khắc phục tình trạng táo bón bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc nhuận tràng hay thuốc xổ, nghiêm trọng hơn phải nhập viện thụt tháo làm sạch đường ruột.

1.2. Do các vết nứt kẽ hậu môn

Khi bị nứt kẽ hậu môn người bệnh thường thấy đau rát ở hậu môn khi đi ngoài, đồng thời, phân có thể kèm máu tươi hay máu chảy thành giọt và táo bón là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này. Những biến chứng gặp phải khi bị nứt kẽ hậu môn nhưng không điều trị là lở loét hay nhiễm khuẩn hậu môn.

Những vết nứt mức độ nhẹ thường lành lại trong vài tuần nhưng cần kết hợp điều chỉnh sinh hoạt để giảm hiện tượng táo bón. Tuy nhiên, nếu những vết nứt này không tự khỏi sau 6 đến 8 tuần, thì bắt buộc phải can thiệp y tế.

1.3. Bệnh trĩ gây đại tiện ra máu đỏ tươi

Khi bị trĩ thì đi ngoài ra máu là triệu chứng thường gặp nhất. Bệnh nhân sẽ gặp tình trạng khuôn phân có máu, giấy vệ sinh dính máu, thành bồn cầu dính máu li ti. Thậm chí, nặng hơn là có nhiều máu tươi trước hay sau khi đi vệ sinh. Trĩ nội hay trĩ ngoại đều có thể khiến cho người bệnh đi cầu ra máu. 

Bệnh trĩ (nội và ngoại) gây đại tiện ra máu đỏ tươi

Bệnh trĩ (nội và ngoại) gây đại tiện ra máu đỏ tươi

Bệnh trĩ có 4 cấp độ, nếu trường hợp bệnh nhân ở cấp độ nhẹ thì có thể dùng thuốc. Những loại thuốc bôi, hay nhét tại chỗ, thuốc hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch giúp cải thiện trĩ. Tuy nhiên, nếu tình trạng trĩ ở cấp độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Việc điều trị bệnh trĩ là rất quan trọng vì bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nặng như nhiễm khuẩn, sa tắc mạch trĩ, sa nghẹt búi trĩ,... hay tệ hơn là ung thư đại trực tràng.

1.4. Khối Polyp trực tràng, đại tràng

Khối trực tràng là những khối u bất thường nhưng lành tính, tạo thành do sự phát triển quá mức của niêm mạc đại trực tràng. Đa số khối u Polyp đều lành tính, nhưng không tránh khỏi tình trạng một số Polyp bị ung thư hóa theo thời gian.

Máu chảy ra do Polyp phát triển ở lớp lót của đại trực tràng gây ra kích ứng, viêm. Polyp trực tràng có thể làm mất máu trong thời gian dài, tác động xấu đến sức khỏe. Do đó, bệnh nhân phải thăm khám ngay để làm phẫu thuật cắt bỏ trực tràng. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị Polyp đại trực tràng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng chữa bệnh phù hợp nhất cho mỗi trường hợp.

Phẫu thuật nội soi cắt Polyp trực tràng có thể điều trị bệnh

Phẫu thuật nội soi cắt Polyp trực tràng có thể điều trị bệnh

1.5. Đại trực tràng bị viêm loét

Đầu tiên, những vết viêm loét xuất hiện ở đại trực tràng có kích thước nhỏ nhưng dần dần lan rộng có thể gây ra triệu chứng đại tiện ra máu đỏ tươi. Ngoài ra, phân có thể kèm dịch nhầy và mủ, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và có thể bị sốt. Những biến chứng có thể xảy ra là phình giãn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, đại tràng thủng, nặng hơn là ung thư. 

Tùy vào trường hợp viêm loét đại trực tràng như thế nào, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị. Bên cạnh việc dùng thuốc kê đơn, người bệnh cũng cần điều chỉnh lại sinh hoạt. 

1.6. Viêm túi thừa

Túi thừa là những túi nhỏ phát triển tại thành đại tràng, nó xuất hiện dọc suốt đại tràng và thường thấy nhất tại phần dưới ruột già. Viêm túi thừa có thể dẫn đến đi ngoài ra máu (do vỡ mạch máu túi thừa) và tình trạng này có thể tự ngưng. 

Với người bị viêm túi thừa nhẹ thường sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, giảm đau. Khi bệnh nhân bị viêm túi thừa nặng và hay tái phát thì sẽ phải truyền nước, kháng sinh vào tĩnh mạch. Với trường viêm túi thừa có biến chứng bác sĩ sẽ phải chỉ định phẫu thuật.

1.7. Ung thư đại - trực tràng

Đi phân ra máu tươi có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của cơ thể về bệnh ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, phân có thể có dịch nhầy, tanh hôi, kèm theo các triệu chứng đau, chướng bụng dưới không rõ nguyên nhân. Cơ thể người bệnh sút cân bất thường, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu hay sốt. 

Ung thư đại trực tràng có thể đe dọa tính mạng

Ung thư đại trực tràng có thể đe dọa tính mạng

Ung thư đại trực tràng không được điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị tùy theo từng trường hợp.

1.8. Những bệnh lý khác

Ngoài những bệnh lý trên, đại tiện ra máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu của nhồi máu ruột non do tắc mạch mạc treo, mụn cóc hậu môn, nhiễm trùng lây qua đường tình dục,….

2. Làm thế nào để phòng tránh tình trạng đi cầu ra máu tươi?

Phòng tránh trình trạng đi cầu ra máu tươi bằng cách điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt và ăn uống, cụ thể như sau:

Xây dựng thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để tránh đại tiện ra máu tươi

Xây dựng thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để tránh đại tiện ra máu tươi

  • Cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể bằng cách ăn rau xanh, rau củ quả tươi.
  • Uống nhiều nước lọc, nước khoáng để loại bỏ độc tố tích tụ trong cơ thể.
  • Điều chỉnh, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, làm việc phù hợp.
  • Không nên nhịn đi ngoài, đồng thời tập thói quen tập trung khi đi cầu. 
  • Nếu có thể hãy tập thể dục mỗi ngày giúp điều hòa tâm trạng, sức khỏe cải thiện.
  • Nói không với những đồ uống có chất kích thích và thuốc lá. Hạn chế ăn những món không tốt như chiên rán, cay nóng, nước ngọt có gas,…
  • Không nên ngồi hay đứng quá lâu. Trường hợp ngồi lâu thì nên đứng dậy đi lại 30 phút 1 lần.
  • Khám sức khỏe định kỳ. 

Có thể thấy rằng đại tiện ra máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiêu hóa khác nhau. Do vậy, nếu gặp phải tình trạng này, việc đi thăm khám để xác định bệnh và điều trị dứt điểm là rất quan trọng. Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể tham khảo và lựa chọn để khám và điều trị là chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.