Tin tức
Đau dạ dày ăn mì tôm được không? Lợi hay hại?
- 28/04/2025 | Giải đáp: Đau dạ dày ăn xôi được không?
- 24/06/2025 | Bị đau dạ dày ăn cháo được không? Món cháo nào tốt cho dạ dày?
- 26/06/2025 | Gợi ý cách nằm giảm đau dạ dày và những tư thế người bệnh nên tránh
1. Thành phần chính của mì tôm
Mì tôm (hay mì ăn liền) là món ăn tiện lợi, phổ biến với mọi lứa tuổi, đặc biệt trong những lúc cần nhanh gọn và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng phía sau hương vị hấp dẫn và sự tiện lợi ấy là một danh sách các thành phần hóa học và hàm lượng dinh dưỡng mất cân đối cần được lưu tâm. Vậy thành phần chính của mì tôm gồm những gì?
Vắt mì
Vắt mì là phần sợi mì được tạo thành từ hỗn hợp bột mì, nước, muối và các chất phụ gia. Đa số mì tôm trên thị trường hiện nay sử dụng công nghệ chiên dầu để làm chín và bảo quản sợi mì, do đó thường chứa nhiều chất béo bão hòa.
Các thành phần phổ biến trong vắt mì bao gồm:
- Bột mì tinh luyện: Nguồn tinh bột chính, tạo độ dai cho sợi mì;
- Tinh bột khoai mì hoặc khoai tây: Hỗ trợ kết cấu và tăng độ nở;
- Muối và chất điều chỉnh độ axit: Giữ mì không bị chua hoặc mềm nhũn khi bảo quản;
- Dầu thực vật (chủ yếu là dầu cọ): Dùng để chiên mì; là nguồn chính của chất béo trong sản phẩm;
- Chất tạo xốp, chất nhũ hóa, chất ổn định: Giúp mì không bị vón cục, giữ được độ tơi và kết cấu đẹp.
Gói gia vị
Gói gia vị thường tạo nên hương vị đặc trưng của từng loại mì (tôm, bò, gà, hải sản...). Dù giúp món ăn ngon miệng hơn, nhưng đây cũng là nguồn chứa hàm lượng muối, bột ngọt và chất điều vị cao, có thể dẫn đến các vấn đề về huyết áp, chức năng thận nếu tiêu thụ thường xuyên.
Thành phần trong gói gia vị thường gồm:
- Muối, đường, bột ngọt;
Trong gói gia vị của mì tôm chứa nhiều muối, đường, bột ngọt
- Hương liệu tổng hợp (hương tôm, thịt, tiêu, hành…);
- Chất điều vị (E621, E627, E631...);
- Bột hành, bột tiêu, tỏi, rau sấy khô (tùy loại).
2. Người bị đau dạ dày có nên ăn mì tôm không?
Mì tôm là món ăn tiện lợi nhưng với câu hỏi “người bị đau dạ dày có nên ăn mì tôm không”, câu trả lời là “không”. Sản phẩm này không phù hợp với người mắc bệnh đau dạ dày, đặc biệt là khi dùng thường xuyên hoặc khi bụng đang đói.
Mì tôm là sản phẩm không phù hợp với người bị đau dạ dày
Các lý do được đưa ra để giải đáp cho thắc mắc trên bao gồm:
- Mì tôm có độ acid cao: Gia vị trong mì, đặc biệt là bột nêm, dầu mỡ và hương liệu, có thể kích thích dạ dày tiết nhiều acid hơn, làm tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc, viêm hoặc loét dạ dày thêm trầm trọng;
- Nhiều chất béo và chất bảo quản: Vắt mì thường được chiên ngập dầu và chứa chất bảo quản, khó tiêu hóa, dễ gây đầy hơi, trào ngược hoặc đau bụng âm ỉ sau khi ăn;
- Thiếu dinh dưỡng, dễ làm mất cân bằng dịch vị dạ dày: Mì tôm gần như không có chất xơ hay protein tốt, khiến lớp niêm mạc dễ bị tổn thương hơn, khó trung hòa acid, hậu quả là các triệu chứng đau dạ dày dễ tái phát hoặc kéo dài.
3. Cách ăn mì tôm an toàn cho người đau dạ dày
Như đã thông tin ở trên, mì tôm không phải là món ăn lý tưởng với người bị đau dạ dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp "bất khả kháng", nếu bạn vẫn muốn ăn thì cần lưu ý các cách chế biến và sử dụng đúng cách để giảm thiểu tác động xấu lên dạ dày.
Không ăn khi đói
Tuyệt đối không nên ăn mì tôm khi bụng rỗng, vì lúc này lượng acid trong dạ dày đang cao. Mì lại chứa nhiều gia vị mặn và chất béo, dễ khiến niêm mạc bị kích ứng mạnh hơn, làm tăng đau hoặc trào ngược.
Luộc bỏ nước đầu
Hãy trụng vắt mì qua nước sôi, đổ bỏ nước đầu tiên, sau đó chế biến lại với nước mới. Cách này giúp loại bỏ phần lớn dầu chiên và chất bảo quản có trong sợi mì – nguyên nhân gây khó tiêu, đầy hơi.
Người dùng nên luộc bỏ nước đầu khi chế biến mì tôm
Giảm lượng gia vị gói sẵn
Gói súp (bột nêm) thường chứa nhiều muối và chất điều vị có thể làm dạ dày tiết nhiều acid hơn. Chỉ nên dùng một nửa lượng gói gia vị hoặc thay thế bằng nước hầm rau củ, thịt để dễ tiêu và nhẹ bụng hơn.
Bổ sung thực phẩm "lành" cho dạ dày
Thêm vào tô mì các thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa và làm dịu dạ dày như:
- Trứng gà luộc/lòng đào;
- Rau xanh mềm (cải bó xôi, cải ngọt, rau mồng tơi);
- Đậu phụ, thịt nạc băm nhỏ, gừng tươi (lượng vừa phải).
Những nguyên liệu này giúp tăng giá trị dinh dưỡng và giảm bớt tác động gây hại của mì.
Không ăn quá thường xuyên
Dù đã chế biến theo cách “nhẹ nhàng” hơn, người đau dạ dày cũng chỉ nên ăn mì tối đa 1-2 lần mỗi tháng và nên xem đây là giải pháp tạm thời, không thay thế bữa chính.
Như vậy, đáp án cho câu hỏi “người bị đau dạ dày ăn mì tôm được không” đã được cung cấp đầy đủ và chi tiết. Dù vẫn có thể ăn mì, nhưng mì tôm thực sự không phải là thực phẩm lý tưởng cho những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm vì chứa nhiều dầu, muối và chất điều vị dễ gây kích ứng dạ dày. Do đó, để bảo vệ sức khỏe lâu dài, người đau dạ dày nên ưu tiên các món ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ và giàu dinh dưỡng hơn.
Nếu có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người gặp các vấn đề tiêu hóa, bạn đọc có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
