Tin tức

Đau đầu căng cơ là như thế nào, điều trị ra sao?

Ngày 31/07/2023
Lương Thanh Thủy
Đau đầu căng cơ thường gặp ở người làm việc trong tư thế ngồi cúi lâu thường xuyên, cố định tư thế trong thời gian dài,... khiến cho người bệnh có cảm giác giống như đầu đang bị siết chặt lại. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh mà còn khiến sức khỏe bị suy giảm.

1. Bệnh đau đầu căng cơ là như thế nào?

1.1. Đau đầu căng cơ là bệnh gì?

Cơn đau đầu căng cơ thường xuất hiện xung quanh đầu, sau mắt và cổ với những mức độ khác nhau. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều trải qua các cơn đau thành từng cụm.

 Cơn đau đầu căng cơ gây cảm giác như có dây thít chặt vòng đầu khiến người bệnh rất khó chịu

Cơn đau đầu căng cơ gây cảm giác như có dây thít chặt vòng đầu khiến người bệnh rất khó chịu

Đau đầu căng cơ được phân loại gồm:

- Đau đầu căng cơ kịch phát: cảm giác nặng hai bên đầu, đau như siết chặt, không nôn, không có chiều hướng tăng mức độ đau khi hoạt động nhưng khi đau người bệnh thường sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng.

- Đau đầu căng cơ mạn tính: đau cả hai bên đầu giống như đầu đang bị ép chặt, người bệnh có cảm giác như đang mang vật rất nặng trên đầu.

1.2. Triệu chứng đau đầu căng cơ phổ biến

Ngoài triệu chứng điển hình là cơn đau đầu giống như bị siết chặt thì người bệnh cũng sẽ gặp các tình trạng:

- Cơ cổ và vai căng cứng tạo cảm giác đau thắt ở vùng này.

- Cảm giác nặng ở mắt như bị áp lực đè vào, phía sau mắt có hơi nóng.

- Có cảm giác nặng mắt, nặng đầu khi cơn đau xuất hiện.

Nếu gặp các triệu chứng đau đầu căng cơ bất thường sau đây cần tìm kiếm trợ giúp y tế ngay:

- Tần suất cơn đau đầu ngày càng nhiều.

- Thân nhiệt tăng bất thường.

- Tay chân tê mỏi, cơ thể suy nhược.

- Nói chuyện gặp khó khăn.

2. Phương pháp điều trị đau đầu căng cơ

Về cơ bản, đau đầu căng cơ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng sự kéo dài của các cơn đau đầu sẽ làm người bệnh giảm sút sức khỏe tinh thần và thể chất. Ảnh hưởng rõ rệt nhất là do không thể tập trung làm việc được nên hiệu quả công việc của người bệnh bị giảm sút, chất lượng cuộc sống cũng kém hơn người bình thường. Trường hợp đau đầu căng cơ kết hợp với bệnh mạn tính đi kèm thì người bệnh sẽ thường xuyên phải chịu đựng các cơn đau trong những năm tháng tuổi già.

 Thường xuyên tái diễn cơn đau đầu căng cơ khiến người bệnh không thể đạt năng suất làm việc như bình thường

Thường xuyên tái diễn cơn đau đầu căng cơ khiến người bệnh không thể đạt năng suất làm việc như bình thường

2.1. Điều trị bằng thuốc

Thông thường, dùng thuốc giảm đau là cách điều trị đau đầu căng cơ có tác dụng nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, người bệnh cần thăm khám để được chỉ định loại thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định, không lạm dụng, không quá liều, không tự đổi loại thuốc để tránh gặp phải tác dụng phụ. Một số trường hợp đau đầu căng cơ mạn tính sẽ khó điều trị hơn nên cần kiên trì theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Mục tiêu của việc dùng thuốc điều trị đau đầu căng cơ nhằm:

- Cắt cơn đau cấp

Bác sĩ thường khuyến cáo dùng thuốc ngay khi cơn đau bắt đầu, các loại thuốc thường dùng như:

+ Thuốc giảm đau đơn thuần: dùng cho những trường hợp dưới 15 cơn đau đầu/tháng, đau thành từng đợt. Các loại thuốc giảm đau đơn giản và phổ biến là: NSAID Ibuprofen, Naproxen, Diclofenacm, Aspirin,... theo liều bác sĩ chỉ định. Trường hợp không dung nạp Aspirin hay  với NSAID có thể dùng Paracetamol theo liều chỉ định.

+ Thuốc giảm đau kết hợp: dùng cho các trường hợp không đáp ứng với thuốc giảm đau đơn thuần. Người bệnh có thể sẽ được kê đơn thuốc giảm đau kết hợp với: caffeine, opioid, barbiturate để tăng hiệu quả kiểm soát cơn đau. Một số loại thuốc khác cũng có thể được dùng để cắt cơn đau cấp như: thuốc giãn cơ, Triptans,...

 Mọi loại thuốc điều trị đau đầu căng cơ cần có sự chỉ định của bác sĩ dựa trên kết quả thăm khám và chẩn đoán bệnh

Mọi loại thuốc điều trị đau đầu căng cơ cần có sự chỉ định của bác sĩ dựa trên kết quả thăm khám và chẩn đoán bệnh

- Dự phòng tái phát đau đầu căng cơ

Việc sử dụng loại thuốc dự phòng nhằm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất tái diễn cơn đau đầu căng cơ, cải thiện khả năng đáp ứng thuốc cho người bệnh. Các loại thuốc thường được khuyến cáo sử dụng như:

+ Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: bị đau đầu căng cơ từng đợt hoặc mạn tính thường dùng thuốc chống trầm cảm Amitriptyline bắt đầu từ liều thấp nhất sau đó tăng dần cho đến khi đạt được hiệu quả điều trị tối ưu. Trường hợp không dung nạp thuốc có thể chuyển sang Protriptylin, Nortriptyline. Thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng, buồn ngủ, táo bón.

+ Thuốc chống trầm cảm khác: Mirtazapine, Venlafaxine.

+ Thuốc chống co giật: một số ít trường hợp sẽ được cân nhắc dùng Topiramate, Gabapentin.

2.2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu cũng góp phần không nhỏ trong cải thiện cơn đau đầu căng cơ. Các liệu pháp thường được áp dụng như: kích thích từ trường xuyên sọ, kích thích điện dây thần kinh qua da, vận động trị liệu, xoa bóp, laser và siêu âm,...

Người bị đau đầu căng cơ cần có chế độ nghỉ ngơi khoa học để không bị căng thẳng kéo dài, chú ý ngủ đủ giấc và luôn có giấc ngủ trưa ngắn.

2.3. Biện pháp hỗ trợ

- Luyện tập thư giãn và vận động thể chất

Các bài tập thư giãn và hoạt động thể chất được thực hiện đều đặn là cách giảm đau đầu căng cơ hiệu quả. Bạn có thể chọn lựa bài tập hoặc bộ môn vận động phù hợp với mình như: thiền, yoga, xoa bóp, dưỡng sinh, massage, tập thể dục,...

 Thiền là một cách giảm đau đầu căng cơ và thư giãn tinh thần rất hiệu quả

Thiền là một cách đau đầu căng cơ và thư giãn tinh thần rất hiệu quả

- Hoạt động đúng tư thế

Những người làm công việc có tính chất giữ lâu một tư thế nên chú ý đến tư thế ngồi sao cho đầu thẳng giữa hai vai, không quá cúi xuống, lưng không bị võng lưng, cách mỗi 30 phút ngồi nên đứng dậy đi lại. Đặc biệt, luôn duy trì tư thế ngồi đúng là cách tốt nhất để đẩy lùi đau đầu căng cơ do tư thế ngồi sai.

- Kiểm soát cảm xúc

Suy nghĩ tiêu cực, lo âu, căng thẳng,... là những trạng thái tâm lý tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và gây đau đầu căng cơ. Vì thế, hãy cố gắng thả lỏng cơ thể, tiết chế cảm xúc, tìm đến bác sĩ tâm lý,... để tạo cho mình thói quen sống tích cực, có trạng thái tinh thần thoải mái.

Chuyên khoa Thần kinh - Hệ thống Y tế MEDLATEC có sự tham gia làm việc của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành. Để thăm khám và chẩn đoán chính xác đau đầu căng cơ quý khách có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khoá: đau đầu căng cơ

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ