Tin tức

Dấu hiệu cảnh báo viêm loét dạ dày - tá tràng không nên chủ quan

Ngày 09/09/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Ngày nay viêm loét dạ dày - tá tràng không còn là một bệnh lý xa lạ gì đối với tất cả chúng ta. Bệnh có cơ hội được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị tích cực ở giai đoạn đầu, nhưng nếu để bệnh kéo dài không có phương án giải quyết dứt điểm thì sẽ dễ chuyển sang thể mạn tính, gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị và bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm về sau.

1. Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi trong niêm mạc của dạ dày hoặc tá tràng xuất hiện các vết loét và tổn thương do bị bào mòn. Trong các trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng thì có đến 95% là các vết loét nằm ở tá tràng, 60% ở dạ dày và 25% là các vết loét  nằm ở bờ cong nhỏ dạ dày.

Vậy đâu là tác nhân gây nên căn bệnh này?

  • Bệnh nhân nghiện hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn: rất nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng có đến hơn 200 loại chất gây hại tồn tại trong khói thuốc lá, đặc biệt là nicotine. Loại chất này kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol - đây là thủ phạm làm tăng khả năng mắc viêm loét dạ dày - tá tràng;

thuốc lá và rượu bia là kẻ thù của viêm loét dạ dày tá tràng

Thuốc lá, rượu bia là kẻ thù của dạ dày - tá tràng

  • Do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh: những người hay ăn khuya, thức khuya, bỏ qua bữa sáng, ăn sai giờ, ít vận động,... dẫn tới việc các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả dạ dày và tá tràng phải lao động nhiều hơn, dần dần gây nên bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng;

  • Bị căng thẳng thần kinh trong thời gian dài: stress lâu ngày sẽ gây đảo lộn hoạt động bài tiết axit trong dịch vị dạ dày khiến cho cơ quan này dễ gặp tình trạng tổn thương và viêm loét;

  • Tác dụng phụ của các loại thuốc kháng viêm, giảm đau: nếu sử  dụng lâu dài các loại thuốc này sẽ có hiện tượng ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin trong cơ thể. Đây vốn là loại chất giúp bảo vệ dạ dày nhưng khi nồng độ prostaglandin sụt giảm thì nguy cơ viêm loét  dạ dày - tá tràng sẽ càng cao;

  • Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): vi khuẩn này có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người kia qua việc ăn uống chung, ăn hàng quán vỉa hè,... Vi khuẩn HP thường cộng sinh trong dạ dày con người và ít gây ra tác động đến dạ dày, nhưng đôi khi chúng cũng gây ra tình trạng viêm dạ dày, nếu có loét dạ dày kèm theo thì chúng sẽ thúc đẩy quá trình hình thành ung thư dạ dày. 

2. Cách nhận biết khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng

Chúng ta cần nắm rõ một số những dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm loét dạ dày  - tá tràng đang gõ cửa để có những biện pháp xử trí phù hợp. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn mửa: là do sự hiện diện của các tổn thương ở bên trong dạ dày, hệ quả là hoạt động tiêu hoá bị chậm lại nên bệnh nhân luôn có cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Thức ăn tồn đọng, lên men dễ dẫn tới buồn nôn hoặc thậm chí là nôn mửa;

  • Bị đau ở vùng bụng phía trên rốn: cơn đau thường “tập kích” vào lúc sau ăn từ 2 - 3 tiếng, có khi là đau vào buổi đêm gần sáng, lan ra sau phía lưng. Đặc điểm của cơn đau: đau tức hoặc đau quặn bụng theo từng cơn, có thể là đau âm ỉ;

  • Mất ngủ, ngủ không ngon: cũng vì các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, khó tiêu, bụng đói về sáng nên bệnh nhân thường bị mất giấc ngủ, ngủ không ngon;

Viêm loét dạ dày - tá tràng thường khiến cho bệnh nhân trằn trọc, mất ngủ

Viêm loét dạ dày - tá tràng thường khiến cho bệnh nhân trằn trọc, mất ngủ

  • Rối loạn tiêu hóa, táo bón: sự đình trệ của thức ăn do viêm loét khiến quá trình tiêu hoá bị rối loạn, bệnh nhân dễ bị sút cân, suy nhược cơ thể, táo bón;

  • Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị: đây là một biểu hiện điển hình ở những người bị viêm loét dạ dày - tá tràng, đặc biệt hay xảy ra ở trong thời kỳ đầu của bệnh.

3. Viêm loét dạ dày - tá tràng gây nên những biến chứng gì?

Nếu không điều trị dứt điểm ngay từ khi mới phát hiện thì viêm loét dạ dày - tá tràng có nguy cơ cao trở thành một bệnh lý mạn tính và để lại các biến chứng nghiêm trọng, cụ thể như sau:

  • Xuất huyết tiêu hoá trên: các vết loét ở tá tràng và dạ dày có thể dẫn tới xuất huyết trong, lâu ngày khiến bệnh nhân bị mất nhiều máu và thậm chí đe dọa tới tính mạnh. Các dấu hiệu của biến chứng này bao gồm: choáng váng đầu óc, chóng mặt, phân có màu đen, nôn ra máu;

  • Thủng dạ dày - tá tràng: vết loét  ăn sâu vào niêm mạc dạ dày tạo nên các vết  thủng, thức ăn chui qua những lỗ thủng này còn gây viêm nhiễm cho cơ quan khác. Cảnh báo rõ ràng nhất khi xuất hiện biến chứng này là cơn đau bụng dữ dội xảy ra đột ngột;

  • Hẹp môn vị: tình trạng này là do mô viêm xơ tiến triển trên nền ổ viêm loét tại môn vị - tá tràng, khiến lòng ruột ngay dưới dạ dày bị hẹp lại, thức ăn di chuyển qua đây rất khó khăn. Người bệnh bị hẹp môn vị thường có cảm giác óc ách thức ăn cũ ở bụng, nôn mửa, tụt cân nhanh chóng.

4. Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng bằng phương pháp nào?

Khi phát hiện ra mình đang mắc các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, hãy đến ngay các cơ sở y tế, phòng khám hay bệnh viện để được chẩn đoán chính xác bệnh. Khi bệnh ở giai đoạn sớm thì có thể sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần tự ý thức về bệnh lý này mà thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho hợp lý và khoa học để bệnh không có cơ hội tái phát.

Trường hợp những người đang phải sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), hoặc đang trong phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để ngưng áp dụng. Phác đồ hay được sử dụng hiện nay là phác đồ 4 thuốc có Levofloxacin hoặc Bismuth do sự kháng thuốc rộng rãi của vi khuẩn.

Nếu bệnh đã phát triển thành các biến chứng, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật cấp cứu để phòng ngừa tai biến và tăng cơ hội sống sót, bảo tồn hoạt động của dạ dày - tá tràng sau phẫu thuật.

5. Lời khuyên để tránh bị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng  

Bạn có thể lưu ý tới những cách sau đây để giúp làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ mắc viêm loét dạ dày - tá tràng:

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích, rượu bia, các loại đồ uống có cồn;

  • Cân nhắc trong việc sử dụng các thuốc aspirin, Ibuprofen, naproxen (NSAID);

  • Ăn thực phẩm đã được rửa sạch và nấu chín. Nên lựa chọn thực phẩm tươi, chế biến ít dầu mỡ, ăn nhiều rau củ quả nhiều chất xơ và vitamin hỗ trợ quá trình tiêu hoá;

  • Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch sẽ trước khi ăn để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường ruột;

  • Từ bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc từ người khác;

  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, hệ tuần hoàn nhờ đó cũng được lưu thông;

  • Khám sức khỏe định kỳ để chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý mình có nguy cơ mắc phải.

Một lối sống lành mạnh sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của mỗi người

Một lối sống lành mạnh sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của mỗi người

Mỗi người nên bỏ túi cho mình những địa chỉ khám chữa bệnh phù hợp và thuận tiện nhất. BVĐK MEDLATEC với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, chi phí khám bệnh phải chăng và trang thiết bị y tế hiện đại tại các chi nhánh phân bố rộng khắp tại các tỉnh thành trên cả nước là một địa chỉ uy tín bạn nên tin tưởng. Hãy liên hệ ngay tới tổng đài 1900565656 để được biết thêm chi tiết về các dịch vụ khám bệnh và xét nghiệm ở MEDLATEC bạn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.