Tin tức

Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm cha mẹ cần lưu ý

Ngày 14/08/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Hầu hết bậc phụ huynh cho rằng, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nên được cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ. Sau đó khi trẻ được 6 tháng tuổi thì có thể cho trẻ tập làm quen với việc bổ sung dinh dưỡng ngoài sữa mẹ từ từ. Tuy nhiên, đôi khi thời điểm trẻ sẵn sàng để ăn dặm sớm hoặc muộn hơn mốc tuổi này. Vậy các dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm là gì?

1. Nên cho trẻ ăn dặm vào độ tuổi nào?

Ngay khi chào đời, cơ thể trẻ vô cùng yếu ớt, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, hệ tiêu hóa cũng vậy. Vì thế, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, trước đây sữa mẹ còn là dinh dưỡng không thể thay thế được trong những tháng đầu đời của trẻ khi các sữa công thức chưa ra đời. 6 tháng tuổi là dấu mốc được đưa ra cho thấy, trẻ từ độ tuổi này trở đi có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với sữa mẹ cung cấp, vì thế nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Dấu hiệu trẻ sẵn sàng ăn dặm là dấu hiệu mà cha mẹ cần quan tâm

Ăn dặm nghĩa là ngoài bú sữa mẹ, trẻ sẽ bắt đầu tập ăn các thực phẩm khác ở dạng chế biến mềm, xay nhuyễn, dễ hấp thu như: cá, thịt, sữa, trứng, rau xanh,… Ăn dặm cần đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ở độ tuổi này, đặc biệt là các loại Vitamin và khoáng chất, điển hình là sắt.

Tuy nhiên thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm không nhất thiết phải từ 6 tháng tuổi trở lên mà còn cần dựa vào các đặc điểm phát triển của trẻ. Quá trình ăn dặm kết hợp với bú sữa mẹ được cho là nên duy trì ít nhất đến khi trẻ được 1 tuổi. Nhiều trẻ có dấu hiệu muốn ăn dặm từ rất sớm, song các chuyên gia cho biết, không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ gây ra nhiều vấn đề như:

  • Bé ăn dặm sớm và bỏ bú sữa mẹ hoặc ít bú hơn sẽ khiến bé bỏ lỡ một số dinh dưỡng thiết yếu có trong sữa mẹ, bao gồm cả năng lượng và kháng thể để bảo vệ sức khỏe trong những tháng năm đầu đời.

Trẻ ăn dặm sớm khi hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện là không nên

Trẻ ăn dặm sớm khi hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện là không nên

  • Hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên chưa thể hấp thu và tiêu hóa tốt khi ăn dặm sớm, 6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng khi hệ tiêu hóa đã tương đối hoàn thiện đảm bảo cho việc ăn dặm.

  • Các cơ quan trong cơ thể trẻ trong 6 tháng đầu đời này vẫn tiếp tục phát triển và kết hợp hoạt động với nhau. Nhiều trường hợp cho trẻ ăn dặm sớm gây nghẹn, sặc, nôn mửa thức ăn do đường họng và thực quản hẹp.

Việc cho trẻ tập ăn dặm quá sớm là không cần thiết bởi dinh dưỡng mà sữa mẹ cung cấp hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ trong 6 tháng đầu.

2. Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm cha mẹ cần lưu ý

Khi trẻ đã được 6 tháng tuổi, cha mẹ hãy theo dõi các dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng ăn dặm dưới đây để bắt đầu cho trẻ tập ăn. Các dấu hiệu này bao gồm:

  • Trẻ đã giữ ổn định được phần đầu, có thể giữ tư thế ngồi cân bằng, điều này nghĩa là hệ xương và cơ thể trẻ đã cứng cáp. Ngoài ra, các bộ phận của hệ tiêu hóa đảm nhiệm được vai trò tiêu hóa thức ăn đặc hơn thay vì hoàn toàn là sữa mẹ như thời gian trước đó.

Cân nặng trẻ gấp đôi so với khi sinh cho thấy trẻ cần ăn dặm để thêm dinh dưỡng

Cân nặng trẻ gấp đôi so với khi sinh cho thấy trẻ cần ăn dặm để thêm dinh dưỡng

  • Cân nặng của trẻ gấp đôi so với sau khi sinh. Đây là dấu hiệu cho thấy, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể trẻ đã vượt lên khả năng đáp ứng của sữa mẹ. Vì thế, nếu chỉ bú sữa mẹ, trẻ sẽ không thể nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.

  • Lưỡi bé không còn phản xạ đẩy vật lạ tự động như trước, đây là dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng tập ăn và nuốt thức ăn. Cha mẹ cho trẻ tập ăn dặm từ từ để trẻ làm quen.

  • Trẻ biết cách tự lấy thức ăn và đưa vào miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đói, không đủ dinh dưỡng và cần thêm thức ăn từ bên ngoài bên cạnh sữa mẹ.

  • Trẻ thích thú, muốn ăn thức ăn của người lớn. Cha mẹ sẽ nhìn thấy biểu hiện háo hức, chờ mong của trẻ khi thấy cha mẹ ăn hoặc cầm thức ăn. Khi đưa cho trẻ, trẻ có xu hướng đưa lên miệng tập ăn.

Trẻ có thể nuốt thức ăn là sẵn sàng cho việc ăn dặm

Trẻ có thể nuốt thức ăn là sẵn sàng cho việc ăn dặm

  • Trẻ biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn bú sữa hoặc không muốn ăn.

  • Trẻ có phản xạ đưa môi dưới ra phía trước để nhận thức ăn, đây là phản xạ cần thiết để cha mẹ có thể dùng thìa đút thức ăn dặm cho trẻ.

Nếu trẻ đã lớn hơn 6 tháng tuổi nhưng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng để ăn dặm, cha mẹ nên tiếp tục theo dõi, quan sát con cẩn thận hơn. Có thể thử cho trẻ ăn dặm lần đầu, lưu ý theo dõi xem trẻ có phản xạ nuốt hay tự đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Nếu trẻ nuốt thức ăn xuống, trẻ đã sẵn sàng và cha mẹ hãy tập để trẻ nuốt thức ăn thuần thục hơn. Ngược lại nếu lưỡi trẻ tiếp tục đẩy thức ăn ra, hãy chờ 1 thời gian nữa để cho trẻ tập ăn dặm lại.

Thời điểm trẻ sẵn sàng ăn dặm có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn mốc chuẩn là 6 tháng ở từng trẻ, cha mẹ không nên quá lo lắng.

Cho trẻ ăn dặm quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống

Cho trẻ ăn dặm quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống

Lưu ý không nên cho trẻ ăn dặm quá muộn, thời điểm muộn nhất không vượt quá 8 tháng tuổi bởi nếu quá muộn, thói quen ăn uống của trẻ bị ảnh hưởng và cơ thể trẻ cũng chậm phát triển hơn.

Nắm được dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn. Lưu ý là việc ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều không tốt với sức khỏe của bé. Do đó, nếu cần thiết, hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào thêm, tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.