Tin tức

Dấu hiệu tay chân miệng cha mẹ cần nắm vững để xử trí kịp thời

Ngày 25/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Từ tháng 3 - 5 là thời điểm bệnh tay chân miệng có nguy cơ lây lan rộng và bùng phát dịch. Chính vì thế, cha mẹ cần cảnh giác cũng như tìm hiểu kỹ về căn bệnh này để nhận biết sớm triệu chứng bệnh và đưa con đi khám kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu tay chân miệng mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua để hạn chế biến chứng nguy hiểm cho con.

1. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn

Người lớn và trẻ nhỏ đều có thể mắc phải bệnh tay chân miệng, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do có hệ miễn dịch kém. Hơn nữa, bệnh có thể lây lan nhanh chóng, do đó, các bé trong độ tuổi đi nhà trẻ với hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.

Bệnh dễ xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi

Bệnh dễ xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi

Nguyên nhân gây bệnh có thể do virus Coxsackie A16 hay Enterovirus 71. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều ở thể nhẹ và sẽ khỏi sau một thời gian bệnh khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ bị bệnh thì cha mẹ không nên chủ quan vì trẻ có nguy cơ cao gặp phải những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm này. 

Ở những giai đoạn khác nhau, bệnh sẽ khởi phát những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu tay chân miệng mà các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm để kịp thời đưa trẻ đi khám: 

- Giai đoạn ủ bệnh: Có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày, cũng có những trường hợp ủ bệnh trong thời gian ngắn hơn hoặc dài hơn. Giai đoạn này, trẻ nhiễm bệnh thường không có biểu hiện bất thường. Một số trẻ lại có những biểu hiện mơ hồ, dễ nhầm lẫn với những biểu hiện bệnh khác khiến cha mẹ có tâm lý chủ quan hoặc nhầm lẫn. 

Một số triệu chứng trẻ có thể gặp phải trong giai đoạn này là: 

  • Những cơn sốt nhẹ chỉ thoáng qua và nhanh khỏi. 
  • Trẻ bị đau họng và có xu hướng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường. 
  • Trẻ nhỏ bỏ bú và quấy khóc. 
  • Sưng hạch ở cổ và hàm dưới. 
  • Trẻ chán ăn, bị tiêu chảy

- Giai đoạn khởi phát: Thường dao động trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ thường xuất hiện nốt ban đỏ, phỏng nước, nhất là ở quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Những nốt ban này ngày càng lở loét và gây đau nhức làm trẻ chán ăn, quấy khóc. 

Trẻ bị đau khi nhai hay nuốt thức ăn

Trẻ bị đau khi nhai hay nuốt thức ăn

- Giai đoạn toàn phát: Thường dao động trong khoảng 3 đến 10 ngày. Ở giai đoạn này, những biểu hiện của trẻ rất rõ ràng như sau: 

  • Quanh miệng, má, nướu và lợi của trẻ xuất hiện tình trạng lở loét và đau nhức. 
  • Trẻ bị buồn nôn, đau khi nhai và nuốt thức ăn. 
  • Xuất hiện những nốt ban đỏ giống như những nốt phỏng nước ở toàn thân. 
  • Thường xuyên quấy khóc.
  • Sốt cao liên tục, khó hạ sốt, hay bị giật mình.

2. Những dấu hiệu tay chân miệng nghiêm trọng cảnh báo bệnh trở nặng

Ngoài những biểu hiện nêu trên, một số dấu hiệu tay chân miệng có thể cảnh báo bệnh đang diễn biến nặng mà các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi. Cụ thể như sau: 

- Quấy khóc dai dẳng và kéo dài: Nếu đột nhiên trẻ quấy khóc liên tục, thậm chí trẻ không ngủ mà quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ khoảng 15 phút thì lại quấy khóc. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trẻ quấy khóc nhiều có thể do các bé đang xuất hiện những nốt đau miệng. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng nhiễm độc thần kinh. 

Cẩn trọng khi trẻ sốt cao không hạ

Cẩn trọng khi trẻ sốt cao không hạ

- Sốt cao không hạ: Nguyên nhân trẻ sốt cao và sốt kéo dài hơn 48 tiếng, đồng thời không đáp ứng với thuốc hạ sốt có thể là do quá trình phản ứng viêm trong cơ thể rất mạnh dẫn đến nhiễm độc thần kinh. 

- Giật mình: Đây là triệu chứng của tình trạng nhiễm độc thần kinh đây. Cha mẹ nên thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ để biết rõ tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không. Ngoài ra, trẻ còn gặp những triệu chứng như thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, da tím tái,....

Nếu thấy trẻ mắc phải những triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán bệnh cũng như điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng. 

3. Điều trị và phòng ngừa tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh. Khi bị bệnh, trẻ thường gặp phải tình trạng tổn thương ở niêm mạc khiến trẻ bị đau, ăn uống kém và dễ bị hạ đường huyết. Có thể khắc phục tình trạng này của trẻ bằng những phương pháp sau: 

- Dùng thuốc giảm đau để sát trùng niêm mạc miệng, có thể dùng nước muối 0,9%, Kamistad,…

- Khi trẻ bị bệnh, nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dạng lỏng và dễ tiêu, chẳng hạn như cháo, sữa,...

- Để tránh tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, mẹ nên vệ sinh da cho trẻ cẩn thận bằng những phương pháp như tắm cho trẻ bằng một số loại nước có tính sát trùng nhẹ và sau khi tắm nên bôi dung dịch Betadin lên những tổn thương trên da cho trẻ. 

- Lưu ý, cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ. 

Bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Do đó, cha mẹ cần lưu ý phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng những phương pháp như sau: 

- Cả mẹ và bé đều cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, nhất là khi vừa đi chơi về, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi bế trẻ, trước khi nấu thức ăn cho trẻ, trước khi cho trẻ ăn và sau khi thay tã cho trẻ hoặc sau khi đi vệ sinh. 

Nên đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín

Nên đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín

- Đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi. Trước khi nấu ăn, mẹ cần vệ sinh các dụng cụ nấu ăn, để đảm bảo, mẹ nên tráng qua một lần nước sôi. Lưu ý, nên dùng nước sạch để nấu ăn cho bé. Không nên ăn chung với trẻ, không mớm thức ăn cho con, đặc biệt không cho trẻ ngậm mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung thìa, bát, cốc, khăn tay và đồ chơi cùng với trẻ khác, nhất là trẻ đang nhiễm bệnh. 

- Mẹ nên vệ sinh đồ chơi, các đồ dùng trong gia đình, dụng cụ học tập, không gian vui chơi của trẻ,,... bằng những chất tẩy rửa thông thường. 

- Không cho trẻ tiếp xúc với những người nhiễm bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh. 

- Nếu trẻ bị bệnh, mẹ cần cho con nghỉ học, cách ly trẻ tại nhà để hạn chế tình trạng lây nhiễm.

Trên đây là những dấu hiệu tay chân miệng theo từng giai đoạn và một số dấu hiệu cảnh báo bệnh đang trở nặng mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Nếu có thắc mắc hoặc có nhu cầu cho trẻ kiểm tra sức khỏe, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.