Tin tức

Điểm danh các loại thuốc chống dị ứng và lưu ý khi sử dụng

Ngày 09/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Thuốc chống dị ứng là các loại thuốc có tác dụng giảm bớt và kiểm soát tình trạng dị ứng của cơ thể khi phản ứng với các tác nhân lạ. Tuy nhiên cần phải dựa trên nguyên nhân gây bệnh là gì thì mới áp dụng loại thuốc chống dị ứng phù hợp.

1. Dị ứng là do đâu gây nên?

Dị ứng chính là hệ quả của sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Theo lẽ thường, hệ miễn dịch đóng vai trò như tuyến phòng thủ bảo vệ cơ thể trước những yếu tố gây hại như vi khuẩn, virus, nấm,... Tuy nhiên có những trường hợp hệ miễn dịch lại lầm tưởng những tác nhân lạ là mầm bệnh nguy hiểm nên đã tấn công chúng quá mức dẫn đến phản ứng dị ứng.

Những tác nhân gây dị ứng còn được gọi là dị nguyên, tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ bị dị ứng với các dị nguyên khác nhau bao gồm phấn hoa, côn trùng cắn, ong đốt, bụi bặm, lông thú cưng, cao su, thuốc, thực phẩm,...

Thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân gây dị ứng

Thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân gây dị ứng

Các triệu chứng do dị ứng gây nên có thể theo mức độ từ nhẹ đến nặng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với những ca dị ứng nghiêm trọng. Vì vậy thuốc chống dị ứng là giải pháp cần thiết để đẩy lùi các triệu chứng nguy hiểm của tình trạng dị ứng.

2. Danh sách các thuốc chống dị ứng được dùng nhiều nhất hiện nay

2.1. Thuốc kháng histamin

Khi nhận diện được tác nhân lạ có nguy cơ gây hại cho cơ thể, hệ miễn dịch sẽ giải phóng một loại chất trung gian là Histamin dẫn đến một loạt các biểu hiện dị ứng như sổ mũi, hắt hơi, ngứa mắt,...

Có nhiều dạng bào chế thuốc kháng Histamin bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn không kê đơn thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2. Những thuốc kháng Histamin thế hệ 1 có chung một đặc điểm là thường có tác dụng phụ là gây buồn ngủ khi sử dụng, đồng thời tác dụng trong thời gian ngắn nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Vì vậy thuốc được chống chỉ định cho những người vận hành máy móc, lái xe. Bên cạnh tác dụng gây buồn ngủ, thuốc kháng Histamin thế hệ 1 còn có thể khiến bệnh nhân bị chóng mặt, khô miệng, táo bón, bí tiểu, mờ mắt,...

Thuốc kháng Histamin thế hệ 2 ra đời như một bước cải tiến mới so với thuốc thế hệ 1 khi đã khắc phục được triệu chứng buồn ngủ do thuốc gây ra, đồng thời giúp giảm thiểu các tác dụng phụ khác (trừ certirizine). Nếu dùng các thuốc thế hệ 2 người bệnh có khả năng gặp phải các biểu hiện như khô mũi miệng, đau đầu, khó chịu và buồn nôn,...

2.2. Thuốc corticosteroid

Nhóm thuốc này nằm trong danh mục thuốc kê đơn có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng viêm khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên, bao gồm mometasone, fluticasone, budesonide, triamcinolone,... Những tác dụng không mong muốn bệnh nhân có thể sẽ trải qua khi dùng corticosteroid dạng xịt đó là kích ứng niêm mạc mũi, hôi miệng, miệng có vị khó chịu, chảy máu mũi,...

Ngoài dạng xịt mũi, corticosteroid còn có các dạng dùng khác như:

  • Dạng ống hít dùng cho các trường hợp viêm mũi dị ứng hay hen suyễn;

  • Kem bôi ngoài da giúp điều trị mẩn đỏ, ngứa, vảy da, bong da,...;

  • Thuốc nhỏ mắt giúp khắc phục các phản ứng như đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt;

  • Dạng uống cũng được đưa vào bào chế, áp dụng cho những trường hợp dị ứng nghiêm trọng nhưng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng lâu ngày.

Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nếu bệnh nhân lạm dụng quá đà. Vì vậy thuốc chỉ nên được kê đơn và hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ, tránh tự ý sử dụng bừa bãi.

Kem bôi ngoài da chứa corticoid giúp điều trị mẩn đỏ, ngứa, vảy da, bong da

Kem bôi ngoài da chứa corticoid giúp điều trị mẩn đỏ, ngứa, vảy da, bong da

2.3. Thuốc thông mũi

Thuốc thông mũi có tác dụng giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn các hốc xoang, thông thoáng đường thở nhanh chóng. Cơ chế tác động của loại thuốc này làm co mạch máu mũi nhưng không được chỉ định cho những bệnh nhân bị cường giáp, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, Glôcôm và phụ nữ có thai.

Thuốc thông mũi bao gồm cả loại kê đơn như pseudoephedrine chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ và loại không kê đơn như phenylephrine, oxymetazoline. Thuốc gồm các dạng bào chế như xịt mũi, dung dịch uống, viên uống, dạng xịt mũi hoặc khí dung.

Người bệnh cũng cần lưu ý những tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc đó là triệu chứng đau đầu, chóng mặt, bồn chồn, lo lắng, khô miệng, khô mũi hay chảy nước mũi, kích ứng mũi, hắt hơi, khó ngủ,...

2.4. Thuốc kháng leukotriene

Tác dụng của thuốc kháng leukotriene là kiềm chế sự hoạt động quá mức của chất trung gian khác cũng tham gia vào phản ứng gây dị ứng đó là leukotriene. Một số triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi có thể được cải thiện khi dùng loại thuốc chống dị ứng này.

Một số trường hợp dùng thuốc kháng leukotriene có thể bị khó ngủ, lo lắng và trầm cảm.

2.5. Thuốc ức chế tế bào Mast

Đây là loại thuốc chống dị ứng giúp ngăn chặn tế bào Mast giải phóng các chất trung gian kích thích dị ứng vào hệ miễn dịch. Tế bào Mast chính là nơi sản xuất và dự trữ Histamin. Thuốc này phù hợp để dùng cho những người bị dị ứng mức độ từ nhẹ đến trung bình.

Thuốc ổn định tế bào Mast được đánh giá là tương đối an toàn nhưng phải dùng đủ liều trong nhiều ngày để đạt được hiệu quả điều trị.

2.6. Tiêm epinephrine

Phương pháp dùng thuốc tiêm epinephrine sẽ được ứng dụng ở những ca bị dị ứng nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng như sốc phản vệ, sưng họng, khó thở, phát ban, nổi mề đay nặng và mạch yếu.

3. Cần lưu ý những gì khi dùng các thuốc chống dị ứng

Khi sử dụng các thuốc chống dị ứng cho dù là kê đơn hay không kê đơn thì người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ. Trước khi dùng hãy đọc kỹ hướng dẫn do nhà sản xuất cung cấp để biết được cách dùng, cách đối phó với những tác dụng phụ có thể gặp phải.

Nếu bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về huyết áp hoặc tim mạch,... thì cần thông báo cho bác sĩ về tình hình sức khỏe và bệnh sử của mình. Không được tự ý dùng thuốc để tránh làm nghiêm trọng thêm triệu chứng dị ứng cũng như bệnh nền sẵn có.

Khi đã được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng, không tự ý đổi thuốc, thay đổi liều lượng hay lạm dụng thuốc. Khi đã dùng hết thuốc thì không mua tiếp để dùng theo đơn cũ hoặc dùng đơn thuốc của người khác để tránh gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.

Khi bị dị ứng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc

Khi bị dị ứng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc chống dị ứng và các lưu ý cần thiết khi dùng những thuốc này. Để cập nhật thêm thông tin về sức khỏe, bạn hãy truy cập website: medlatec.vn hoặc liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, tổng đài viên sẽ hỗ trợ tư vấn về các dịch vụ tại MEDLATEC cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.