Tin tức
Điểm danh mọi vấn đề liên quan tới bệnh vôi hóa gan
- 27/06/2021 | Hiểu đúng để tránh: rượu bia gây hại cho gan như thế nào
- 28/06/2021 | Bạn nên biết: bệnh viêm gan E có lây qua đường gì không
- 29/04/2021 | Quá trình thực hiện xét nghiệm gan như thế nào?
1. Tổng quan về bệnh vôi hóa gan
1.1. Triệu chứng nhận diện
Bản chất vôi hóa gan không phải bệnh lý mà nó là một vết sẹo được tạo ra bởi viêm, áp xe hay nhiễm ký sinh trùng ở gan. Tổn thương lâu ngày làm tích tụ sỏi nhỏ nên dần dần chúng bị vôi hóa cứng và đọng lại ở đường mật làm cho gan không thực hiện được chức năng đào thải độc tố của mình, cặn sỏi không thể thoát ra ngoài cơ thể được.
Hình ảnh về các nốt vôi hóa gan phát hiện qua siêu âm
Thường thì trên phim siêu âm, vôi hóa gan được phát hiện với hình ảnh sáng lên bất thường nhìn thấy được trong gan. Đây có thể là tình trạng vôi hóa nhu mô gan xảy ra do quá trình viêm mạn tính tại gan, sỏi nhỏ có trong đường mật gan hoặc nhu mô gan bị tổn thương do viêm gan mãn tính đang trong quá trình lành và tạo sẹo.
Cũng trong quá trình siêu âm, nếu phát hiện có nốt vôi hóa, bác sĩ sẽ đo kích thước của nó để biết mức độ cũng như nguy cơ có thể gây ra biến chứng đe dọa chức năng gan. Ở giai đoạn đầu, bệnh vôi hóa gan hầu như không gây ra triệu chứng đặc biệt nên rất khó phát hiện. Khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng, nốt vôi hóa đã lớn thì có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đau nhức
Do nốt vôi hóa có kích thước lớn làm chèn ép dây thần kinh và các mô ở gan nên người bệnh dễ thấy đau nhức ở mạn sườn phải, cơn đau có xu hướng tăng khi vận động mạnh.
- Rét run và sốt
Khi bị vôi hóa gan, có người sẽ sốt rất cao, thậm chí còn rét run và co giật.
- Vàng mắt, vàng da
Đây cũng là triệu chứng vôi hóa gan rất dễ nhận biết. Người bị bệnh lý này thường sẽ bị vàng như nghệ ở vùng da và niêm mạc mắt.
- Rối loạn tiêu hóa
Do nốt vôi hóa làm tắc đường mật ở gan gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu hóa thức ăn nên người bệnh dễ bị rối loạn tiêu hóa.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Vôi hóa gan thường hình thành do:
- Quá trình mang thai và sau khi sinh ra
Trẻ mới sinh ra có thể bị vôi hóa gan vì nhiễm trùng từ trong bào thai mẹ hoặc nhiễm trùng sau sinh.
Rượu bia là một trong các tác nhân gây vôi hóa gan
- Rượu bia
Trong một thời gian dài thường xuyên nạp rượu bia vào cơ thể cũng dễ khiến chức năng gan bị rối loạn. Ngoài ra, có khối u trong gan cũng dễ làm tích tụ canxi và gây vôi hoá gan.
- Một số nguyên nhân khác
+ Viêm tế bào nhu mô gan.
+ Xác ký sinh trùng.
+ Gan nhiễm độc nhiễm mỡ lâu ngày.
+ Thuốc điều trị lao lâu ngày có thể tích tụ gây ra các nốt vôi hóa gan.
1.3. Mức độ nguy hiểm
Bản thân vôi hóa gan không phải là bệnh nguy hiểm nhưng khi nốt vôi hóa có chiều hướng gia tăng nhanh về kích thước nó sẽ gây ứ mật mãn tính, viêm đường mật, xơ gan mật thứ phát. Khi vôi hóa gan kéo dài lâu ngày làm tiến triển xơ gan, viêm gan mãn tính, nặng nhất là ung thư gan. Ngoài ra, người bệnh có nốt vôi hóa gan với kích thước lớn còn dễ bị tái diễn nhiễm trùng đường mật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan.
2. Biện pháp kiểm soát, chế ngự bệnh vôi hóa gan ngay tại nhà
Như đã nói ở trên, hầu hết các trường hợp vôi hóa gan không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nếu đã thực hiện xét nghiệm chức năng gan mà kết quả bình thường thì chỉ cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ sinh hoạt, dần dần nốt vôi hóa sẽ biến mất.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc làm tan các nốt vôi hóa gan. Vì thế, khi phát hiện ra bệnh. trong việc chăm sóc sức khỏe tại nhà người bệnh nên chú ý:
2.1. Dinh dưỡng
Chế độ ăn uống hàng ngày ảnh hưởng khá nhiều đến vôi hóa gan. Vì thế người bệnh nên:
Tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp đẩy lùi hiệu quả bệnh vôi hóa gan
- Tránh sử dụng đồ uống có chất kích thích và có chứa cồn. Tốt nhất nên thay bằng các loại đồ uống tự nhiên như trà atiso hay trà xanh để giúp gan giải độc tốt hơn.
- Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên tăng lượng rau xanh và trái cây; hạn chế ăn nội tạng động vật và các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo và cholesterol, lòng đỏ trứng,...
2.2. Nghỉ ngơi
Tránh thức khuya, mỗi ngày ngủ đủ 7 - 8 tiếng, không ăn quá no, không ăn đêm, tập thể dục đều đặn để nâng cao thể trạng và tinh thần là việc mà người bị vôi hóa gan nên làm để nhanh khỏi bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
2.3. Khám sức khỏe định kỳ
6 tháng - 1 năm/lần nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra hệ tiêu hóa là việc nên làm để phát hiện và xử lý sớm các vấn đề về gan. Việc làm này vừa giúp tầm soát nguy cơ ung thư vừa phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh để có biện pháp chủ động đối phó kịp thời.
Thường thì nốt vôi hóa gan 4mm - 7mm mà chức năng gan trong giới hạn bình thường thì sẽ không gây ra nguy hiểm, chỉ cần thường xuyên theo dõi phát hiện dấu hiệu bất thường, làm xét nghiệm chức năng gan và siêu âm để đánh giá sự phát triển nốt vôi hóa mà thôi. Nếu kích thước của nó to có thể gây ra chèn ép đường mật, nhiễm trùng tái diễn, ảnh hưởng tới chức năng gan, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật loại bỏ nốt vôi hóa.
Đối với nốt vôi hóa gan, kích thước chính là yếu tố để phán đoán nguy cơ biến chứng của nó tới gan để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, các dấu hiệu gan mật, chức năng gan tại thời điểm phát hiện ra nốt vôi hóa cũng là căn cứ để bác sĩ quyết định nên theo dõi hay điều trị.
Muốn biết chính xác tình trạng vôi hóa gan của mình như thế nào, nên can thiệp điều trị hay không, tốt nhất người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có câu trả lời đúng. Trong trường hợp cần tư vấn thêm về các vấn đề liên quan đến bệnh lý ở gan, bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC lắng nghe chia sẻ, có căn cứ gửi tới bạn những thông tin chính xác, có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!