Tin tức

Điểm danh những cách điều trị ho ra máu dứt điểm, hiệu quả

Ngày 24/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tình trạng ho ra máu cảnh báo một vấn đề nào đó xảy ra trong đường hô hấp mà chúng ta không nên chủ quan. Đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, lao phổi hay thậm chí là ung thư phổi,... Nếu không được thăm khám sớm và điều trị dứt điểm, bệnh có thể tái phát nhiều lần. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cho quý bạn đọc một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và những cách điều trị ho ra máu đang được áp dụng phổ biến hiện nay.

1. Tìm hiểu về căn nguyên của tình trạng ho ra máu

Ho ra máu xảy ra khi máu từ trong cơ thể thoát ra ngoài theo đường hô hấp (mũi, miệng) khi người bệnh ho khạc. Máu thường chảy từ vị trí thanh môn trở xuống. Ho ra máu khác với nôn ra máu. Nếu ho ra máu không được kiểm soát sớm và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ huyết động, có thể dẫn đến biến chứng trụy tuần hoàn. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.

Nếu không xử lý sớm, ho ra máu có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm

Nếu không xử lý sớm, ho ra máu có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm

Trước khi tìm hiểu về các phương pháp điều trị ho ra máu, chúng ta cần biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này. Ho ra máu có thể bắt nguồn từ những bệnh lý sau đây:

  • Giãn phế quản: bệnh nhân thường xuyên tái diễn tình trạng ho, khạc đờm thành đợt, lượng đờm nhiều đôi khi có lẫn máu, thậm chí bệnh nhân nặng có thể ho ộc máu hoặc ho ra máu sét đánh và thường bị nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh lao phổi;

  • Nhiễm trùng hô hấp: ho ra máu thường xảy ra ở những người đang phải đối mặt với chứng viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, viêm phế quản cấp, nấm phổi hay u nấm phổi. Ngoài ra, một số triệu chứng khác đi kèm bao gồm đau ngực, ho ra đờm và mủ lâu ngày không khỏi,...;

  • Lao phổi: đây là nguyên nhân phổ biến nhất dễ khiến người bệnh bị ho ra máu. Triệu chứng ho ra máu xảy ra khi tổn thương phổi tạo thành hang và gây đứt vỡ các mạch máu phổi. Khi bị lao phổi, bệnh nhân thường ho ra đờm có lẫn máu, lượng máu ở đây có thể ít hoặc nhiều. Đi kèm theo đó là các triệu chứng khác như khó thở, mệt mỏi, chán ăn,...;

  • Ung thư phế quản: người có thói quen hút thuốc lá nhiều là đối tượng dễ bị ung thư phế quản. Bệnh lý ác tính này khó nhận biết sớm do các triệu chứng điển hình thường bộc lộ ít ở giai đoạn đầu. Đối với trường hợp bị ung thư phế quản thường sẽ có những dấu hiệu như ho ra máu kéo dài, đau ngực, khó thở,...;

  • Các bệnh liên quan tới tim mạch: bệnh nhân suy thất trái, hẹp van tim hai lá, nhồi máu phổi, phù phổi cấp,...

2. Cảnh giác với các triệu chứng đi kèm ho ra máu

Khi bị ho ra máu và xuất hiện thêm những dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt:

  • Hay cảm thấy khó chịu và hồi hộp;

  • Ngứa họng, miệng thường cảm giác có vị tanh;

  • Tức ngực, khó thở, đau ngực, cảm thấy nóng rát lan ra sau xương ức;

  • Khi bệnh nhân ho ra máu thì liên tục xuất hiện cả đờm. Ban đầu máu có màu đỏ tươi và dần dần sau đó chuyển thành màu đỏ sẫm. Đôi khi còn quan sát được máu ho ra bị đông đặc  gây nghẹt thở, khó thở do máu đông làm bít tắc phế quản;

  • Sốt cao;

  • Mạch nhanh bất thường, có các triệu chứng của tình trạng trụy mạch;

  • Có thể bị suy hô hấp và hạ đường huyết;

  • Các bộ phận như mô, ngón chân, ngón tay trở nên tím tái.

3. Đề xuất một số phương án điều trị ho ra máu

Trước khi tiến hành điều trị ho ra máu, người bệnh cần được thăm khám dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây ho ra máu là gì. Có những nguyên nhân cần phải được xử trí bằng biện pháp nút mạch hoặc thực hiện phẫu thuật.

Căn cứ vào nguyên nhân gây nên biểu hiện ho ra máu, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc chỉ định áp dụng những phương pháp điều trị sau:

Giảm ho an thần:

Dựa trên tình trạng hô hấp cũng như mức độ ho ra máu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê các thuốc an thần sao cho phù hợp. Một số loại thuốc an thần thường được áp dụng đối với những trường hợp bị ho ra máu đó là: Seduxen, Gardenal dùng theo dạng viên hoặc đường tiêm. Công dụng chính của những thuốc này là giúp ổn định tinh thần, giảm thiểu phản xạ ho cho người bệnh.

Ho ra máu khiến bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu bất thường

Ho ra máu khiến bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu bất thường

Sử dụng thuốc giúp cầm máu, truyền máu:

Phương pháp này khá hữu hiệu khi áp dụng để cầm máu và co mạch. Những thuốc như cyclonamine, transamin có tác dụng làm chậm tiêu sợi tơ huyết, ảnh hưởng đến quá trình đông máu.

Sử dụng kháng sinh đối với trường hợp bị nhiễm khuẩn:

Khi bệnh nhân bị ho ra máu, điều này sẽ khiến một phần máu bị đọng trong lòng phế quản và đây chính là môi trường ưa thích của các loại vi khuẩn  sinh sôi phát triển. Do đó để dự phòng nguy cơ nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc kháng sinh, ngăn ngừa bội nhiễm.

Điều trị bệnh nhân ho ra máu nhẹ:

Người bệnh cần được nằm xuống nghỉ ngơi, ăn những loại thức ăn được chế biến loãng như súp, cháo và dùng thuốc an thần. Bệnh nhân tuyệt đối phải tránh xa các chất kích thích và đồ uống có cồn như bia, rượu.

Điều trị ho ra máu bằng phương pháp nội soi:

Thường sẽ ứng dụng phương pháp này trong việc cầm máu, loại bỏ những cục máu đông tích tụ trong phổi.

Điều trị phẫu thuật cấp cứu:

Trong trường hợp đã áp dụng hết những biện pháp nội khoa nhưng không đem lại hiệu quả điều trị thì sẽ lựa chọn điều trị phẫu thuật cấp cứu. Kỹ thuật này nhằm mục đích mở lồng ngực, thắt mạch máu hoặc cắt bỏ thùy phổi đã bị tổn thương.

Điều trị ho ra máu nặng:

Người bệnh cần được bố trí nằm nghỉ ngơi ở khu vực thoáng mát, yên tĩnh, giữ tư thế bất động hoàn toàn không được di chuyển. Bệnh nhân cần nằm ở tư thế nghiêng về bên phổi đang bị tổn thương và quan trọng nhất là cần được cầm máu kịp thời.

Sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả để điều trị ho ra máu trong một số trường hợp

Sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả để điều trị ho ra máu trong một số trường hợp

Trong trường hợp bệnh nhân mất quá nhiều máu, phải có phương án bổ sung lượng máu đã mất và theo dõi sát sao những trường hợp bị ho ra máu nặng. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, ăn thức ăn loãng dễ tiêu, không dùng chất kích thích và đồ uống có cồn trong thời gian điều trị. 

Như vậy, điều trị ho ra máu còn phụ thuộc vào nguyên nhân, tính chất và thể trạng của từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Khi bị ho ra máu kèm theo những biểu hiện bất thường khác ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, bạn hãy nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời. Nếu để lâu, ho ra máu sẽ tiến triển thành biến chứng nguy hiểm.

Để được tư vấn kỹ hơn về tình trạng ho ra máu cũng như những vấn đề bệnh lý khác, quý khách hàng hãy liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 ngay hôm nay! 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.