Tin tức
Giải đáp về bệnh sán chó và cách giảm ngứa khi bị sán chó
- 16/10/2024 | Xét nghiệm sán chó cần thực hiện khi nào? Quy trình ra sao?
- 31/03/2025 | Trị bệnh sán chó bằng thuốc nam được không? Phương pháp nào có hiệu quả nhất?
- 04/04/2025 | Bệnh sán chó có lây từ người sang người không? Cách phòng ngừa và xử trí khi nghi ngờ nhiễm...
1. Khái quát về bệnh sán chó
1.1. Tác nhân gây nên bệnh sán chó
Bệnh sán chó (Toxocariasis) hay bệnh giun đũa chó mèo là bệnh do ấu trùng giun đũa chó mèo gây ra, thường gặp nhất là loại Toxocara canis từ chó và Toxocara cati từ mèo. Con người bị nhiễm Toxocara khi vô tình nuốt phải trứng sán có trong thực phẩm, nước uống hoặc tiếp xúc với đất, cát, lông chó, mèo nhiễm sán.
Khi vào cơ thể, trứng sán nở thành ấu trùng sau đó di chuyển đến nhiều cơ quan như mắt, gan, phổi,... Chúng gây viêm, tổn thương mô và làm xuất hiện các triệu chứng bệnh lý khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà sán khu trú.
Nguồn đất chứa trứng sán có thể là nguồn lây nhiễm bệnh sán chó
1.2. Dấu hiệu thường gặp ở bệnh sán chó
Khi mắc bệnh sán chó, các dấu hiệu sau thường xuất hiện ở hầu hết ca bệnh:
- Dấu hiệu toàn thân:
+ Sốt nhẹ.
+ Mệt mỏi, đau nhức khắp người.
+ Sụt cân không xác định được nguyên nhân.
+ Có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn,...
- Dấu hiệu ngoài da:
+ Ngứa dữ dội, nổi mẩn đỏ.
+ Phát ban lan rộng, có thể gây phản ứng dị ứng ngoài da dạng mẩn ngứa, mề đay.
- Tổn thương nội tạng:
+ Đau tức vùng hạ sườn phải, gan sưng to.
+ Ho kéo dài, khó thở.
+ Giảm thị lực, nhìn mờ.
+ Đau đầu, co giật (hiếm gặp).
2. Vì sao người nhiễm sán chó bị ngứa?
Muốn tìm cách giảm ngứa khi bị sán chó, trước tiên, người bệnh cần biết đến nguồn cơn làm xuất hiện dấu hiệu này. Ngứa khi nhiễm sán chó là kết quả từ:
- Phản ứng của hệ miễn dịch:
Ngứa là phản ứng của hệ miễn dịch trong khi tìm cách chống lại ấu trùng. Lúc này, các tế bào miễn dịch sẽ giải phóng histamin và các chất trung gian gây viêm, từ đó sinh ra cảm giác ngứa, phát ban hoặc nổi mề đay trên da.
- Phản ứng dị ứng do chất tiết của ấu trùng:
Ấu trùng Toxocara không đi dưới da như một số loại giun sán khác, nhưng quá trình di chuyển của chúng trong máu và mô có thể kích thích phản ứng viêm - dị ứng tại nhiều cơ quan, bao gồm cả da. Điều này dẫn đến mẩn ngứa lan tỏa, không khu trú và không có vết lằn đặc trưng như trong các bệnh ký sinh trùng ngoài da khác.
Ngứa da là dấu hiệu dễ gặp khi lây nhiễm sán chó
3. Cách giảm ngứa khi bị sán chó là gì?
Ngứa do sán chó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân thường quan tâm đến cách giảm ngứa khi bị sán chó.
3.1. Dùng thuốc điều trị theo chỉ định bác sĩ
Đối với những trường hợp đã được chẩn đoán nhiễm sán chó từ bác sĩ chuyên khoa, cách giảm ngứa khi bị sán chó là thực hiện đúng đơn thuốc đã được chỉ định. Thông thường, để giảm ngứa và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc:
- Thuốc diệt sán như Albendazole, Mebendazole,... nhằm tiêu diệt ấu trùng giun sán trong cơ thể, từ đó làm giảm phản ứng viêm dị ứng và triệu chứng ngứa theo thời gian.
- Thuốc chống dị ứng như Loratadin, Cetirizin, Clorpheniramin,... nhằm giảm ngứa, nổi mẩn, mề đay do phản ứng dị ứng.
- Thuốc bôi ngoài da nhằm giảm viêm, giảm ngứa tại chỗ.
Các loại thuốc này có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân.
3.2. Chườm lạnh
Chườm lạnh là một biện pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả trong việc giảm nhanh cảm giác ngứa do nhiễm sán chó gây ra. Nhiệt độ lạnh có tác dụng làm co mạch máu tại chỗ, giúp giảm viêm, đồng thời làm tê tạm thời các đầu dây thần kinh cảm giác, từ đó ức chế việc truyền tín hiệu ngứa lên não.
Người bệnh có thể sử dụng khăn sạch bọc đá lạnh hoặc túi chườm mát đặt lên vùng da bị ngứa trong vài phút để làm dịu cơn ngứa tức thời. Tuy nhiên, cần tránh chườm lạnh trực tiếp quá lâu để không gây bỏng lạnh hoặc kích ứng da và nên kết hợp với điều trị nguyên nhân để đạt hiệu quả bền vững.
3.3. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Người mắc bệnh sán cho nên chú ý bổ sung:
- Thực phẩm giàu vitamin A, C, E để cải thiện khả năng đề kháng cho da.
- Uống nhiều nước để tăng khả năng thanh lọc và hỗ trợ đào thải độc tố ra ngoài cơ thể.
Ngoài ra, người bị nhiễm sán chó cũng nên tránh ăn:
- Hải sản, thịt bò, trứng gà để không kích thích cơn ngứa tiến triển nặng hơn.
- Thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ để tránh kích thích cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da.
3.4. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường
Môi trường sống cũng là một trong các tác nhân kích thích, làm cho cơn ngứa do nhiễm sán chó trở nên dữ dội hơn. Vì thế, cách giảm ngứa khi bị sán chó khác cũng cần được lưu tâm là:
- Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày với sữa tắm sát khuẩn.
- Thường xuyên thay và giặt sạch quần áo, chăn màn.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nếu chúng chưa tẩy giun.
- Không đi chân trần ở vùng có đất cát, ao hồ bẩn.
Trong quá trình thực hiện các cách giảm ngứa khi bị sán chó, người bệnh cần chú ý không gãi làm trầy xước da để tránh làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Người bệnh cũng cần theo dõi để phát hiện các bất thường như: đau ngực, sốt cao, da bị phù nề,... và nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám.
Các cách giảm ngứa khi bị sán chó chỉ cải thiện triệu chứng tạm thời. Chỉ khi sán chó bị tiêu diệt hoàn toàn thì những triệu chứng mắc phải mới dần dần biến mất. Muốn làm được điều này, người bệnh cần thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn cách giảm ngứa khi bị sán chó
4. Phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh sán chó bằng cách nào?
Để tránh tái diễn tình trạng ngứa ngáy và những nguy cơ biến chứng do sán cho gây ra, người bệnh nên thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như:
- Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần cho cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trong gia đình có nuôi chó mèo.
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với thú cưng, đất cát, phân hoặc các vật dụng ngoài môi trường.
- Ăn chín, uống sôi, không nên ăn rau sống, thực phẩm tái, gỏi cá, hay những món chưa được nấu kỹ - là nguồn tiềm ẩn trứng giun sán.
- Tẩy giun định kỳ và tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, đồng thời giữ môi trường sống của thú cưng luôn sạch sẽ, khô thoáng.
- Không đi chân trần tại các khu vực có đất bẩn, ao hồ, khu vực công viên hoặc bãi đất hoang – nơi có thể nhiễm trứng giun từ phân động vật.
Tuy bệnh sán chó không còn quá phổ biến nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn dễ xảy ra nếu không kiểm soát tốt điều kiện vệ sinh ở khu vực nuôi chó mèo. Trường hợp nghi ngờ nhiễm sán chó, quý khách hàng hãy liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn xét nghiệm ký sinh trùng. Việc làm này sẽ giúp quý khách hàng được chẩn đoán đúng bệnh lý mắc phải, biết cách giảm ngứa khi bị sán chó và thực hiện biện pháp điều trị hiệu quả, giúp tiêu diệt hoàn toàn tác nhân gây bệnh.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
