Tin tức
Góc giải đáp: Số lượng hồng cầu trong cơ thể là bao nhiêu?
- 19/06/2021 | Bệnh thiếu máu hồng cầu to: nguyên nhân và biện pháp điều trị
- 03/04/2020 | Những điều cần biết về tình trạng hồng cầu niệu
- 05/05/2020 | Tìm hiểu về xét nghiệm tìm hồng cầu trong phân
- 04/06/2020 | Hồng cầu là gì và vai trò của hồng cầu với sức khỏe
- 23/04/2020 | Xét nghiệm mảnh vỡ hồng cầu trong bệnh lý thiếu máu tán huyết mắc phải
1. Số lượng hồng cầu trong cơ thể là bao nhiêu?
1.1. Số lượng hồng cầu trong cơ thể một người bình thường là bao nhiêu?
Trong máu bao gồm các tế bào máu và huyết tương. Hồng cầu chính là một phần của tế bào máu và đảm nhiệm một vai trò rất quan trọng là vận chuyển oxy đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Số lượng hồng cầu trung bình là 4,2 triệu/mm3 máu ở nam giới và 3,8 triệu/mm3 máu ở nữ giới
Đối với một người trưởng thành, số lượng hồng cầu trung bình là 4,2 triệu/mm3 máu ở nam giới và 3,8 triệu/mm3 máu ở nữ giới. Tuy nhiên, trong một ngày, con số này có thể thay đổi ở những thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, có một lý do cũng khiến cho lượng hồng cầu có thể tăng trong máu là khi cơ thể phải vận động nhiều. Nguyên nhân là khi bạn vận động nhiều thì cơ thể sẽ cần được cung cấp nhiều oxy hơn và vì thế lượng hồng cầu trong máu có thể tăng lên.
Số lượng hồng cầu ở trẻ sơ sinh sẽ có thường xuyên ở mức cao trong vòng 10 ngày đầu kể từ khi em bé được sinh ra, cụ thể lượng hồng cầu có thể tăng lên đến 5 triệu/mm3. Nhưng chỉ khoảng vài tháng sau đó, lượng hồng cầu sẽ về mức ổn định, nó sẽ dần hạ xuống bằng với người trưởng thành.
Số lượng hồng cầu ở trẻ sơ sinh sẽ có thường xuyên ở mức cao trong vòng 10 ngày đầu kể từ khi em bé được sinh ra
Tuổi thọ trung bình của hồng cầu là khoảng 120 ngày. Hồng cầu được sinh ra từ tủy xương, nó cũng trải qua quá trình phát triển, trưởng thành và già yếu. Sau một thời gian hoạt động, hồng cầu sẽ không còn được mềm dẻo như lúc ban đầu và đến một thời điểm, chúng sẽ bị vỡ khi đi qua những mao mạch nhỏ của lách. Mặt khác, tủy xương sẽ có nhiệm vụ là sản sinh cho cơ thể một lượng hồng cầu mới để thay thế cho lượng hồng cầu đã mất đi và duy trì vai trò vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể.
1.2. Các chỉ số đánh giá tế bào hồng cầu
Để đánh giá tế bào hồng cầu, các bác sĩ cần dựa vào kết quả xét nghiệm. Hiện nay, phương pháp chính cho biết chính xác số lượng hồng cầu trong cơ thể là xét nghiệm RBC.
Xét nghiệm máu giúp đánh giá số lượng hồng cầu trong cơ thể
Xét nghiệm RBC là một xét nghiệm máu. Các bác sĩ sẽ lấy máu qua đường tĩnh mạch hay mao mạch của người bệnh và tiến hành thực hiện xét nghiệm. Giá trị chỉ số RBC ổn định ở nam giới sẽ ở mức 4.32-5.72 T/ L và chỉ số RBC ổn định ở nữ giới sẽ ở mức 3.90-5.03 T/L.
Bên cạnh đó, tùy vào mỗi trường hợp khác nhau, các bác sĩ có thể dựa vào một số chỉ số khác để đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh:
Chỉ số MCV để đánh giá thể tích trung bình của một hồng cầu: Giá trị đạt chuẩn sẽ là từ 80 - 100 femtoliter (fl). Nếu chỉ số thấp hơn bình thường, nghĩa là hồng cầu nhỏ hơn bình thường. Những trường hợp này thường gặp ở bệnh nhân thiếu sắt, thiếu máu, bệnh nhân bị bệnh Thalassemia, bệnh nhân bị nhiễm độc chì hoặc mắc phải bệnh suy thận mạn tính,... Ngược lại, nếu kết quả cao hơn bình thường, nghĩa là kích thước hồng cầu to hơn bình thường. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc bệnh gan, bệnh suy giáp, người nghiện rượu, người bị thiếu vitamin B12, acid folic,...
Chỉ số MCH đánh giá màu sắc của hồng cầu: Giá trị trung bình đánh giá màu sắc của hồng cầu là từ 27 - 32 picogram (pg). Nếu chỉ số đạt được thấp hơn bình thường thì nghĩa là hồng cầu có màu sắc nhạt hơn bình thường và thường gặp ở người bị thiếu sắt, người mắc bệnh Thalassemia,… Nếu chỉ số cao hơn bình thường, nghĩa là hồng cầu có màu sắc đậm hơn bình thường và hay gặp ở những người nghiện rượu, người mắc bệnh lý về gan,...
2. Sống lành mạnh để duy trì lượng hồng cầu ổn định trong cơ thể
Khi hồng cầu già yếu, nó sẽ bị chết đi và cơ thể sẽ sản sinh ra một đợt hồng cầu mới để thay thế. Để quá trình này được diễn ra nhịp nhàng, giúp cơ thể duy trì lượng hồng cầu ổn định, bạn cần phải duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng và thường xuyên vận động.
Ăn đủ chất để duy trì lượng hồng cầu trong cơ thể
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, chẳng hạn như các loại thịt, sữa, trứng,...
Nên bổ sung nhiều loại rau củ quả để cung cấp vitamin, axit folic cho cơ thể, đặc biệt là một số loại rau củ như chuối, dưa gang,...
Bổ sung nhiều thực phẩm chứa sắt như thịt bò, đậu phụ, gan, củ cải đường,... Nếu cần thiết, một số trường hợp sẽ được chỉ định bổ sung viên uống sắt - Lúc này bạn nên tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc.
Nên bổ sung các thực phẩm có nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 để cơ thể tăng sản xuất hồng cầu.
Ngoài ra bạn nên thường xuyên vận động, đặc biệt là những người có lượng hồng cầu thấp, vì vận động sẽ giúp kích thích cơ thể sản sinh ra tế bào hồng cầu.
Hạn chế hoặc có thể hãy loại bỏ thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá.
Với những trường hợp cần thiết, có thể tính đến phương pháp truyền máu để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.
Như vậy, những thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp câu hỏi “Số lượng hồng cầu trong cơ thể là bao nhiêu”. Đồng thời, qua những thông tin trên, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cũng khuyên bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ, trong đó có mục xét nghiệm các chỉ số về máu để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Qua đó, các bác sĩ sẽ điều trị các vấn đề sức khỏe nếu có và đưa ra những lời khuyên để bạn biết cách chăm sóc cơ thể mình tốt hơn.
Hãy gọi đến số 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!