Tin tức

Góc giải đáp: Suy giãn tĩnh mạch là gì và có những cách nào để điều trị?

Ngày 28/01/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Suy giãn tĩnh mạch không chỉ gây nên nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt mà còn khiến da người bệnh trở nên kém thẩm mỹ. Nếu không điều trị kịp thời và bỏ qua các triệu chứng của bệnh thì rất dễ để lại biến chứng nguy hiểm về sau. 

1. Khái niệm bệnh suy giãn tĩnh mạch

Trong hệ tĩnh mạch ngoại biên, có 03 loại tĩnh mạch: tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xuyên và tĩnh mạch sâu. Thông thường, hành trình di chuyển của máu sẽ là nhờ vào lực bơm của cơ khi co kết hợp với các van nằm trong tĩnh mạch, máu sẽ đi từ tĩnh mạch nông chảy qua tĩnh mạch xuyên, chuyển sang tĩnh mạch sâu để chảy về bến đỗ là tim. Các van tĩnh mạch có nhiệm vụ bảo đảm cho máu luôn chảy theo một chiều không bị chảy ngược. Vậy nên nếu xảy ra trường hợp máu bị chảy ngược lại thì là do các van tĩnh mạch đang gặp sự cố, tĩnh mạch bị suy giãn. Hiện tượng này không chỉ khiến máu bị “lội ngược dòng" mà còn khiến máu bị ứ đọng ở ngoại vi và kéo theo các biến đổi về huyết động. 

Ngày nay bệnh suy giãn tĩnh mạch càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở các đối tượng người mắc ít vận động, làm công việc phải đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.

2. Đi tìm nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn tới suy giãn tĩnh mạch

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ mắc chứng suy giãn tĩnh mạch có thể kể đến như sau:

  • Do giới tính: thông thường nữ giới sẽ chiếm tỷ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch cao hơn nam do thiên chức làm mẹ - mang bầu, thói quen đi giày cao gót và ảnh hưởng từ nội tiết tố nữ.

  • Giãn tĩnh mạch do di truyền: Nếu bệnh nhân có cha hoặc mẹ mắc bệnh này thì có khả năng rất cao cũng sẽ dễ bị giãn tĩnh mạch.

  • Yếu tố nghề nghiệp: Sở dĩ bệnh suy giãn tĩnh mạch ngày càng trở nên phổ biến là do sự phát triển của những ngành nghề mới ít phải dùng sức lao động như trước và ít di chuyển: nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, giáo viên,...

  • Do thừa cân: Cân nặng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh giãn tĩnh mạch. Lý do là bởi nếu người bệnh mắc chứng béo phì thì khối lượng thân trên sẽ khiến máu có xu hướng dồn xuống chi dưới, đồng thời thừa cân dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, trong đó có suy giãn tĩnh mạch. 

  • Vấn đề tuổi tác: khi con người ngày càng có tuổi thì các chức năng của cơ quan trong cơ thể dần suy giảm và lão hoá, van tĩnh mạch cũng không ngoại lệ.

  • Bệnh nhân mắc những bệnh lý về nhiễm trùng, biến chứng sau khi phẫu thuật như viêm, tắc mạch, hoặc xương gãy phải bó bột và nằm bất động lâu ngày,... cũng có thể là nguyên do của bệnh suy giãn tĩnh mạch. 

Ngồi làm việc quá lâu có thể gây suy giãn tĩnh mạch

Ngồi làm việc quá lâu có thể gây suy giãn tĩnh mạch

3. Bị suy giãn tĩnh mạch sẽ có những triệu chứng gì?

Khi bị suy giãn tĩnh mạch, cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu để phản ánh tình trạng của bệnh, ví dụ như:

  • Đau chân khi đi lại quá nhiều;

  • Cảm giác chân bị tê mỏi, ngứa, thậm chí là bị viêm da, lở loét và xơ cứng;

  • Đôi khi các vị trí như cẳng chân và bàn chân có thể bị phù nề;

  • Nếu đứng quá lâu hoặc giữ nguyên một tư thế dễ bị tức căng chi dưới.

Điều đáng buồn là phần lớn những triệu chứng trên sẽ bị bỏ qua, tới khi bệnh đã nặng thì người bệnh mới đi khám và điều trị. Việc này dễ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng và khó khắc phục hơn. Chính vì thế, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo suy giảm tĩnh mạch, bệnh nhân nên sớm đi kiêm tra tổng thể sức khỏe để có hướng điều trị sớm và tránh những rủi ro bệnh tật sau này.

4. Những biến chứng do bệnh suy giãn tĩnh mạch để lại

  • Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: Cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.

  • Khi tĩnh mạch bị giãn hằn rõ dưới da trông sẽ bị mất thẩm mỹ;

  • Chảy máu do giãn tĩnh mạch ở chân có thể dẫn tới tử vong. Chảy máu không phải là vấn đề ít gặp, nhưng thường được điều trị không đúng cách

  • Các khối thuyên tắc được tạo nên do viêm tắc tĩnh mạch sâu. Hậu quả là chúng rất dễ di chuyển vào tim, gây tắc động mạch phổi và là nguyên nhân của hiện tượng đột tử;

  • Hệ tuần hoàn bị ứ trệ, rối loạn cân bằng dinh dưỡng của da chân do số lượng lớn các tĩnh mạch bị suy giãn. Do đó xảy ra trường hợp viêm da, nhiễm trùng, loét khiến chân suy yếu dần, nặng hơn có thể phải cắt bỏ chân.

Chi dưới bị đau buốt, sưng to và về đêm dễ gặp chuột rút

Chi dưới bị đau buốt, sưng to và về đêm dễ gặp chuột rút

5. Bỏ túi những phương pháp phòng ngừa và điều trị suy giãn tĩnh mạch  

5.1. Để ngăn ngừa căn bệnh thầm lặng mà nguy hiểm này, chúng ta cần:

  • Hạn chế việc đứng hoặc ngồi ở một chỗ quá lâu, ít vận động. Nếu công việc đòi hỏi phải đứng hay ngồi lâu tại một vị trí (như tiếp tân, nhân viên văn phòng,…) thì bạn hãy dành ra một vài phút sau mỗi nửa tiếng làm việc đề ngồi xuống nghỉ ngơi, mát xa chân hoặc đứng dậy đi lại để khí huyết được lưu thông, gân cốt được thư giãn.

  • Tăng hàm lượng thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin, nước trong các bữa ăn.

  • Trước khi đi ngủ bạn có thể xoa bóp, ngâm chân với nước ấm pha muối hoặc gừng để đôi chân được nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc mệt mỏi.

  • Vận động thể dục, thể thao, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nhưng bạn cũng cần tránh vận động quá sức.

  • Hạn chế lạm dụng đi giày cao gót để tôn dáng. Mặc dù giày cao gót giúp phụ nữ ăn gian về chiều cao và đẹp hơn nhưng lại có tác động xấu đối với cơ chân. Thay vào đó chị em có thể giảm tần suất đi giày cao gót xuống, hoặc thay thế bằng cách đi những đôi giày đế bệt xinh xắn, hoặc đế cao nhưng có thiết kế giảm áp lực xuống phần đầu mũi chân, vừa không mất đi tính thẩm mỹ lại an toàn hơn trong việc di chuyển và bảo vệ sức khỏe của mình.

5.2. Vậy phải làm thế nào nếu tôi đã bị mắc suy giãn tĩnh mạch?

Căn cứ vào từng thể trạng và diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp và đem lại kết quả tích cực nhất cho bệnh nhân:

  • Điều trị bằng thuốc làm bền thành mạch: bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc như giảm đau, thuốc chống đông máu, hỗ trợ tĩnh mạch để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

  • Sử dụng vớ/băng ép tạo áp lực: Hai dụng cụ này có tác dụng trì hoãn sự lan rộng của bệnh bằng cách ép chặt vào cơ, khiến các van tĩnh mạch khép lại, máu không bị chảy ngược nữa.

  • Phương pháp phẫu thuật: thường kéo dài từ 5-10 phút, đây là thủ thuật được sử dụng đối với tình trạng tổn thương tại tĩnh mạch nông. Bác sĩ sẽ cắt bỏ những đoạn tĩnh mạch bị giãn.

  • Sử dụng Laser nội mạch: Mục đích cũng giống với phương pháp phẫu thuật là nhằm loại bỏ đi đoạn tĩnh mạch bị giãn, nhưng khác ở chỗ là đốt bằng laser. Thời gian thực hiện cũng lâu hơn: khoảng từ 30 - 40 phút.

  • Áp dụng kỹ thuật chích xơ: bác sĩ sẽ tiến hành tiêm vào tĩnh mạch một loại dung dịch gây viêm, đồng thời ép nén khiến máu không thể lưu thông vào tĩnh mạch bị giãn được nữa. Cuối cùng tĩnh mạch đó sẽ bị xơ hóa và mất khả năng hoạt động.

  • Nếu bệnh đã bước vào giai đoạn nặng như nhiễm trùng, viêm loét ở da thì bên cạnh sử dụng những biện pháp trên, bệnh nhân cần phối kết hợp điều trị tích cực, chăm sóc, vệ sinh vết loét và sử dụng kháng sinh để tránh bị bội nhiễm tại khu vực phát tác.

Dùng vớ băng chân giúp hạn chế suy giảm tĩnh mạch

Dùng vớ băng chân giúp hạn chế suy giảm tĩnh mạch

Trên đây là những thông tin hữu ích về chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nếu còn nhiều băn khoăn và các câu hỏi cần được giải đáp, bạn hãy gọi điện đến số 1900565656 - tổng đài tư vấn miễn phí của BVĐK MEDLATEC để tìm kiếm câu trả lời. Bệnh viện còn tạo điều kiện cho khách hàng đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để bạn có thể linh hoạt giờ giấc nhất có thể. Hãy đến khám ngay nếu bạn phát hiện ra những triệu chứng kể trên của suy giãn tĩnh mạch hay bất cứ dấu hiệu bệnh nào khác trước khi bệnh diễn biến nặng bạn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.