Tin tức

Gợi ý cách chữa bàn chân lạnh ngay tại nhà

Ngày 04/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Lạnh bàn chân là hiện tượng nhiều người gặp phải, nhất là vào mùa đông. Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này nên việc tìm ra nguyên nhân rất cần thiết để đẩy lùi bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số cách chữa bàn chân lạnh có thể khắc phục tại nhà để bạn tham khảo.

1. Nguyên nhân nào khiến bàn chân bị lạnh?

Trừ trường hợp bàn chân lạnh do tiếp xúc quá lâu với môi trường lạnh thì hiện tượng này có thể đến do những nguyên nhân khác như:

Khí huyết không lưu thông là một trong các nguyên nhân khiến bàn chân bị lạnh

Khí huyết không lưu thông là một trong các nguyên nhân khiến bàn chân bị lạnh

1.1. Khí huyết không lưu thông

Khí huyết không lưu thông, thành mạch co lại khi nhiệt độ ngoài trời thấp dễ làm tắc nghẽn mạch, máu không đủ nuôi dưỡng các tế bào, nhất là ở phần chân. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị lạnh bàn chân. Ngoài ra, trục trặc xảy ra trong hệ tuần hoàn cũng có thể làm máu không lưu thông tốt và chân bị lạnh.

1.2. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu

Chế độ ăn kiêng khắt khe, thiếu i - ốt, bị đói thường xuyên, dinh dưỡng không đảm bảo,... ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Thường xuyên để cơ thể rơi vào những tình trạng này sẽ bị thiếu sắt, thiếu máu, hồng cầu trong máu giảm nên chân tay lạnh, châm chích và tê buốt.

1.3. Suy giáp

Trong cơ thể con người, tuyến giáp là tuyến nhiệt chính nên nếu bị suy giáp cơ thể sẽ mệt mỏi, giảm sút trí nhớ, rụng tóc và dễ bị lạnh tay chân trong mùa đông.

1.4. Huyết áp thấp

Rất nhiều bị huyết áp thấp hay gặp phải tình trạng lạnh bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân của tình trạng này là do máu tập trung chủ yếu vào phần thân nên lưu lượng máu đến đầu ngón kém và chân, tay bị lạnh.

1.5. Bệnh về tim mạch

Những người mắc bệnh tim mạch trước sự thay đổi ở nhiệt độ môi trường bên ngoài, khả năng lưu thông máu đến chân tay có thể giảm sút. Vì thế họ dễ bị lạnh tay, lạnh bàn chân.

2. Hướng dẫn một số cách chữa bàn chân lạnh

2.1. Cách chữa bàn chân lạnh bằng bài thuốc Đông y

Các chuyên gia y học cổ truyền gọi tình trạng lạnh bàn chân là chứng chỉ quyết. Cách chữa bàn chân lạnh theo Đông y vì thế được thực hiện theo các bài thuốc dưới đây:

- Bài thuốc số 1: Thập toàn đại bổ

Bài thuốc này gồm các dược liệu: bạch truật, nhân sâm, phục linh, đương quy, thục địa, hoàng kỳ, xuyên khung, càn khương, chích thảo, nhục quế,...

Cách thực hiện đơn giản là đem những dược liệu đó sắc uống sẽ giúp đại bổ khí huyết. Đây là bài thuốc phù hợp với người bị lạnh chân tay kèm theo bệnh huyết áp thấp, tiểu đường, bị ốm lâu ngày,...

Một số bài thuốc đông y có thể trở thành cách chữa bàn chân lạnh tại nhà

Một số bài thuốc đông y có thể trở thành cách chữa bàn chân lạnh tại nhà

- Bài thuốc số 2: Tứ quân tử

Nếu bị tiêu lỏng lâu ngày, ăn uống kém, da vàng, lạnh chân tay do tỳ vị khí hư thì có thể sử dụng bài thuốc này với các dược liệu gia giảm gồm: cam thảo, phục linh, bạch truật, nhân sâm, càn khương.

Áp dụng cách chữa bàn chân lạnh với các dược liệu trên bằng cách tán thành bột hoặc để nguyên dược liệu sắc uống. Tác dụng mà bài thuốc này mang lại là dưỡng vị, kiện tỳ, ích khí,... rất tốt cho những ai bị lạnh chân tay kèm theo tỳ vị dương khí yếu.

2.2. Cách chữa bàn chân lạnh bằng thảo dược dân gian

Dân gian ta từ xưa cũng lưu truyền khá nhiều cách chữa bàn chân lạnh bằng những thảo dược dễ kiếm, có sẵn trong nhà, điển hình như:

- Ngải cứu chữa bàn chân lạnh

Lấy 30 - 50g ngải cứu tươi rửa sạch, đặt một nồi nước lên bếp cho sôi rồi cho ngải cứu vào nấu thêm 10 phút nữa sau đó pha thêm nước để nhiệt độ hạ xuống còn 40 độ C thì cho thêm nắm muối nhỏ vào khuấy đều, đợi hạ nhiệt rồi sau đó đem ngâm chân 15 - 20 phút.

Đây là cách chữa bàn chân lạnh có tác dụng trừ hàn lạnh và tăng dương khí nên vừa chữa tay chân lạnh vừa hỗ trợ chữa bệnh đường hô hấp tương đối hiệu quả.

- Gừng tươi chữa bàn chân lạnh

Lấy 20 - 30g củ gừng tươi đập dập và đun sôi với 1.5 lít nước. Lưu ý cần đậy nắp kín trong khoảng thời gian này để các khí ấm từ củ gừng không bị bay hơi. Sau đó thêm chút muối và pha thêm nước lạnh cho đến khi nhiệt độ chỉ còn khoảng 40 độ C thì cho chân vào ngâm đến khi nước không còn ấm nữa là dừng.

Tốt nhất nên thực hiện cách này đều đặn hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ để lưu thông máu được cải thiện nhờ đó mà chữa bàn chân lạnh hiệu quả.

Củ gừng ngâm chân giúp lưu thông máu tốt, chữa bàn chân lạnh hiệu quả

Củ gừng ngâm chân giúp lưu thông máu tốt, chữa bàn chân lạnh hiệu quả

2.3. Cách chữa bàn chân lạnh bằng thủy liệu pháp

Thủy liệu pháp là biện pháp dùng nước ở bất kỳ dạng nào để điều trị các bệnh lý khác nhau. Nếu dùng nước lạnh hay nước ấm để ngâm chân thì đều sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hệ thần kinh cơ và hệ tim mạch. Ngâm nước ấm thúc đẩy lưu lượng máu còn ngâm nước lạnh giúp giảm đau.

Cách chữa bàn chân lạnh bằng thủy liệu pháp đơn giản là lấy một chậu nước nóng và một chậu nước lạnh để ngâm chân luân phiên, mỗi chậu khoảng 10 - 15 phút sau đó lau khô chân rồi đi tất vào. Làm như vậy 1 lần/ngày.

3. Hướng dẫn phòng ngừa triệu chứng bàn chân lạnh

Hầu hết các trường hợp bị lạnh bàn chân là do rối loạn lưu thông máu nên để phòng ngừa hiện tượng này bạn nên:

- Mặc quần áo phù hợp với thời tiết và luôn giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ xuống thấp.

- Tránh mặc quần áo bó sát vì điều này khiến cho việc lưu thông máu bị kém đi.

- Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe hệ tim mạch và lưu thông máu.

- Massage chân tay trong những ngày thời tiết hạ nhiệt để thư giãn, giãn cơ và kích thích lưu thông máu.

Những cách chữa bàn chân lạnh trên đây chỉ có tính chất tham khảo, chủ yếu phù hợp với các trường hợp bị lạnh chân do yếu tố thời tiết hay lưu thông máu. Có những nguyên nhân bệnh lý gây nên hiện tượng này mà bạn không thể chủ quan nên khi bị lạnh chân cần theo dõi sức khỏe xem có bất thường nào đi kèm hay không để đến gặp bác sĩ thăm khám, có biện pháp xử trí kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.