Tin tức

Hệ lụy khôn lường khi dùng thuốc ngủ sai cách

Ngày 03/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tình trạng mất ngủ xảy ra ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì để có được giấc ngủ ngon mà nhiều người đã tìm đến các loại thuốc ngủ như một biện pháp tạm thời. Nhưng ít ai biết rằng nếu tùy ý sử dụng thuốc ngủ mà không có sự tư vấn và giám sát y khoa tại bác sĩ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, thậm chí là đe dọa cả tính mạng của người sử dụng.

1. Khi nào thì nên sử dụng thuốc ngủ?

Thuốc ngủ là những loại thuốc có tác dụng dùng để hỗ trợ giấc ngủ. Các loại thuốc ngủ đều có chung một cơ chế hoạt động đó là tác động lên hệ thần kinh trung ương và não bộ, qua đó kích thích giải phóng hormone khiến bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn, từ đó cải thiện được tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Đôi khi thuốc ngủ còn là các thuốc an thần có khả năng tác động đến não bộ để bộ não được thư giãn, hoạt động chậm lại và có cảm giác buồn ngủ nhanh chóng hơn.

Dưới đây là những đối tượng thích hợp cho việc sử dụng thuốc ngủ:

  • Người bị rối loạn đồng hồ sinh học khiến chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ bị xáo trộn;

  • Những người bị mệt mỏi, stress lâu ngày, hay gặp vấn đề về thần kinh gây khó ngủ, dễ bị tỉnh giấc giữa chừng, ngủ không sâu giấc;

  • Người khó ngủ, mất ngủ kinh niên;

  • Người đang bị trầm cảm, tâm trạng dễ bị kích động hoặc thường xuyên lo âu;

  • Người hay bị uể oải, đau nhức cơ thể, mệt mỏi sau khi thức dậy.

Người hay mất ngủ sẽ cần đến sự trợ giúp của thuốc ngủ

Người hay mất ngủ sẽ cần đến sự trợ giúp của thuốc ngủ

2. Khi sử dụng thuốc ngủ cần lưu ý điều gì?

2.1. Một số tác dụng phụ do thuốc ngủ gây ra

Khu dùng thuốc ngủ không đúng mục đích, liều lượng có thể dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ như:

  • Đau đầu, chóng mặt, dễ té ngã;

  • Nghiện thuốc ngủ và phụ thuộc vào loại thuốc này, nếu không dùng thì không ngủ được;

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc hàng ngày do hay cảm thấy buồn ngủ, ngủ gật;

  • Gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày,...;

  • Mất trí nhớ hoặc hoạt động trong vô thức.

Những tác dụng phụ nêu trên càng nặng hơn nếu bệnh nhân là người lớn tuổi, người mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc nghiện rượu bia lâu năm.

2.2. Một số lưu ý trong năm quá trình dùng thuốc ngủ

Thăm khám và tuân theo hướng dẫn dùng thuốc từ bác sĩ:

Không chỉ riêng gì với thuốc ngủ mà trước khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cũng nên đi khám để biết được nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ mà mình đang gặp phải, từ đó bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.

Kiểm tra và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi dùng thuốc:

Khi mua thuốc ngủ bạn hãy cẩn thận kiểm tra bao bì, nhãn mác, tên loại thuốc và hạn sử dụng. Tuyệt đối không dùng những thuốc quá hạn sử dụng và đang có dấu hiệu hư hỏng, hoặc sai tên so với loại bác sĩ kê đơn.

Trong mỗi hộp thuốc đều được cung cấp tờ giấy hướng dẫn sử dụng. Do vậy trước khi dùng thuốc bạn hãy nghiên cứu kỹ tờ hướng dẫn này để nắm được cách dùng, thời gian và tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc.

Trong quá trình sử dụng nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hoặc gặp phải tác dụng phụ không mong muốn, hãy thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc ngủ là những loại thuốc có tác dụng dùng để hỗ trợ giấc ngủ

Thuốc ngủ là những loại thuốc có tác dụng dùng để hỗ trợ giấc ngủ

Liều lượng dùng thuốc:

Thuốc ngủ không phải là một phương pháp điều trị bệnh mạn tính và nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tác dụng phụ. Do đó cho dù trong trường hợp nào thì bác sĩ cũng chỉ kê thuốc ngủ cho bệnh nhân sử dụng trong thời gian ngắn.

Vì vậy bạn không được uống quá liều thuốc ngủ mà hãy tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ cũng như hướng dẫn từ nhà sản xuất.

Thời gian dùng thuốc:

Bên cạnh tác dụng giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ, thuốc ngủ còn có thể khiến bạn thực hiện hành vi trong vô thức, không làm chủ được bản thân, dễ rơi vào tình thế nguy hiểm,... Do đó không được dùng thuốc ngủ ngoài thời gian đi ngủ. Tốt nhất hãy dùng thuốc khi đã hoàn thành mọi công việc và sử dụng khi ở nhà, trước khi đi ngủ.

Không dùng bia rượu trong quá trình uống thuốc ngủ:

Rượu khi kết hợp với các thành phần của thuốc ngủ có thể khiến bạn phải đối mặt với tình trạng chóng mặt, nhận thức lẫn lộn, rối loạn nhịp thở, ngất xỉu. Ngoài ra việc dùng đồ uống có cồn chung với thuốc ngủ còn có thể làm gián đoạn giấc ngủ và giảm tác dụng của thuốc.

Theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc ngủ:

Trong trường hợp bạn có cảm giác buồn ngủ, chóng mặt vào ban ngày và xuất hiện các triệu khác như đã đề cập phía trên, bạn nên thông báo lại cho bác sĩ để xem xét việc điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác phù hợp hơn.

Lưu ý sau khi ngừng sử dụng thuốc:

Khi xác định đã sẵn sàng cho việc ngừng sử dụng thuốc ngủ, bạn hãy xin ý kiến chỉ định từ bác sĩ. Có một số loại thuốc bạn phải cắt giảm liều và ngừng dùng dần dần chứ không được ngừng sử dụng ngay. Đôi khi cũng có những trường hợp sau khi ngưng dùng thuốc vài ngày thì gặp phải hiện tượng mất ngủ hồi phát ngắn hạn.

Bên cạnh việc dùng thuốc để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho khoa học và hợp lý hơn.

Trên thực tế nếu bạn đã cố gắng thay đổi thói quen sống nhưng không giúp bạn điều trị được chứng mất ngủ thì khi ấy mới tính đến trường hợp sử dụng thuốc. Để đảm bảo việc dùng thuốc đem lại hiệu quả và an toàn, bạn nên đi thăm khám và dùng thuốc ngủ theo chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ.

Lạm dụng thuốc ngủ có thể khiến bạn bị phụ thuộc vào thuốc

Lạm dụng thuốc ngủ có thể khiến bạn bị phụ thuộc vào thuốc

Mong rằng những thông tin về thuốc ngủ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này. Tương tự như bất kỳ loại thuốc nào khác, thuốc ngủ cũng đem lại những ích lợi nhất định đối với sức khỏe người bệnh nhưng nếu bạn có ý định dùng thuốc ngủ thì hãy lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia y tế.

Để biết thêm các kiến thức y khoa bổ ích khác, hoặc cần được tư vấn chi tiết hơn về thuốc ngủ, quý bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.

Từ khoá: mất ngủ

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.