Tin tức
Hội chứng Tennis Elbow là gì? Cách thức nhận diện và điều trị?
- 13/05/2022 | Hội chứng Tennis Elbow có thể điều trị được hay không?
- 24/03/2023 | Bệnh giãn dây chằng khuỷu tay: nhận diện và xử trí
- 13/01/2023 | Hội chứng khuỷu tay golfer: Triệu chứng và cách điều trị
1. Tennis Elbow là hội chứng gì?
Hội chứng Tennis Elbow là tình trạng viêm hoặc thoái hóa xảy ra ở các gân vùng lồi cầu ngoài khuỷu tay - nơi các gân cơ cẳng tay bám vào. Đây là nhóm gân có vai trò điều khiển cử động duỗi cổ tay và ngón tay. Tình trạng này gây đau khu trú ở phía ngoài khuỷu tay và có thể lan dọc theo cẳng tay.
Hình ảnh mô tả tổn thương trong hội chứng Tennis Elbow
2. Nguyên nhân gây nên và triệu chứng gặp phải ở người mắc hội chứng Tennis Elbow
2.1. Tại sao bị hội chứng Tennis Elbow?
Nguyên nhân chính khiến một người bị mắc hội chứng Tennis Elbow là:
- Thường xuyên có hoạt động lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay và cẳng tay.
- Làm việc nặng tay, nâng đồ vật sai tư thế.
- Vận động sai kỹ thuật, nhất là trong thể thao.
- Tính chất công việc đặc thù có hoạt động tay trong thời gian dài: thợ sơn, thợ mộc, nhân viên văn phòng dùng chuột máy tính thường xuyên, đầu bếp, thợ cắt tóc,…
2.2. Dấu hiệu gặp phải ở người bị hội chứng Tennis Elbow
Các dấu hiệu của hội chứng Tennis Elbow thường xuất hiện từ từ và có chiều hướng tăng lên về mức độ ảnh hưởng theo thời gian:
- Đau nhức ở mặt ngoài của khuỷu tay, có thể đau lan xuống cẳng tay hoặc cổ tay.
- Cảm giác yếu ở tay, khó nắm hoặc nâng vật.
- Đau tăng lên khi thực hiện các cử động như bắt tay, xoay vặn nắm cửa, nâng ly nước.
- Căng cơ vùng cẳng tay khi cầm nắm kéo dài.
Hội chứng Tennis Elbow dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở khớp khuỷu như: viêm khớp khuỷu tay, hội chứng ống cổ tay, tổn thương dây chằng hoặc thần kinh,... Vì thế người bệnh cần được thăm khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán đúng.
3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng Tennis Elbow bằng cách nào?
3.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán hội chứng Tennis Elbow, người bệnh sẽ trải qua quá trình:
- Khám lâm sàng:
Bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí đau ở mặt ngoài khuỷu tay, yêu cầu người bệnh thực hiện các cử động duỗi cổ tay, nâng vật để kiểm tra mức độ đau.
- Chẩn đoán cận lâm sàng:
- Chụp X-quang: loại trừ tình trạng gãy xương, viêm khớp.
- Siêu âm gân: kiểm tra viêm hoặc rách gân.
- Chụp MRI: xác định vùng gân bị ảnh hưởng.
Bệnh nhân được bác sĩ khám lâm sàng khi nghi ngờ hội chứng Tennis Elbow
3.2. Điều trị
Phương pháp điều trị hội chứng Tennis Elbow sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ đau, thời gian mắc bệnh của bệnh nhân:
3.2.1. Điều trị không dùng thuốc
Đây là lựa chọn đầu tiên và áp dụng cho hầu hết bệnh nhân trong giai đoạn sớm. Người bệnh sẽ cần:
- Nghỉ ngơi hợp lý:
Người bệnh cần ngừng hoặc giảm các hoạt động khiến cơn đau trầm trọng hơn, đặc biệt là hoạt động:
- Cử động xoay cổ tay, nâng vật nặng.
- Các thao tác dùng lực mạnh như cầm, nắm, vặn,..
Nghỉ ngơi không có nghĩa là bất động hoàn toàn, mà người bệnh vẫn cần duy trì các hoạt động nhẹ nhàng để tránh teo cơ.
- Chườm lạnh:
Người bệnh dùng túi chườm lạnh hoặc lấy khăn mỏng bọc đá viên vào bên trong và chườm lên khuỷu tay 15 - 20 phút/lần, 3 - 4 lần/ngày. Việc làm này giúp giảm viêm, làm dịu vùng bị tổn thương.
- Đeo nẹp cẳng tay:
Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ sử dụng nẹp chuyên dụng để giảm áp lực lên gân cơ bị tổn thương. Người bệnh cần đeo nẹp khi làm việc hoặc vận động để bảo vệ vùng khuỷu tay.
- Vật lý trị liệu:
Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập:
- Kéo giãn giúp cải thiện độ linh hoạt của gân, tăng cường chức năng vận động khuỷu tay.
- Tăng cường sức mạnh nhóm cơ duỗi cổ tay.
- Liệu pháp sóng âm xung kích:
Đây là phương pháp sử dụng sóng âm thanh với tần số phù hợp để phá vỡ mô sẹo, tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương để giảm đau, thúc đẩy cải thiện triệu chứng bệnh.
3.2.2. Điều trị bằng thuốc
Nếu các phương pháp không dùng thuốc mang lại hiệu quả kém, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như:
- Thuốc giảm đau, kháng viêm (NSAIDs) có tác dụng kiểm soát cơn đau trong giai đoạn cấp tính.
- Thuốc bôi NSAIDs để giảm viêm tại chỗ.
- Tiêm corticosteroid đối với trường hợp đau kéo dài, không đáp ứng với điều trị thông thường.
3.2.3. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng chính huyết tương giàu tiểu cầu của bệnh nhân để tiêm vào vùng bị viêm. Các yếu tố tăng trưởng trong tiểu cầu có tác dụng kích thích tái tạo mô và làm lành tổn thương. Điều trị hội chứng Tennis Elbow bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được thực hiện với bệnh nhân bị đau mạn tính.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu điều trị hội chứng Tennis Elbow
3.2.4. Phẫu thuật
Khi người bệnh đã điều trị bảo tồn trên 6 - 12 tháng mà không cải thiện, cơn đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật nhằm:
- Loại bỏ mô gân bị tổn thương, làm sạch khu vực viêm nhiễm.
- Kích thích gân khỏe mạnh trở lại.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện vật lý trị liệu để khôi phục chức năng cơ - gân.
4. Mức độ ảnh hưởng của hội chứng Tennis Elbow đối với bệnh nhân
Tuy không phải là bệnh lý nguy hại đến sức sống nhưng hội chứng Tennis Elbow nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ biến chứng:
- Gây đau mạn tính, giảm vận động trong sinh hoạt hằng ngày.
- Giảm khả năng cầm nắm, làm việc.
- Dẫn đến các biến chứng như viêm gân mãn, xơ hóa, thoái hóa gân,...
Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ hội chứng Tennis Elbow như: đau khuỷu tay trên 1 tuần không giảm, tay không thể xoay hay cầm nắm đồ vật, sưng đỏ khuỷu tay,... quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ giúp người bệnh chẩn đoán đúng bệnh và có định hướng điều trị hiệu quả.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
