Tin tức
Hồng cầu là gì và những thông tin Y khoa hữu ích
- 16/06/2024 | Giải thích về lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu trong xét nghiệm máu
- 01/08/2023 | Chỉ số hồng cầu bình thường và bất thường là bao nhiêu?
- 17/09/2024 | Truyền hồng cầu khối: Những điều cần biết trước và sau khi thực hiện
1. Hồng cầu là gì?
Trong máu có hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong đó, hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, từ 40 - 45% thể tích máu. Vậy cụ thể hồng cầu là gì? Đây chính là các tế bào chứa huyết sắc tố (protein hemoglobin) được sản xuất liên tục trong tủy xương. Tuy nhiên, việc sản xuất này lại được kiểm soát bởi hormone erythropoietin trong thận.
Đối với người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì mỗi một giây sẽ có 2 - 3 triệu tế bào hồng cầu được sản xuất, tức là có tới 200 tỷ tế bào hồng cầu mới mỗi ngày. Tuy nhiên, các tế bào mới này không được giải phóng vào máu ngay mà phải đợi đến 7 ngày sau thì mới trưởng thành và “đủ điều kiện” vào trong máu.
Tuổi thọ của hồng cầu khá ngắn, chỉ có 120 ngày. Sau thời gian này thì các tế bào hồng cầu sẽ già đi, suy yếu chức năng và bị phân hủy tại lách. Đây cũng chính là lý do tủy xương liên tục sản xuất hồng cầu mới để thay thế cho hồng cầu cũ bị già và phá hủy.
Hồng cầu là tế bào máu do tủy xương sản xuất
2. Số lượng hồng cầu trong máu bao nhiêu?
Ngoài thắc mắc hồng cầu là gì thì rất nhiều người cũng quan tâm đến số lượng hồng cầu trong máu. Dưới đây là chỉ số hồng cầu trung bình cho thấy tình trạng máu và sức khỏe tốt.
- Nam giới: 4,2 - 6,0 T/L.
- Nữ giới: 3,8 - 5,5 T/L.
- Trẻ sơ sinh: 4,5 - 6,0 T/L.
Lưu ý: Khoảng tham chiếu còn có thể thay đổi theo độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai, máy chạy xét nghiệm. Khoảng tham chiếu chính xác tại thời điểm làm xét nghiệm sẽ được thể hiện ở cạnh kết quả xét nghiệm.
Các yếu tố quyết định số lượng hồng cầu trong máu là rất nhiều, bao gồm:
- Giới tính: Nam giới có chỉ số hồng cầu cao hơn nữ giới.
- Độ tuổi: Trẻ sơ sinh có chỉ số hồng cầu cao hơn người lớn. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài lâu, khi trẻ được vài tháng tuổi thì chỉ số hồng cầu sẽ giảm dần về ngưỡng trung bình như người lớn.
- Khu vực sống: Thống kê cho thấy người sống ở khu vực miền núi, cao nguyên có chỉ số hồng cầu cao hơn người sống ở trung du, đồng bằng.
- Ngoài ra, chỉ số hồng cầu tăng hay giảm, cao hay thấp còn do các nguyên nhân khác như mang thai, bệnh lý, thói quen sinh hoạt,…
Số lượng hồng cầu trong máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố
3. Chức năng của hồng cầu
Không chỉ đảm nhận số lượng nhiều nhất trong máu, hồng cầu còn nắm giữ vai trò quan trọng trong cơ thể. Theo đó, chức năng chính của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và tế bào, đồng thời, đưa carbonic từ các mô và tế bào về phổi để thải ra ngoài. Ngoài chức năng chính này thì kết quả xét nghiệm chỉ số hồng cầu còn phản ánh được tình trạng máu nói riêng và sức khỏe nói chung.
Số lượng hồng cầu thấp
Số lượng hồng cầu thấp thường phản ánh tình trạng thiếu máu. Cụ thể, cơ thể sản sinh hồng cầu không đủ, hồng cầu bị phân hủy quá nhanh, ít tế bào hồng cầu khỏe mạnh, tình trạng mất máu… sẽ gây ra tình trạng này. Khi bị thiếu máu, người bệnh sẽ có triệu chứng da xanh xao, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, khó tập trung, giảm trí nhớ,…
Ngoài thiếu máu, chỉ số hồng cầu thấp có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như: Rối loạn chức năng tuyến giáp, bệnh tan máu, ung thư máu, xuất huyết tiêu hóa,… Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai, người đang hóa trị ung thư, người bị mất máu do chấn thương, tai nạn cũng có thể bị giảm chỉ số hồng cầu.
Số lượng hồng cầu thấp khiến người bệnh đau đầu, chóng mặt, khó ngủ
Số lượng hồng cầu cao
So với tình trạng chỉ số hồng cầu thấp thì chỉ số hồng cao là ít gặp hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ càng hơn để tìm kiếm đâu là nguyên nhân làm số lượng hồng cầu tăng. Thường thì hồng cầu tăng chủ yếu là do các bệnh sau.
- Bệnh đa hồng cầu.
- Bệnh tim bẩm sinh hoặc suy tim.
- Bệnh phổi như xơ phổi, COPD, khí phế thũng,…
- Bệnh thận như u thận, ung thư thận.
- Cơ thể bị mất nước do đổ mồ hôi, tiêu chảy, nôn mửa.
- Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.
4. Biện pháp giúp hồng cầu khỏe mạnh và ổn định
Biết được hồng cầu là gì và có chức năng quan trọng trong cơ thể sẽ giúp bạn chủ động trong việc thực hiện các biện pháp giúp hồng cầu khỏe mạnh và ổn định.
Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng
Việc này là rất quan trọng nếu như kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số hồng cầu thấp và bạn có nguy cơ thiếu máu. Lúc này, cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, axit folic như thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, cá, gan, sữa, đậu, rau xanh đậm và các loại trái cây như chuối, bưởi, lựu, dưa gang, dưa lưới,… là cần thiết.
Lưu ý là nếu có ý định dùng viên uống hay thực phẩm chức năng để bổ sung sắt, vitamin B12, axit folic cho cơ thể thì bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước, đặc biệt là khi bạn đang mang thai hoặc trong giai đoạn điều ung thư.
Chế độ dinh dưỡng góp phần cải thiện số lượng và chất lượng hồng cầu
Thói quen sinh hoạt lành mạnh
Nếu chỉ số hồng cầu trong máu tăng cao do thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích thì bạn cần loại bỏ ngay các thói quen có hại này. Song song đó, tăng cường tập dục thể thao để cải thiện khả năng tuần hoàn máu và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ mang đến nhiều lợi ích, không chỉ giúp bạn xác định được chỉ số hồng cầu trong máu như thế nào để điều chỉnh cho phù hợp mà còn nắm bắt được tình hình sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, nếu cơ thể có bất thường thì cũng phát hiện kịp thời để điều trị, tránh được các biến chứng.
Hy vọng nội dung bài viết trên đây giúp bạn biết được hồng cầu là gì, có chức năng nào và các biện pháp giúp hồng cầu khỏe mạnh, ổn định. Để được tư vấn chuyên sâu, bạn có thể gặp gỡ bác sĩ Chuyên khoa Huyết học của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Ngoài ra, quý khách cũng có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC khi có nhu cầu làm xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm kiểm tra, đánh giá sức khỏe khác. Quý khách hãy gọi đến 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm và đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!