Tin tức

Truyền hồng cầu khối: Những điều cần biết trước và sau khi thực hiện

Ngày 18/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Truyền hồng cầu khối là một trong những cách bổ sung cho bệnh nhân bị mất máu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa bởi tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng sức khỏe.

1. Hồng cầu khối là gì?

Hồng cầu khối là một chế phẩm máu chứa hồng cầu đã được tách bớt phần huyết tương qua phương pháp ly tâm, chỉ giữ lại phần tế bào hồng cầu. Chế phẩm này được sử dụng để tăng cường khả năng vận chuyển oxy của máu mà không cần phải tăng khối lượng tuần hoàn quá mức.

Hồng cầu khối được truyền vào cơ thể qua tĩnh mạch của bệnh nhân

Hồng cầu khối được truyền vào cơ thể qua tĩnh mạch của bệnh nhân

Khi bệnh nhân cần truyền máu thì sẽ được truyền tĩnh mạch. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp, nhịp tim, phản ứng của cơ thể,… nhằm đảm bảo không có vấn đề bất thường nào xảy ra.

2. Những trường hợp cần truyền hồng cầu khối

Tùy theo từng trường hợp bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu toàn phần hay chế phẩm của máu. Thông thường, với những bệnh nhân cần tăng nồng độ hemoglobin để tăng cường lượng oxy vận chuyển đến các cơ quan, bác sĩ sẽ chỉ định truyền hồng cầu khối. Những trường hợp cần truyền chế phẩm hồng cầu khối là: 

Bệnh lý 

Những trường hợp mắc các bệnh như ung thư, bệnh về máu, bệnh tủy xương, bệnh tim mạch, viêm mạn tính,… thường dẫn đến thiếu máu mạn tính. Khi đó, các cơ quan trong cơ thể sẽ không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Việc truyền hồng cầu khối sẽ giúp giải quyết vấn đề này mà không làm tăng khối lượng dịch trong cơ thể.

Ngoài ra, trẻ em hoặc người lớn tuổi bị thiếu máu mạn tính nhưng không thể điều trị bằng các cách sử dụng hóa chất tạo máu hay bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa cũng có thể được chỉ định truyền chế phẩm hồng cầu khối. 

Hồng cầu khối thường được chỉ định với mục đích tăng nồng độ Hb trong máu

Hồng cầu khối thường được chỉ định với mục đích tăng nồng độ Hb trong máu

Thiếu máu cấp tính 

Những trường hợp thiếu máu cấp tính thường xảy ra khi bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn, cấp cứu sản khoa hoặc người vừa trải qua đại phẫu thuật khiến cơ thể mất một lượng máu lớn. Khi đó, hồng cầu khối được chỉ định truyền cho bệnh nhân để tăng lượng oxy nhanh chóng và bù đắp kịp thời thể tích tuần hoàn bị mất. 

Với những trường hợp cấp cứu người bệnh mất máu quá nghiêm trọng nhưng chưa kịp làm xét nghiệm xác định nhóm máu, bác sĩ có thể chỉ định truyền hồng cầu khối nhóm máu O hoặc hồng cầu khối cùng nhóm.

3. Những điều cần biết trước và sau khi truyền hồng cầu khối

Mặc dù truyền hồng cầu khối là phương pháp giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân bị thiếu máu hay mất máu. Tuy nhiên, không phải ai cũng được chỉ định truyền chế phẩm này của máu vì đôi khi sẽ gây ra những phản ứng ảnh hưởng sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý trước và sau khi hồng cầu khối được truyền vào cơ thể mà bạn nên biết. 

Trước khi truyền 

Trước khi tiến hành truyền chế phẩm hồng cầu khối cần lưu ý: 

  • Xét nghiệm máu: Trước khi truyền, bệnh nhân cần được xét nghiệm nhóm máu và kiểm tra kháng thể để đảm bảo hồng cầu khối được truyền tương thích.
  • Chuẩn bị tâm lý: Bệnh nhân cần được giải thích về quá trình truyền máu, các lợi ích, và rủi ro có thể gặp phải.
  • Theo dõi sức khỏe: Đảm bảo bệnh nhân không có các vấn đề về sức khỏe khác như nhiễm trùng, suy tim hoặc dị ứng có thể ảnh hưởng đến quá trình truyền máu.

Người bệnh cần xét nghiệm xác định nhóm máu trước khi truyền chế phẩm máu

Người bệnh cần xét nghiệm xác định nhóm máu trước khi truyền chế phẩm máu

Sau khi truyền

Sau khi hồng cầu khối đã được truyền vào cơ thể, bệnh nhân cần:

  • Theo dõi tình trạng sức khỏe: Bệnh nhân cần được theo dõi sát sao sau khi truyền hồng cầu khối bao gồm kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn như mạch đập, nhịp tim, huyết áp,… Ngoài ra, người bệnh cũng cần theo dõi xem cơ thể có xuất hiện những triệu chứng như sốt, ớn lạnh, tức ngực, khó thở hoặc phản ứng dị ứng hay không. 
  • Xét nghiệm lại: Sau khi truyền chế phẩm của máu, bệnh nhân có thể cần thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra hiệu quả và xác định có cần phải tiếp tục truyền thêm hay không. 
  • Chăm sóc sức khỏe: Bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra 

Các trường hợp cần truyền máu toàn phần hay chế phẩm của máu đều phải được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và được theo dõi chặt chẽ trong quá trình thực hiện. 

Nếu quy trình truyền máu xảy ra một sai sót nhỏ nào cũng có thể để lại biến chứng nguy hiểm thậm chí là đe dọa tính mạng của người bệnh. Những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với bệnh nhân khi được truyền chế phẩm hồng cầu khối bao gồm:

  • Phản ứng sớm: Nhiễm khuẩn, phản ứng dị ứng, nổi mề đay, rét run, bồn chồn, đau đầu, mất tri giác, buồn nôn, chảy máu đột ngột, tổn thương phổi cấp, sốt không do tan máu, tan máu cấp tính, hạ thân nhiệt hoặc sốc phản vệ,… Những phản ứng này có thể xảy ra trong vòng 24h sau khi truyền. 
  • Phản ứng muộn: Các phản ứng muộn có thể xảy ra sau 24h như bệnh ghép chống chủ do truyền máu, lây nhiễm một số bệnh do truyền máu như viêm gan B, C, HIV, sốt rét,… 

Ngoài ra, nếu bệnh nhân được truyền một lượng lớn hồng cầu khối có thể dẫn đến nhiễm độc citrat, rối loạn huyết động, nhiễm sắt,… 

Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong và sau quá trình truyền hồng cầu khối

Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong và sau quá trình truyền hồng cầu khối

Việc truyền hồng cầu khối là một chỉ định y tế quan trọng và cần được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hiện nay, phương pháp này được thực hiện tại nhiều bệnh viện hay cơ sở y tế. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn những địa chỉ uy tín có hệ thống y bác sĩ chuyên khoa trình độ cao, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại để thực hiện nhằm hạn chế tai biến có thể xảy ra. 

Nếu bạn đang gặp những vấn đề sức khỏe hoặc tìm hiểu theo về phương pháp truyền máu hay các chế phẩm của máu như hồng cầu khối, hồng cầu đông lạnh, hồng cầu rửa, máu dòng tiểu cầu, máu dòng huyết tương, máu khối bạch cầu,… hãy liên hệ ngay đến các đơn vị thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ