Tin tức
Hướng dẫn chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu đầy đủ và chi tiết
- 20/07/2020 | Kỹ thuật chụp CT hệ tiết niệu và những điều cần biết
- 23/03/2020 | Vai trò của siêu âm sỏi niệu quản trong chẩn đoán bệnh hệ tiết niệu
- 07/07/2020 | Phát hiện sớm sỏi thận nhờ chụp CT hệ tiết niệu
1. Chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu có quan trọng không?
Chụp cắt lớp vi tính (CT) thường được chỉ định cho bệnh nhân thăm khám hệ tiết niệu, có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý liên quan đến hệ cơ quan này bao gồm: thận, bàng quang, hai bên niệu quản, niệu đạo,... Kỹ thuật này sử dụng tia bức xạ X chiếu qua khu vực hệ tiết niệu và cho ra hình ảnh các lát cắt của ổ bụng.
Chụp cắt lớp vi tính là một trong những phương pháp chẩn đoán tốt nhất để đánh giá hệ tiết niệu
Hình ảnh chụp CT được chuyển đến máy vi tính và xử lý thành nhiều hình ảnh 2D chi tiết, thấy rõ các khu vực của hệ tiết niệu gồm: xương, mô mềm và mạch máu. Trong trường hợp cần thiết, các ảnh chụp cắt lớp vi tính 2D được xử lý tạo hình 3D giải phẫu chi tiết trong không gian, giúp đánh giá chính xác mức độ tổn thương và vị trí để can thiệp điều trị.
Cụ thể, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, định hướng điều trị ở các trường hợp sau:
- Người bệnh bị đau quặn thắt ở thận, nghi ngờ chấn thương thận, sỏi thận, u thận, viêm thận,…
- Nghi ngờ nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang, viêm nhiễm bể thận,…
- Chẩn đoán u tuyến tiền liệt hoặc u hệ tiết niệu.
- Đánh giá bệnh lý, dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu như thận đôi, thận móng ngựa,…
Chụp cắt lớp vi tính có thể thực hiện ở bệnh nhân cao tuổi
Phương pháp chụp cắt lớp vi tính có nhiều ưu điểm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu như: phương pháp không xâm lấn, cho hình ảnh giải phẫu chi tiết hệ tiết niệu cũng như các cơ quan khác trong ổ bụng.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính có thể quan sát qua ảnh chụp 3D thể hiện rõ các nhu mô, niệu quản, tiền liệt tuyến, bàng quang,… hoặc dựng hình 3D phục vụ cho chẩn đoán chuyên sâu và định hướng can thiệp điều trị.
Trong trường hợp cần quan sát rõ cấu trúc hệ tiết niệu, cần kiểm tra tổn thương mạch máu hoặc sự phát triển của khối u, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu sử dụng chất cản quang sẽ được chỉ định. Thuốc cản quang có thể gây phản ứng dị ứng với thuốc, gây tổn thương thận song rất hiếm gặp, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ dị ứng với thuốc cản quang trước khi cho người bệnh sử dụng.
2. Hướng dẫn chụp cắt lớp hệ tiết niệu
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bước chụp cắt lớp vi tính (CT) hệ tiết niệu với kỹ thuật viên như sau:
2.1. Chỉ định
Sau khi được chỉ định chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về các thông tin sau:
- Bệnh nhân nữ đang mang thai, nhất là 3 tháng thai đầu.
- Bệnh nhân mắc bệnh lý đang điều trị: bệnh tuyến giáp, tiểu đường, hen suyễn, cao huyết áp,…
- Bệnh nhân cài thiết bị kim loại (như máy trợ tim, máy bơm thuốc,…) trong cơ thể.
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang, nên thông báo về các nhóm thực phẩm, nước uống,… bạn bị dị ứng.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tư thế chụp cắt lớp phù hợp
2.2. Tiến hành chụp
Kỹ thuật viên và bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân các thủ tục chụp CT bao gồm:
- Cởi bỏ tất cả vật dụng cá nhân bằng kim loại: răng giả, trang sức, kính mắt,…
- Cởi bỏ quần áo, bạn có thể mặc áo choàng riêng của bệnh viện hoặc chỉ cởi bỏ 1 phần.
- Nhịn ăn và uống trong vài giờ (thời gian cụ thể sẽ được hướng dẫn khi bạn thực hiện kỹ thuật).
- Sử dụng thuốc cản quang.
- Chuẩn bị tư thế nằm: chụp CT hệ tiết niệu thường tư thế chụp khá đơn giản, bạn được hướng dẫn nằm ngửa, 2 tay đưa cao lên khỏi đầu, nhịn thở và giữ yên cơ thể trong thời gian chụp.
Theo chỉ định của bác sỹ, kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh thông số máy, thường cần chụp hệ tiết niệu trước và sau khi tiêm thuốc cản quang để đánh giá tổng quan hơn. Ảnh chụp sẽ được tổng hợp trên máy vi tính, xử lý và trả kết quả thường sau 30 phút. Các trường hợp khẩn cấp sẽ trả kết quả ngay sau khi chụp.
Kết quả chụp cắt lớp được xử lý trên máy vi tính
2.3. Theo dõi sau khi chụp
Bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu sử dụng chất cản quang cần ở lại để được theo dõi y tế khoảng 15 - 30 phút. Các trường hợp dị ứng hoặc có phản ứng sốc phản vệ sẽ được cấp cứu y tế kịp thời. Nhìn chung hầu hết bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu đều có thể quay trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường mà không gặp phải ảnh hưởng sức khỏe nguy hiểm nào.
3. Tại sao chụp cắt lớp hệ tiết niệu phải chụp nhiều lớp?
Kết quả chụp CT cần thực hiện nhiều lớp cắt với các khu vực và điều kiện khác nhau gồm:
Chụp CT hệ tiết niệu trước khi tiêm thuốc cản quang
Kết quả chụp này giúp đánh giá tổn thương hệ tiết niệu bước đầu để định hướng chụp cắt lớp sau tiêm thuốc cản quang hiệu quả hơn. Ngoài ra, kết quả chụp này cần sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương qua khả năng ngấm thuốc cản quang nhiều hay ít.
Chụp CT thì động mạch
Ảnh chụp này giúp đánh giá chính xác tình trạng chấn thương thận gây chảy máu khiến thuốc thoát ra khỏi lòng mạch, độ giàu mạch của tổn thương u,… Ngoài ra, chụp CT thì động mạch cũng giúp đánh giá động mạch thận.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân khi có kết quả chụp CT hệ niệu đạo
Chụp CT thì tĩnh mạch
Kỹ thuật chụp CT này cũng có ý nghĩa trong đánh giá tổn thương u thông qua khả năng thải thuốc nhanh hay chậm. Ngoài ra, chấn thương thận như dập, vỡ nhu mô cũng có thể quan sát được.
Chụp CT thì muộn
Lớp cắt hệ tiết niệu này giúp đánh giá hình thái niệu quản, đài bể thận và các bất thường bệnh lý đường dẫn niệu, khả năng bài xuất của thận.
Như vậy, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý mạch máu, tổn thương, viêm nhiễm hoặc khối u của các cơ quan trong hệ. Nếu cần tư vấn thêm về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!