Tin tức
Hướng dẫn nhận diện biểu hiện bệnh bạch hầu chi tiết nhất
- 11/05/2023 | Cách điều trị bệnh bạch hầu tại nhà
- 01/06/2023 | Bạch hầu là bệnh gì và cách phòng tránh
- 08/07/2024 | Tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết về bệnh bạch hầu
1. Bạch hầu là bệnh gì, lây nhiễm như thế nào?
Bệnh bạch hầu gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae với 3 typ Mitis, Gravis và Intermedius, là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Đặc biệt, vi khuẩn này có khả năng lây lan nhanh nên dễ dàng tạo dịch.
Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở nhiều vùng của cơ thể: mũi, hầu họng, thanh quản, tuyến hạnh nhân. Ngoài ra, tổn thương do vi khuẩn bạch hầu còn có thể xuất hiện trên niêm mạc và da, đặc biệt là vùng sinh dục và mắt.
Tác nhân gây bệnh - vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có thể lây truyền qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết niêm mạc mũi họng của người bệnh.
- Đường hô hấp khi người bình thường tiếp xúc với giọt bắn có trong không khí của người bệnh khi họ hắt hơi, ho,...
- Tiếp xúc gián tiếp với đồ vật dính dịch tiết mang mầm bệnh.
Hình ảnh chi tiết về vi khuẩn gây bệnh bạch hầu - Corynebacterium diphtheriae
2. Biểu hiện bệnh bạch hầu cần ghi nhớ
2.1. Biểu hiện bệnh bạch hầu phổ biến
Người bệnh thường bắt đầu có biểu hiện bệnh bạch hầu sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể 2 - 5 ngày. Sau khoảng thời gian này, một số người không có biểu hiện của bệnh bạch hầu nhưng số đông sẽ có các triệu chứng nhẹ dễ nhầm với cảm lạnh: ớn lạnh, sốt, sưng tuyến ở cổ, ho ông ổng, da tái và xanh, sưng họng, viêm họng, chảy nước miếng, nuốt đau,...
Một biểu hiện bệnh bạch hầu rất đặc trưng là sự hình thành giả mạc. Cần phân biệt để không nhầm lẫn giả mạc của bạch hầu với giả mạc mủ:
- Giả mạc bạch hầu:
+ Màu xám hoặc trắng ngà.
+ Dính chặt quanh tổ chức viêm.
+ Bị chảy máu khi bóc ra.
+ Không tan trong nước.
- Giả mạc mủ:
+ Xung huyết niêm mạc quanh giả mạc.
+ Tan trong nước.
Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh có thể xuất hiện thêm một số biểu hiện bệnh bạch hầu như: thị lực bất thường, nói lắp, khó nuốt, khó thở, vã mồ hôi, tim đập nhanh,...
2.2. Biểu hiện bệnh bạch hầu dựa trên vị trí gây bệnh
Ngoài ra, tùy vào vị trí mà vi khuẩn xâm nhập, biểu hiện bệnh bạch hầu cũng sẽ có sự khác nhau:
- Bệnh bạch hầu ở mũi trước
Người bệnh bị sổ mũi với dịch tiết mủ nhầy, có thể có lẫn máu, vách ngăn mũi có màng trắng. Vi khuẩn bạch hầu ở mũi trước thường ít khi thâm nhập vào máu nên bệnh thường diễn tiến nhẹ.
- Bệnh bạch hầu ở họng và amidan
Biểu hiện bệnh bạch hầu ở họng và amidan khởi phát là tình trạng chán ăn, đau họng, mệt mỏi, sốt nhẹ. Khoảng 2 - 3 ngày sau, người bệnh sẽ có lớp giả mạc dai, màu trắng xanh dính vào amidan hoặc phủ toàn bộ hầu họng.
Người bị bệnh bạch hầu cũng có thể sưng hạch cổ, sưng phù hàm dưới. Đặc biệt, người bị nhiễm độc nặng sẽ có biểu hiện: đờ đẫn, xanh tái, phờ phạc, mạch nhanh, hôn mê. Nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được điều trị khẩn cấp, sau 6 - 10 ngày có thể tử vong.
- Bệnh bạch hầu ở thanh quản
Đây là thể bạch hầu nguy hiểm, có tốc độ tiến triển nhanh nhất. Ban đầu, người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, sau đó giả mạc sẽ hình thành ở thanh quản hoặc hầu họng. Giả mạc này mở rộng phạm vi rất nhanh, khiến đường thở bị tắc nghẽn, suy hô hấp và gây tử vong.
Ngoài các vị trí phổ biến nêu trên, bệnh bạch hầu cũng có thể xuất hiện ở một số vùng khác của cơ thể nhưng thường tiến triển nhẹ.
Hình ảnh mô phỏng các biểu hiện bệnh bạch hầu
2.3. Tránh nhầm lẫn bệnh bạch hầu với một số bệnh khác
Cần tránh nhầm lẫn biểu hiện bệnh bạch hầu với một số bệnh có triệu chứng tương đồng như:
- Sốt nhiễm trùng.
- Áp xe hầu họng.
- Viêm amidan hốc mủ.
- Viêm họng có giả mạc.
- Viêm họng hạt.
- Viêm nắp thanh mạc.
3. Chẩn đoán bệnh bạch hầu như thế nào?
Về cơ bản, người bệnh rất khó nhận diện biểu hiện bệnh bạch hầu và chẩn đoán đúng bệnh. Vì thế, cách tốt nhất là khi có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định chính xác.
Mẫu bệnh phẩm được dùng để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán là dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại vùng viêm. Các phương pháp chẩn đoán bệnh bạch hầu phổ biến hiện nay gồm:
3.1. Nhuộm gram
- Phát hiện vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm.
- Xét nghiệm đánh giá sơ bộ về hình thể vi khuẩn, cho kết quả có độ tin cậy cao, có giá trị chẩn đoán xác định.
Hình ảnh mô tả phương pháp nuôi cấy giúp xác lập vi khuẩn gây bệnh bạch hầu
3.2. Nuôi cấy phân lập và định danh
- Cấy mẫu bệnh phẩm trong môi trường thạch máu có bổ sung Kali tellurite, ở điều kiện hiếu khí 37 độ C giúp kích thích vi khuẩn tăng sinh sau đó định danh phân lập vi khuẩn.
- Xét nghiệm giúp xác định chủng vi khuẩn gây bệnh.
Hệ thống Y tế MEDLATEC với Trung tâm Xét nghiệm tiêu chuẩn quốc tế và cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi là địa chỉ uy tín để khách hàng có thể yên tâm thăm khám, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh bạch hầu. Quý khách hàng có nhu cầu xét nghiệm bạch hầu có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn, hướng dẫn cách thức đặt lịch xét nghiệm nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!