Tin tức

Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện? Dấu hiệu cảnh báo không nên bỏ qua

Ngày 02/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, thường gặp vào mùa mưa và có thể diễn tiến nhanh chóng từ nhẹ sang nặng. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn khá nhiều người chủ quan, không biết khi nào cần nhập viện, dẫn đến biến chứng nặng hay thậm chí là tử vong. Vậy sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện? Cùng tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo không nên bỏ qua trong bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu chung về bệnh sốt xuất huyết 

sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt (muỗi vằn Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh phổ biến nhất). Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, khi điều kiện ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển. 

Về cơ chế lây truyền, sau khi bị muỗi mang virus đốt, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây ra loạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, dẫn đến giải phóng hàng loạt cytokine và gây rò rỉ huyết tương. Quá trình này có thể làm tổn thương thành mạch máu và giảm tiểu cầu, dẫn đến hiện tượng chảy máu và sốc nếu không được xử lý kịp thời, đúng cách. 

Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng từ nhẹ sang nặng với 3 giai đoạn chính, bao gồm: 

  • Giai đoạn sốt cao (1 - 3 ngày đầu): Người bệnh có triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi. 
  • Giai đoạn nguy hiểm (4 - 6 ngày tiếp theo): Dù người bệnh có thể đã ngừng sốt, nhưng đây là thời điểm dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết (dưới da, niêm mạc, nội tạng), thoát huyết tương gây tràn dịch, hạ huyết áp, sốc, suy tạng. Đây là giai đoạn quan trọng cần theo dõi sát và có kế hoạch chăm sóc ổn định. 
  • Giai đoạn hồi phục (sau ngày thứ 7): Tiểu cầu bắt đầu tăng trở lại, người bệnh ăn uống tốt hơn, đi tiểu nhiều hoặc có thể nổi mẩn đỏ hồi phục. 

Muỗi vằn Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết DengueMuỗi vằn Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

2. Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện? 

Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện? Thực tế, không phải tất cả trường hợp sốt xuất huyết đều cần nhập viện. Tuy nhiên, khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng

Người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ nếu xuất hiện một trong các triệu chứng như: 

  • Đau bụng nhiều và liên tục, đặc biệt là vùng hạ sườn phải. 
  • Nôn ói kéo dài, nôn ra dịch màu nâu sẫm hoặc lẫn máu tươi.
  • Chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, xuất huyết dưới da,…
  • Lừ đừ, mệt lả, chân tay lạnh, da nhợt hoặc tím tái.
  • Đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu (dấu hiệu cảnh báo suy thận). 
  • Khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh bất thường.

Giảm tiểu cầu nhanh chóng 

Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết. Trường hợp khi thực hiện xét nghiệm tiểu cầu, chỉ số giảm dưới 100.000/mm³, đặc biệt nếu giảm nhanh và xuất hiện triệu chứng xuất huyết, người bệnh nên nhập viện theo dõi sát. 

Thuộc nhóm đối tượng cao

Trẻ em dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh lý nền mạn tính (tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn đông máu,..) là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu. Do đó, ngay từ khi phát hiện bệnh, cần được đưa đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị, giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi mắc sốt xuất huyết nên nhập viện thăm khám và điều trị để phòng ngừa biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ Trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi mắc sốt xuất huyết nên nhập viện thăm khám và điều trị để phòng ngừa biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ 

3. Những trường hợp có thể theo dõi tại nhà

Như đã đề cập trước đó, không phải ai sốt xuất huyết cũng cần nhập viện. Với các trường hợp bệnh nhẹ, nếu được theo dõi chặt chẽ, người bệnh có thể điều trị tại nhà với điều kiện: 

  • Không có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng dữ dội, nôn nhiều, lừ đừ, xuất huyết bất thường hoặc tiểu ít.
  • Người bệnh tỉnh táo, ăn uống được, không nôn nhiều. 
  • Không bị xuất huyết bất thường (dưới da, niêm mạc, nội tạng). 
  • Được theo dõi sát sao bởi nhân viên y tế hoặc người chăm sóc có kiến thức cơ bản về sốt xuất huyết, biết nhận diện các dấu hiệu nguy hiểm và sẵn sàng đưa người bệnh đến cơ sở y tế khi cần thiết. 

Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế tối đa rủi ro không mong muốn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tốt nhất, người bệnh vẫn nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ đánh giá chi tiết về tình trạng, từ đó có kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả. 

4. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà đúng cách

Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà đúng cách mà bạn cần chú ý: 

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: Người chăm sóc cần chú ý theo dõi kỹ lưỡng nhiệt độ của người bệnh và ghi chú diễn biến bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến lượng nước tiểu, tình trạng cơ thể tỉnh táo hay mệt mỏi và màu sắc da niêm mạc. Đây là “tư liệu” giúp đánh giá khách quan tiến triển bệnh, từ đó có kế hoạch chăm sóc hợp lý, hiệu quả hơn. 
  • Bù nước và điện giải đúng cách: Uống nhiều nước (nước lọc, nước dừa, oresol, nước trái cây tươi,…). Tránh đồ uống có cồn, caffeine hoặc nhiều đường, vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. 
  • Sử dụng thuốc đúng chỉ định: Chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol đúng liều và tuyệt đối không tự ý mua, sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 
  • Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý: Nên ưu tiên ăn các loại đồ ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp. Đồng thời, cần tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi giúp hỗ trợ hoạt động miễn dịch hiệu quả, đẩy lùi virus. Về chế độ nghỉ ngơi, người bệnh cần được nghỉ hoàn toàn trong giai đoạn còn sốt hoặc mệt, tránh vận động nặng, di chuyển nhiều.
  • Tái khám đúng hẹn của bác sĩ để đánh giá tiến triển bệnh và có hướng xử trí kịp thời nếu phát hiện các bất thường liên quan. 

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và phục hồiChế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và phục hồi

Như vậy, bài viết trên đây đã giúp giải đáp chi tiết cho câu hỏi “sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện”. Việc nhận biết khi nào cần nhập viện là yếu tố then chốt giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng. Khi có các dấu hiệu như đau bụng dữ dội, chảy máu bất thường, lừ đừ hoặc nôn kéo dài, người bệnh cần nhập viện ngày để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Từ khoá: sốt xuất huyết

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ