Tin tức
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 27/10/2014 | Huyết khối – bệnh gây tử vong bị coi nhẹ!
- 18/12/2022 | Huyết khối tĩnh mạch não nguy hiểm như thế nào?
- 15/01/2025 | Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch nội sọ và cách điều trị bệnh
1. Tìm hiểu về huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là bệnh lý xảy ra khi các cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn các tĩnh mạch sâu ở chân, đặc biệt là vùng bắp chân, đùi và háng. Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện khi dòng máu chảy về tim bị cản trở do sự hình thành các cục máu đông bên trong lòng mạch. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như thành mạch bị tổn thương, máu đông quá mức hoặc lưu thông máu kém gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần dòng máu trong lòng tĩnh mạch.
Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra do 3 yếu tố: máu ứ đọng, đông máu quá mức và tổn thương thành mạch. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới bao gồm:
- Giảm lưu thông máu: Bất động kéo dài, gây mê, phẫu thuật, hoặc công việc ngồi lâu không vận động;
Giảm lưu thông máu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
- Tăng áp lực lên tĩnh mạch: Các trường hợp như mắc u, thai nghén, dị tật bẩm sinh cũng gây cản trở tuần hoàn máu;
- Chấn thương tĩnh mạch: Các yếu tố như chấn thương, phẫu thuật làm tổn thương mạch máu;
- Bệnh lý tăng độ nhớt máu: Một số bệnh lý có thể làm tăng độ nhớt của máu, khiến máu dễ dàng hình thành cục huyết khối hơn.
Khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, bệnh nhân có thể gặp phải một số các triệu chứng sau đây:
- Sưng bắp chân: Bắp chân sưng to hơn so với bên lành (thường >3cm là dấu hiệu cần lưu ý);
- Đau hoặc cảm giác nhạy cảm ở chân: Đau có thể xuất hiện khi di chuyển, đứng lâu hoặc khi chạm vào vùng bị ảnh hưởng và chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh;
- Cảm giác ấm ở khu vực bị sưng: Vùng chân bị sưng thường có cảm giác nóng hơn so với những vùng xung quanh;
- Đổi màu da: Da ở khu vực bị huyết khối có thể đỏ hoặc thay đổi màu sắc;
- Giãn tĩnh mạch nông: Các tĩnh mạch nông bị giãn nở, tạo thành các đường gân nổi lên trên da.
2. Biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sau:
Phát triển huyết khối tĩnh mạch
Dòng máu trong tĩnh mạch sâu có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn bởi cục máu đông đang phát triển, gây ra các triệu chứng như sưng, đau, nóng đỏ ở chân. Việc chậm trễ trong điều trị khiến huyết khối lan rộng, gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Mạch máu ở các khu vực khác trong cơ thể có thể bị tắc nghẽn bởi một phần của cục máu đông khi nó tách ra và di chuyển qua hệ tuần hoàn. Biến chứng này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, như tắc mạch phổi, ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng.
Thuyên tắc mạch phổi
Khi cục máu đông di chuyển lên phổi, nó có thể gây tắc nghẽn một hoặc nhiều động mạch phổi, ngăn cản dòng máu lên phổi và dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu, thậm chí gây tử vong.
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra biến chứng thuyên tắc mạch phổi
Hội chứng sau huyết khối
Là biến chứng mạn tính của DVT, hội chứng này xảy ra khi cục máu đông gây tổn thương van tĩnh mạch và cấu trúc tĩnh mạch. Người bệnh có thể vẫn bị sưng, đau, cảm giác nặng nề và thay đổi màu da ở chân mặc dù cục máu đông đã tan. Chất lượng cuộc sống có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bệnh tiến triển nặng và gây ra loét tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch mạn tính
Xảy ra khi tĩnh mạch và van tĩnh mạch bị tổn thương nghiêm trọng. Dòng máu bị cản trở dẫn đến tình trạng sưng, đau và cảm giác nặng nề ở chân. Việc trì hoãn điều trị có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm tĩnh mạch, loét da và thay đổi sắc tố da.
3. Phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Nguy cơ thuyên tắc phổi có thể được phòng ngừa và giảm thiểu thông qua việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng, được điều chỉnh tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể và giai đoạn của bệnh:
Liệu pháp tiêu sợi huyết
Phương pháp này được cân nhắc áp dụng cho bệnh nhân dưới 60 tuổi, bị huyết khối tĩnh mạch sâu vùng chậu lan rộng, bệnh đang tiến triển hoặc có dấu hiệu thiếu máu cục bộ chi, và không có các yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu.
Sử dụng vớ áp lực tĩnh mạch liên tục
Vớ áp lực tĩnh mạch liên tục giúp cải thiện lưu thông máu từ chân về tim, đặc biệt đối với bệnh nhân bất động. Vớ tạo ra một áp lực nhẹ lên tĩnh mạch, giảm ứ máu và giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch chi dưới.
Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông là phương pháp chính để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, đặc biệt đối với những bệnh nhân có bệnh lý ung thư hoặc huyết khối lan rộng. Tùy vào tình trạng bệnh nhân và mức độ nguy hiểm của huyết khối, bác sĩ sẽ quyết định liều thuốc phù hợp, có thể là thuốc uống hoặc tiêm. Việc lựa chọn thuốc cần phải dựa trên đánh giá chức năng gan, thận và các yếu tố sức khỏe cá nhân.
Thuốc chống đông máu được sử dụng trong điều trị huyết khối tĩnh mạch chi dưới
Đặt màng lọc tĩnh mạch chủ dưới (IVCF)
Đối với những bệnh nhân không dung nạp thuốc chống đông hoặc thuốc không mang lại hiệu quả, việc đặt màng lọc tĩnh mạch chủ dưới là một lựa chọn để ngăn chặn các cục máu đông di chuyển lên phổi. Thiết bị này sẽ chặn các cục máu đông di chuyển từ chi dưới lên phổi, từ đó giảm nguy cơ thuyên tắc phổi nguy hiểm.
Phẫu thuật
Ít chỉ định, áp dụng cho trường hợp không có đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Huyết khối tĩnh mạch chi dưới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người dân hãy liên hệ ngay tới các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn hướng xử trí phù hợp.
Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử lý mọi thắc mắc về bệnh cũng như đặt lịch thăm khám, điều trị của người dân qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!