Tin tức
Khám phá cấu tạo gan và vai trò đối với sức khỏe con người
- 18/03/2025 | Dấu hiệu xơ gan: Cách nhận biết sớm để chữa trị bệnh kịp thời
- 18/03/2025 | Viêm gan A là gì và hướng dẫn phòng bệnh từ bác sĩ chuyên khoa
- 18/03/2025 | Chồng bị viêm gan C có lây sang vợ không, có thể phòng ngừa lây nhiễm bằng cách nào?
- 26/03/2025 | Bí quyết thanh lọc cơ thể với nước chanh sả gừng thải độc gan
- 27/03/2025 | Thực phẩm hạ men gan và dấu hiệu cảnh báo men gan cao không thể bỏ qua
1. Gan là gì?
Gan là một cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, đóng vai trò trung tâm trong hệ tiêu hóa và thực hiện nhiều chức năng thiết yếu. Bên cạnh việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, gan còn đảm nhận nhiệm vụ quan trọng như: sản xuất mật, dự trữ năng lượng và loại bỏ độc tố…
Lá gan - tạng lớn nhất trong cơ thể con người
2. Cấu tạo gan
Vị trí lá gan
Lá gan nằm ở vùng bụng phía trên, ngay bên dưới cơ hoành phải và phổi phải. Vị trí này giúp gan dễ dàng tiếp nhận máu từ tĩnh mạch cửa và động mạch gan, từ đó thực hiện hiệu quả các chức năng chuyển hóa và lọc máu. Gan tiếp giáp với nhiều cơ quan khác như: dạ dày, túi mật, thận phải và ruột non.
Trọng lượng gan
Gan có kích thước khá lớn, trọng lượng của gan ở người trưởng thành dao động từ 1200 -1500 gam, kích thước có thể thay đổi tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và thể trạng của mỗi người.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể.
Hình thể bên ngoài
Gan được mô tả giống như một hình tam giác hoặc hình vòm dẹt, với hai mặt chính là mặt hoành và mặt tạng hay mặt trên lồi còn mặt dưới lõm. Mỗi mặt có đặc điểm cấu trúc khác nhau trong cơ thể:
- Mặt trên (mặt hoành): hình dạng lồi, tiếp xúc trực tiếp vào mặt dưới của cơ hoành. Mặt hoành được bao phủ bởi một lớp màng mỏng gọi là phúc mạc tạng, giúp bảo vệ gan và giảm ma sát khi gan di chuyển theo nhịp thở.
- Mặt dưới (mặt tạng): hình lõm, tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan khác trong ổ bụng như dạ dày, túi mật, thận phải, ruột non và tá tràng. Mặt tạng có nhiều rãnh, ấn lõm, tạo thành các khe và rãnh để chứa các mạch máu, ống dẫn mật và dây chằng. Mặt này chứa rốn gan (hilum of liver) là nơi các mạch máu lớn như tĩnh mạch cửa và động mạch cửa gan, ống mật, dây thần kinh đi vào và ra khỏi gan.
Cấu tạo bên trong
Gan được chia thành thùy phải lớn và thùy trái nhỏ hơn bởi dây chằng liềm (ligamentum falciforme):
- Thùy phải: Là thùy lớn hơn, chiếm khoảng 60-65% thể tích gan, tiếp giáp với cơ hoành và các cơ quan khác như thận phải và túi mật, nằm bên phải dây chằng liềm.
- Thùy trái: Là thùy nhỏ hơn, được chia thành hai phần là đoạn giữa và đoạn bên bởi tĩnh mạch gan trái, tiếp giáp với dạ dày và một phần của ruột non, nằm phía bên trái dây chằng liềm
- Dây chằng liềm là một dải mô, nếp phúc mạc mỏng liên kết chạy dọc theo mặt trước của gan, ngăn cách thùy phải và thùy trái.
Gan có hệ thống tĩnh mạch phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn lưu máu từ gan về tim:
- Tĩnh mạch gan phải: Chia thùy phải của gan thành hai phần là đoạn trước và đoạn sau. Đây là một trong ba tĩnh mạch chính dẫn lưu máu từ gan.
- Tĩnh mạch gan giữa: Chạy dọc theo mặt phẳng ngăn cách thùy phải và thùy trái. Nó nằm trên cùng một mặt phẳng với tĩnh mạch chủ dưới và hố túi mật.
- Tĩnh mạch gan trái: Chia thùy trái của gan thành hai phần là đoạn giữa và đoạn bên. Tĩnh mạch này giúp dẫn lưu máu từ thùy trái về tĩnh mạch chủ dưới.
- Tĩnh mạch cửa được hình thành từ sự hợp nhất của tĩnh mạch mạc treo tràng trên và tĩnh mạch lách, là mạch máu quan trọng, mang máu giàu chất dinh dưỡng từ ruột, lá lách và tụy đến gan.
Cấu tạo gan
3. Chức năng của gan đối với cơ thể.
Chuyển hóa chất dinh dưỡng.
Gan đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng cho mọi hoạt động sống.
- Chuyển hóa carbohydrate: Gan điều hòa lượng đường trong máu bằng cách chuyển hóa glucose thành glycogen để dự trữ năng lượng. Khi cần thiết, gan cũng có thể tân tạo glucose (tạo glucose mới).
- Chuyển hóa protein: Gan chuyển hóa axit amin thành các chất cần thiết cho cơ thể đồng thời loại bỏ amoniac độc hại bằng cách chuyển hóa nó thành urea sau đó được thận đào thải ra ngoài.
- Chuyển hóa lipid: Gan tổng hợp cholesterol và lipoprotein, giúp vận chuyển chất béo trong máu. Ngoài ra, gan còn có chức năng chuyển hóa chất béo thành năng lượng thông qua quá trình beta-oxidation.
Chức năng thải độc tố.
- Gan lọc máu từ tĩnh mạch cửa, loại bỏ các chất độc hại như amoniac, rượu, thuốc và hóa chất. Các tế bào gan (hepatocyte) chứa nhiều enzyme giúp chuyển hóa các chất độc thành dạng ít độc hơn.
- Đào thải độc tố: Các chất độc được chuyển hóa thành dạng tan trong nước và bài tiết qua mật hoặc nước tiểu.
Sản xuất mật.
- Mật là một chất lỏng màu vàng xanh được sản xuất bởi gan, vai trò tiêu hóa chất béo. Mật cũng giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K.
- Mật được sản xuất liên tục tại gan. Khi ăn, mật được đổ vào ruột non qua ống mật chủ. Khi không cần tiêu hóa, mật được dự trữ trong túi mật và cô đặc lại.
Dự trữ các chất.
- Dự trữ glycogen: dưới dạng glycogen. Lượng glycogen dự trữ trong gan đủ để cung cấp năng lượng trong khoảng 24 giờ.
- Dự trữ vitamin và khoáng chất: Gan dự trữ các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K) và một số khoáng chất như sắt và đồng. Những chất này được giải phóng khi cơ thể cần thiết.
Chức năng tổng hợp protein
- Albumin: giúp duy trì áp suất thẩm thấu và vận chuyển các chất như hormone, axit béo và thuốc.
- Các yếu tố đông máu: Gan tổng hợp các yếu tố đông máu như fibrinogen, prothrombin và yếu tố VII, giúp ngăn ngừa chảy máu quá mức khi bị thương.
- Globulin: lá chắn bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng và gây bệnh khác.
Gan thực hiện nhiều chức năng quan trọng
Cấu tạo gan là một hệ thống thực hiện nhiều chức năng thiết yếu trong cơ thể. Hiểu rõ về cấu tạo và chức năng của gan không chỉ giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của cơ quan này mà còn biết cách bảo vệ và chăm sóc gan một cách hiệu quả. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và hạn chế các chất độc hại để gan luôn khỏe mạnh bạn nhé!
Nếu bạn hoặc người thân đang cần thêm thông tin chi tiết hoặc muốn được thăm khám và tư vấn, đừng ngần ngại liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn một cách tận tình và chu đáo.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
