Tin tức
Khám phản xạ gân xương là gì? Ý nghĩa và cách thức thực hiện
- 03/02/2025 | Bong gân ngón tay là gì? Hướng dẫn cách xử trí bong gân tại nhà
- 30/06/2025 | Bệnh viêm gân gót chân Achilles: Những vấn đề cần lưu tâm
- 30/06/2025 | Chân nổi gân tím có phải do mắc bệnh giãn tĩnh mạch? Chẩn đoán và điều trị bằng cách nào?
1. Về khái niệm phản xạ và mục đích thực hiện
1.1. Khái niệm phản xạ
Phản xạ là thuật ngữ dùng để chỉ sự đáp ứng lại của hệ thần kinh khi có kích thích từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Phản xạ gồm 2 loại:
- Phản xạ có điều kiện: Là loại phản xạ được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện, do vỏ não điều khiển.
- Phản xạ không điều kiện: Là những phản xạ bẩm sinh, có sẵn từ khi sinh ra và không cần học tập. Chúng được thực hiện thông qua cung phản xạ ở tủy sống và không chịu sự điều khiển của ý thức, gồm phản xạ da - niêm mạc và phản xạ gân xương.
1.2. Mục đích khám phản xạ là gì?
Đối với người bình thường, mỗi phản xạ đều có vùng gây phản xạ và đối xứng ở cả hai bên. Khi có cường độ kích thích vào vùng gây phản xạ, cả hai bên sẽ trả lời đều nhau.
Trong thăm khám lâm sàng thần kinh, khám phản xạ là quá trình quan trọng, được thực hiện nhằm:
- Xác định tổn thương thực thể xảy ra ở hệ thần kinh.
- Xác định vị trí tổn thương thông qua sự đối chiếu giữa các khoanh phản xạ với vùng khu trú của phản xạ bị rối loạn.
Người bệnh được bác sĩ khám phản xạ gân xương bằng búa chuyên dụng
2. Phản xạ gân xương là gì, khi nào cần khám?
2.1. Thế nào là phản xạ gân xương?
Phản xạ gân xương được hiểu đơn giản là những phản xạ tự động của cơ thể, xảy ra khi một vùng gân chịu kích thích cơ học, thường là do một cú gõ nhẹ. Trước kích thích này, cơ thể sẽ đáp lại bằng một chuyển động co giật nhẹ của cơ tương ứng. Đây là phản ứng tự nhiên cơ thể tự phát ra mà không cần điều khiển bởi ý thức.
Ví dụ như, khi bác sĩ dùng búa cao su gõ nhẹ vào dưới xương bánh chè, chân sẽ tự động đá nhẹ ra phía trước gọi là phản xạ gân xương bánh chè.
2.2. Trường hợp nào nên khám phản xạ gân xương?
Người bệnh nên khám phản xạ gân xương nếu có các biểu hiện sau:
- Chân tay tê bì, yếu, liệt.
- Mất cảm giác một phần cơ thể.
- Run tay, co giật bất thường.
- Đau cột sống.
Khám phản xạ gân xương thường được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh lý như:
- Thoát vị đĩa đệm.
- Tổn thương tủy sống.
- Đa xơ cứng.
- Tai biến mạch máu não.
- Các bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Viêm tủy.
- Viêm dây thần kinh.
Người thường xuyên bị run, yếu tay nên được khám phản xạ gân xương
3. Quy trình khám một số phản xạ gân xương chính
3.1. Nguyên tắc thực hiện
Để thực hiện quy trình khám phản xạ gân xương bác sĩ cần có dụng cụ y khoa chuyên dụng là búa phản xạ với hai đầu cao su mềm, ghế hoặc giường khám để điều chỉnh tư thế bệnh nhân cho phù hợp.
Nguyên tắc khám phản xạ gân xương cần đảm bảo:
- Người bệnh ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái.
- Bác sĩ dùng búa phản xạ với trọng lượng theo quy định, gõ vào gân cơ và màng xương, tuyệt đối không dùng búa gõ vào thân cơ để tránh gây phản xạ cơ.
- Gõ từng cặp phản xạ ở hai bên, theo trình tự từ trên xuống dưới để không bị bỏ sót.
- Nếu người bệnh mất phản xạ, trước khi khám cần chắc chắn rằng người đó không lên gân. Muốn vậy, bác sĩ cần giải thích để bệnh nhân không lên gân trong quá trình thăm khám.
3.2. Cách khám một số phản xạ gân xương chính
Khi khám phản xạ gân xương, người bệnh có thể ở nhiều tư thế khác nhau nhưng bác sĩ thường hướng dẫn tư thế nằm vì ít gây mệt cho người bệnh và dễ thu được kết quả chính xác. Với tư thế này, bác sĩ sẽ đứng phía bên phải của bệnh nhân, dùng ngón trỏ và ngón cái cầm búa thực hiện động tác gõ một cách nhẹ nhàng, tuyệt đối không dùng sức.
3.2.1. Phản xạ gân xương chi trên
- Phản xạ gân xương quay:
Người bệnh nằm ở tư thế thẳng người, hai bàn tay đặt lên bụng, cẳng tay gấp. Hoặc người bệnh cũng có thể buông xuôi hai tay nhưng bác sĩ sẽ tự cầm tay người bệnh gập lại một góc 45 độ so với mặt giường. Bác sĩ dùng búa gõ vào mỏm chân quay. Lúc này, người bệnh có thể xuất hiện phản xạ gấp cổ tay do bị co cơ ngửa dài.
- Phản xạ cơ nhị đầu:
Người bệnh vẫn nằm trong tư thế như trên nhưng bác sĩ sẽ đặt ngón tay lên gân cơ nhị đầu, bác sĩ gõ nhẹ búa lên ngón tay của mình. Phản xạ xuất hiện là cơ bắp tay co lại, cẳng tay gập. Đây là phản xạ giúp đánh giá rễ thần kinh C5-C6. Mất phản xạ thường liên quan tổn thương thần kinh cơ bì.
- Phản xạ tam đầu cánh tay:
Người bệnh nằm thẳng người, tay buông xuôi. Bác sĩ cầm tay người bệnh kéo nhẹ về phía bụng để cánh tay nâng lên và thẳng góc với cẳng tay. Bác sĩ dùng búa gõ vào gân cơ tam đầu cánh tay, người bệnh sẽ xuất hiện phản xạ duỗi cẳng tay. Qua phản xạ này bác sĩ sẽ kiểm tra được rễ thần kinh C6-C7.
Bác sĩ thực hiện thao tác kiểm tra phản xạ gân xương tay
3.2.2. Phản xạ gân xương chi dưới
- Phản xạ gân bánh chè
Người bệnh trong tư thế nằm ngửa, cẳng chân chống lên để đầu gối gấp lại góc 45 độ. Bác sĩ luồn cẳng tay trái của mình xuống dưới khoeo chân của bệnh nhân để nâng nhẹ 2 chân bệnh nhân lên.
Bác sĩ dùng búa gõ vào gân cơ tứ đầu đùi. Lúc này bệnh nhân sẽ có phản xạ hất cẳng chân ra trước. Đây là phản xạ giúp kiểm tra chức năng rễ thần kinh L2-L4. Bệnh nhân mất phản xạ gợi ý tổn thương thần kinh đùi, bệnh lý tủy sống. Phản xạ tăng mạnh bất thường gợi ý tổn thương thần kinh trung ương.
- Phản xạ gân gót
Người bệnh ở tư thế nằm ngửa, đùi ngả ra phía ngoài, đầu gối hơi thấp hoặc ngồi thả lỏng chân tự nhiên. Bác sĩ dùng nắm đầu bàn chân kéo ra phía trên để bàn chân duỗi ra rồi dùng búa gõ vào gân Achille. Bệnh nhân xuất hiện phản xạ giật cơ tam đầu cẳng chân, mũi bàn chân của người bệnh lập tức đạp vào tay bác sĩ.
Khám phản xạ gân gót giúp bác sĩ kiểm tra rễ thần kinh S1-S2. Bệnh nhân mất phản xạ thường do bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc tiểu đường. Tăng phản xạ gợi ý nguy cơ tủy sống bị tổn thương.
Khám phản xạ gân xương là thủ thuật không gây đau mà chỉ kích thích nhẹ vừa đủ để tạo ra phản xạ, giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý thần kinh cơ. Nếu xuất hiện tình trạng mất cảm giác, tê yếu chân tay, co giật,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được kiểm tra phản xạ và chẩn đoán kịp thời.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
