Tin tức

Khi nào thì bị căng cơ bàn chân và cách sơ cứu khắc phục tình trạng này

Ngày 13/09/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Căng cơ bàn chân là biểu hiện phổ biến dễ gặp phải trong đời sống hàng ngày. Hiện tượng này có thể xảy ra khi chúng ta vận động, di chuyển, tai nạn chấn thương lòng bàn chân hay thậm chí là ngay cả khi đang ngồi nghỉ ngơi. Mặc dù không phải là tình trạng bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu căng cơ bàn chân kéo dài không có biện pháp khắc phục thì sẽ gây hạn chế vận động đáng kể cho bàn chân.

1. Nguyên nhân gây căng cơ bàn chân là gì?

Đôi bàn chân chính là hai điểm tựa vững chắc giúp nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cả cơ thể. Thực chất bàn chân có cấu tạo khá phức tạp và cũng là bộ phận dễ dàng gặp phải những tổn thương không mong muốn, trong đó bao gồm cả hiện tượng căng cơ bàn chân. 

Đây là tình trạng bó cơ bàn chân bị căng giãn quá mức hoặc bị tổn thương khiến người bệnh có cảm giác đau và khó chịu, dẫn đến nhiều trở ngại trong vận động, sinh hoạt hàng ngày. Chấn thương ở cơ bắp có thể làm xé rách toàn bộ hoặc một phần các sợi cơ, dây chằng gắn với bắp thịt ở bàn chân. Điều này sẽ gây chảy máu cục bộ, bầm tím và đau nhức ở vùng bàn chân bị thương tổn.

Một số nguyên nhân phổ biến gây căng cơ bàn chân đó là:

  • Đi đứng, nằm ngồi đặt bàn chân sai tư thế dễ khiến bàn chân bị căng cơ;
  • Chấn thương do té ngã, va chạm, trong lúc vận động chơi thể thao, khởi động không kỹ trước khi tập luyện,...;
  • Thường xuyên mang giày cao gót và đứng lâu, hay nhón chân cũng là nguyên nhân thường gặp gây căng cơ bàn chân;
  • Đột ngột chuyển hướng hoặc thay đổi vận tốc khiến các cơ ở bàn chân chưa kịp thích ứng;
  • Mang giày quá chật hoặc quá rộng hoặc có thói quen đi lại trên bề mặt gồ ghề bằng chân trần tạo ra áp lực xấu lên lòng bàn chân;
  • Người thừa cân béo phì với trọng lượng cơ thể lớn sẽ tạo áp lực không nhỏ dồn nén lên bàn chân;
  • Tiền sử đã từng mắc các bệnh lý về xương khớp như bệnh Gout, viêm khớp dạng thấp,... xảy ra ở bàn chân.

Căng cơ bàn chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Căng cơ bàn chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

2. Căng cơ bàn chân được biểu hiện qua những triệu chứng nào?

Đối với những trường hợp bị căng cơ bàn chân thể nhẹ thì dấu hiệu của bệnh thường không kéo dài lâu. Tình trạng căng cơ sẽ mất đi nhanh chóng nếu người bệnh ngừng vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý tới những biểu hiện căng cơ bàn chân dưới đây khi chúng dần xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn:

  • Cảm giác tê bì, đau nhức trong lòng bàn chân, có khả năng lây lan sang những bộ phận khác;
  • Cơn đau bàn chân xảy đến đột ngột, có trường hợp lại đau dai dẳng nhiều giờ hay nhiều ngày không khỏi;
  • Nếu cơ bàn chân bị tổn thương nghiêm trọng có thể khiến vùng da ở đây xuất hiện dấu hiệu bầm tím hoặc sưng nề;
  • Cơ thể bị hạn chế vận động vùng chân bị căng cơ.

Phần lớn những trường hợp bị căng cơ bàn chân đều là xuất phát từ các chấn thương phần mềm và có thể phục hồi được hoàn toàn nếu biết cách chăm sóc và điều trị từ sớm. Nếu căng cơ bàn chân bắt nguồn từ các bệnh lý về xương khớp mà không phát hiện sớm thì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, cụ thể như sau:

  • Đi đứng không vững, gặp nhiều khó khăn trong vận động, bệnh nhân đi khập khiễng dễ bị té ngã do teo cơ chân, chân mất cảm giác, biến dạng cổ chân, chân vẹo sang một bên do cấu trúc bàn chân thay đổi khiến cơ thể mất đi sự thăng bằng;
  • Một số bệnh xương khớp nặng có thể gây biến dạng chân, lở loét, thậm chí là liệt chân rất khó phục hồi.

Khi bệnh nhân bỏ qua các triệu chứng bất thường của tình trạng căng cơ chân và không chú trọng điều trị thì cơ thể sẽ kích hoạt một cơ chế tự nhiên đó là lấy canxi ở những khu vực khác của cơ thể để bù đắp vào vị trí bị tổn thương. Điều này dẫn đến hiện tượng dư thừa canxi và hình thành gai gót chân, làm tăng mức độ chèn ép các cơ bàn chân, từ đó khiến xương gót chân có xu hướng bị chồi ra, đâm rách và làm tổn thương các mô mềm xung quanh. Người bệnh vì thế sẽ càng cảm thấy đau nhức và khó chịu vô cùng. Ngoài ra, thoái hóa cổ chân và đau đầu gối cũng là những biến chứng có thể gặp phải khi bệnh nhân bị căng cơ bàn chân không được điều trị cải thiện.

Chính vì vậy khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu căng cơ bàn chân không xuất phát từ chấn thương phần mềm mà nghi ngờ là do bệnh lý thì tốt nhất bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán, tìm hiểu nguyên nhân. Sự trì hoãn trong điều trị sẽ càng khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như khả năng vận động hàng ngày.

Căng cơ bàn chân khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và bị hạn chế nhiều trong việc đi lại, vận động

Căng cơ bàn chân khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và bị hạn chế nhiều trong việc đi lại, vận động

3. Một số biện pháp sơ cứu và điều trị chứng căng cơ bàn chân 

Đối với những bệnh nhân bị căng cơ bàn chân cấp tính thì cần phải nắm vững các bước sơ cứu ban đầu. Cụ thể:

  • Người bệnh ngồi yên, thả lỏng và không cử động chân;
  • Chườm lạnh bàn chân bị căng cơ trong vòng 10 - 15 phút bằng túi chườm. Mỗi lần chườm nên cách nhau khoảng 2 tiếng sẽ giúp giảm thiểu sưng nề và đau nhức hiệu quả;
  • Tuyệt đối không được nắn bóp hay xoa dầu nóng lên bàn chân vì điều này có thể làm đứt vỡ các mạch máu nhỏ dưới da, gây tụ máu bầm khiến cơn căng cơ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chườm lạnh có thể giúp giảm bớt triệu chứng căng cơ bàn chân hiệu quả

Chườm lạnh có thể giúp giảm bớt triệu chứng căng cơ bàn chân hiệu quả

Đa phần những người bị căng cơ bàn chân có thể tự khỏi chỉ sau 2 - 3 ngày khi được nghỉ ngơi và điều trị đúng cách. Nếu căng cơ tiến triển xảy ra trong thời gian dài thì bệnh nhân nên đi khám sớm để đề phòng những biến chứng nguy hiểm.

Hy vọng rằng thông qua những thông tin trong bài viết trên đây bạn đã có thêm một số kiến thức hữu ích về chứng căng cơ bàn chân và các bước cơ bản được dùng để sơ cứu nhanh khi gặp phải tình trạng này. Nếu bạn thường xuyên bị căng cơ bàn chân không rõ nguyên nhân và cần được giải đáp thêm những thắc mắc liên quan tới triệu chứng này, bạn có thể liên hệ đến tổng đài của MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên tư vấn, hỗ trợ chi tiết hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.