Tin tức

Kỹ thuật đặt Sonde dạ dày - Giải pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân hôn mê

Ngày 20/02/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Kỹ thuật đặt Sonde dạ dày là thủ thuật quan trọng, có ý nghĩa đối với bệnh nhân mất khả năng ăn uống. Vậy đặt ống Sonde dạ dày để làm gì? Ai cần đặt ống Sonde dạ dày? Kỹ thuật đặt ống như thế nào?

1. Mục đích và đối tượng cần đặt ống Sonde dạ dày 

Kỹ thuật đặt ống Sonde dạ dày hay còn gọi là đặt ống thông dạ dày. Tùy trường hợp mà ống thống sẽ được đặt từ mũi hoặc từ miệng xuống dạ dày. Mỗi đối tượng khác nhau, kích thước của ống Sonde cũng sẽ có sự thay đổi.

Đặt ống Sonde dạ dày để làm gì?

Đặt ống Sonde dạ dày được sử dụng với những mục đích sau: 

  • Đưa thức ăn vào dạ dày với những bệnh nhân bị hôn mê, mất khả năng tự ăn uống bình thường bằng miệng hoặc hệ tiêu hóa làm việc không hiệu quả. 
  • Hút dịch bên trong ra ngoài nhằm giảm tình trạng dịch ứ đọng ở dạ dày, thường xảy ra sau phẫu thuật. 
  • Lấy dịch dạ dày để thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa. 
  • Đặt ống thông để bơm rửa dạ dày thường được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. 

Đặt ống thông dạ dày có thể theo đường mũi hoặc đường miệng

Đặt ống thông dạ dày có thể theo đường mũi hoặc đường miệng

Kỹ thuật đặt Sonde dạ dày áp dụng với đối tượng nào?

Ống thông dạ dày thường được chỉ định với những trường hợp sau: 

  • Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, liệt cơ mặt khiến việc nhai, nuốt thực ăn không thể thực hiện được. 
  • Bệnh nhân bị các bệnh liên quan đường hô hấp, lao phổi, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày. 
  • Sau phẫu thuật, người bệnh có triệu chứng chướng bụng. 
  • Bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn cần rửa dạ dày. 
  • Những trường hợp đường tiêu hóa bị dị dạng làm cản trở việc nuốt thức ăn. 

Bên cạnh những trường hợp được chỉ định đặt ống Sonde thì cũng có một vài bệnh nhân chống chỉ định với kỹ thuật này, bao gồm: bệnh nhân bị áp xe thành họng, thực quản hẹp, co thắt, phình động tĩnh mạch thực quản hoặc vùng mặt, hàm, thực quản bị tổn thương. Ngoài ra, với những bệnh nhân nghi ngờ hoặc được chẩn đoán ung thư dạ dày cũng không được áp dụng kỹ thuật đặt ống Sonde. 

Đặt ống thông dạ dày để cung cấp thức ăn cho bệnh nhân bị hôn mê, bất tỉnh

Đặt ống thông dạ dày để cung cấp thức ăn cho bệnh nhân bị hôn mê, bất tỉnh

2. Quy trình đặt ống Sonde dạ dày 

Tùy theo từng cơ sở, bác sĩ thực hiện mà các bước đặt ống Sonde dạ dày có thể khác nhau. Theo quy định của Bộ Y tế, kỹ thuật đặt Sonde dạ dày sẽ được thực hiện với thao tác sau: 

Chuẩn bị 

Để đặt ống Sonde, trước tiên, nhân viên y tế sẽ điều chỉnh bệnh nhân ở tư thế nằm hoặc ngồi ngửa. Đối với bệnh nhân bị hôn mê thì để người bệnh nằm nghiêng về bên trái, đầu hạ thấp. Sau đó xác định chiều dài của ống Sonde cần đặt đối với từng bệnh nhân. 

  • Đối với trẻ nhỏ, ống Sonde thường dài 5 - 10 mm. 
  • Đối với người lớn, ống thông thường dài 10 - 22 mm. 

Đầu ống thông cần được bôi dầu để làm trơn giúp di chuyển dễ dàng khi đưa vào dạ dày. Tuy nhiên, cần chú ý không để dầu đọng lại trong miệng ống. 

Đặt ống Sonde 

Bệnh nhân sẽ há miệng để bác sĩ luồn từ từ ống thông từ miệng xuống dạ dày. Nếu đường miệng không thực hiện được thì có thể đặt ống theo đường mũi. 

Các thao tác đưa ống vào bên trong đường tiêu hóa cần được tiến hành nhẹ nhàng, chậm rãi nhằm hạn chế tối đa tổn thương niêm mạc. Ngoài ra, bác sĩ cần chú ý không để ống thông chạm lưỡi gà và vòm họng nếu đưa ống vào dạ dày từ miệng. Nếu người bệnh xuất hiện tình trạng ho, sặc dữ dội, tím tái thì cần phải rút ra và đặt lại. 

Kiểm tra 

Sau khi đã đưa được ống thông Sonde vào dạ dày, bác sĩ thực hiện sẽ tiến hành kiểm tra lại một lần nữa bằng một trong ba cách sau: 

  • Bơm 30ml khí vào ống và nghe âm thanh của tiếng sục khí phát ra từ vùng thượng vị. 
  • Dùng bơm tiêm hút dịch dạ dày ra ngoài. 
  • Nhúng đầu ống Sonde bên ngoài vào một cốc nước, nếu không thấy sủi bọt khí thì có thể cố định bằng băng dính và lắp túi dẫn lưu. 

Sau khi đã hoàn thành quá trình đặt ống, nhân viên y tế sẽ ghi lại thông tin đầy đủ bao gồm loại ống đã sử dụng, kích thước, các loại thuốc đã dùng (nếu có) trong quá trình đặt ống, phương pháp kiểm tra vị trí ống thông mà bác sĩ đã áp dụng,… 

Quá trình đặt ống thông dạ dày được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn

Quá trình đặt ống thông dạ dày được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn

3. Ống Sonde để được bao lâu? 

Đặt ống Sonde là phương pháp hiệu quả giúp bổ sung dưỡng chất để nuôi cơ thể. Thời hạn để ống thông dạ dày sẽ còn tùy thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân. Trung bình, khi đặt ống Sonde bằng đường mũi hoặc miệng đều để được trung bình khoảng 5 - 7 ngày. 

Sau thời gian này cần thay ống thông mới để đảm bảo vệ sinh, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh. Ngoài ra, nếu đặt bằng đường mũi thì nên đổi sang mũi còn lại để hạn chế tình trạng khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân. 

Nếu trong thời gian đặt ống Sonde, người bệnh có biểu hiện như ho, sặc, nhịp tim thay đổi, tím tái, buồn nôn, nôn ra máu,… thì cần báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp bệnh nhân bị sụt cân thì người nhà cần chú ý cân đối loại chế độ dinh dưỡng. 

Bên cạnh đó, khoang miệng cần được vệ sinh thường xuyên bằng nước muối sinh lý để tránh viêm nhiễm. Sau mỗi lần cho bệnh nhân ăn, người nhà cũng cần chú ý vệ sinh ống sạch sẽ. Trong quá trình cho người bệnh ăn, nếu thấy thức ăn trào ngược trở lại thì điều chỉnh tốc độ và hút dịch trước mỗi lần ăn.

Quá trình đặt ống Sonde dạ dày cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Trong quá trình áp dụng kỹ thuật đặt Sonde dạ dày, người nhà và bệnh nhân không được tự ý rút ống trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu có triệu chứng bất thường, khó chịu thì báo ngay với bác sĩ để có biện pháp khắc phục.

Khi đặt ống Sonde, người nhà phải vệ sinh ống thường xuyên cho bệnh nhân

Khi đặt ống Sonde, người nhà phải vệ sinh ống thường xuyên cho bệnh nhân

Nếu bạn còn có những thắc mắc liên quan đến kỹ thuật đặt Sonde dạ dày thì có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.