Tin tức
Làm gì khi bị khó thở? Bác sĩ chỉ cách cải thiện hiệu quả
- 27/04/2022 | Khó thở do trào ngược dạ dày nguy hiểm như thế nào?
- 05/04/2022 | Làm thế nào để “đối phó” với chứng nghẹt mũi khó thở kéo dài?
- 27/07/2022 | Tình trạng khó thở về đêm: Nguyên nhân và cách giải quyết
1. Như thế nào là khó thở?
Nhịp thở (1 lần hít vào và thở ra) của một người trưởng thành có sức khỏe bình thường là 20 lần/phút. Những lúc vận động hay tập luyện thì con số này có thể cao hơn, tuy nhiên, chúng ta sẽ không cảm thấy hụt hơi hay mệt mỏi.
Thế nhưng, một số trường hợp bệnh nhân có tình trạng bất thường về việc thở do các bệnh lý cấp hay mạn tính gây ra. Lúc này, họ có thể rơi vào một trong những trạng thái sau:
-
Hết hơi, hụt hơi.
-
Cảm thấy thiếu không khí để hít thở.
-
Không thể hít một hơi thật sâu.
-
Nhịp thở tăng lên, thở gấp gáp.
-
Đau tức vùng ngực.
-
Người lâng lâng, không thể đứng vững.
Hiện tượng này có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc từ từ và kéo dài (mạn tính). Và rất nhiều người không biết nên làm gì khi bị khó thở để cảm thấy dễ chịu và an toàn.
Khó thở là trạng thái hụt hơi, cảm thấy khó khăn khi hít vào, thở ra, kèm theo đó là đau tức vùng ngực
2. Nguyên nhân gây khó thở
Nguyên nhân gây khó thở là rất nhiều, bao gồm nguyên nhân khách quan và cũng không loại trừ do bệnh lý. Theo đó, phần lớn các trường hợp khó thở đều có liên quan đến tình trạng của tim và phổi.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhiệm vụ chính của tim và phổi là vận chuyển khí O2 đi khắp cơ thể, đồng thời, loại bỏ khí CO2 ra khỏi cơ thể. Khi tim và phổi gặp vấn đề thì quá trình này cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến khó thở.
Nhìn chung, nguyên nhân gây khó thở chủ yếu là do ảnh hưởng của các cơ quan tim, phổi, cụ thể như sau:
-
Mắc các bệnh lý về phổi như: Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi, ung thư phổi, thuyên tắc phổi, lao phổi,…
-
Mắc các bệnh lý về tim như: Rối loạn nhịp tim, hở van tim, suy tim, cơ tim giãn,…
Ngoài ra, khó thở còn thường gặp ở người bị thiếu máu, cơ thể xanh xao, thường xuyên mệt mỏi, choáng váng, ngất xỉu. Người mắc các bệnh lý tuyến giáp (cường giáp và suy giáp), trào ngược dạ dày thực quản, người thừa cân béo phì, người làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng có nguy cơ bị khó thở cao hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây khó thở, có thể do bệnh lý về tim phổi hoặc do thiếu máu, thừa cân,…
3. Nên làm gì khi bị khó thở?
Làm gì khi bị khó thở còn tùy thuộc vào nguyên nhân và hoàn cảnh thực tế. Nếu do bệnh lý thì nhất định phải có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị và dùng thuốc theo đơn. Còn trong những trường hợp nhẹ, có thể áp dụng những cách xử trí sau:
Thở mím môi
Kỹ thuật thở mím môi giúp gia tăng áp lực đường thở ở thì thở ra, tạo ra luồng không khí mạnh giúp cho việc đẩy các khí cặn trong phổi ra ngoài tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu có tác nhân (bụi bẩn, dị vật) bị ứ, kẹt trong đường thở thì chúng cũng dễ dàng được loại bỏ.
Đặc biệt, trong những trường hợp khó thở do leo cầu thang, vận động mạnh, làm việc nặng,… thì bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật thở mím môi. Cách thực hiện như sau:
-
Đầu tiên, thả lỏng cơ vai và cổ.
-
Tiếp đến, đặt một tay lên thành bụng.
-
Hít 2 nhịp bằng đường mũi, miệng vẫn ngậm. Lúc này, bạn sẽ cảm giác hơi căng thành bụng.
-
Mím môi và cho hơi thở thoát ra từ từ từ kẽ môi. Lúc này, thành bụng sẽ dần dần xẹp xuống. Chú ý, thời gian thở ra cần kéo dài tối đa đến khi cơ thể có cảm giác không thở ra được nữa thì bắt đầu động tác hít trở lại.
Làm gì khi bị khó thở? Hãy áp dụng kỹ thuật thở mím môi
Thả lỏng người trên ghế
Nếu không biết làm gì khi bị khó thở, bạn hãy ngồi trên chiếc ghế và thả lỏng người hoàn toàn. Lúc này, cả cơ thể lẫn thần trí đều được thư giãn, nhờ đó, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và dễ thở hơn. Tư thế ngồi như sau:
-
Ngồi thẳng trên ghế, 2 chân chạm mặt sàn, người hơi nhô về trước.
-
Đặt 2 tay lên 2 đầu gối, 2 bàn tay chống đỡ phần cằm.
-
Cố gắng để phần vai và cổ được thả lỏng hoàn toàn, không gồng hay gắng sức.
Đứng dựa lưng vào tường
Nếu không gian xung quanh không có ghế, bạn có thể áp dụng một cách đơn giản hơn, đó là đứng dựa lưng vào tường. Lưu ý là cả lưng và hông đều chạm vào tường, 2 chân dang rộng và 2 tay đặt nhẹ lên đùi. Song song đó, vai và cổ thả lỏng. Phương pháp này vừa giúp cơ thể thư giãn, vừa khai thông đường thở dễ dàng.
Tư thế nằm thoải mái
Trường hợp khó thở khi nằm ngủ, hãy cố gắng thay đổi tư thế nằm. Theo đó, rất nhiều người bị khó thở khi đang ngủ, khiến giấc ngủ bị gián đoạn, hay nguy hiểm hơn là bị ngưng thở tạm thời. Lúc này, bạn có thể lựa chọn tư thế nằm thoải mái nhất.
-
Nằm ngửa, lưng thẳng, đầu kê gối cao, đồng thời, kê thêm 1 chiếc gối tại vị trí đầu gối.
-
Nằm nghiêng một bên, đầu kê gối cao, đồng thời, kẹp 1 chiếc gối giữa 2 chân, giữ lưng thẳng.
Song song đó, hãy đảm bảo phòng ngủ được rộng thoáng và mát mẻ. Bởi phòng ngủ chật chội, tù túng, bí bách cũng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy khó thở do ngột ngạt, thiếu oxy.
Ngoài các biện pháp nói trên, nếu bị khó thở ở nơi đông người, hãy nhanh chóng di chuyển ra khu vực thông thoáng, mát mẻ. Nếu đeo khẩu trang, hãy tạm thời tháo khẩu trang ra và hít thở nhẹ nhàng, chậm rãi.
Nếu khó thở kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên chủ động đi khám để tìm kiếm nguyên nhân và có hướng điều trị tích cực
Trường hợp khó thở đột ngột kèm theo đau tức ngực, buồn nôn, choáng váng, tay chân tím tái, nói ú ớ, hoặc các trường hợp lên cơn khó thở cấp trong các bệnh lý cấp tính hay mạn tính kể trên thì hãy cố gắng nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Lúc này, liên hệ cấp cứu càng sớm càng tốt để tránh tình huống nguy hiểm đáng tiếc.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn biết được nên làm gì khi bị khó thở, từ đó, phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm. Nếu đang gặp các vấn đề về hô hấp, quý khách có thể đến Chuyên khoa Hô hấp của Bệnh viện MEDLATEC để các bác sĩ thăm khám và điều trị.
Mọi thắc mắc khác về dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện, hoặc có nhu cầu đặt lịch khám trước để tiết kiệm thời gian, khách hàng đừng quên gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!