Tin tức

Làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm? Cách nhận biết bệnh lý này?

Ngày 13/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh Glôcôm thuộc nhóm các bệnh về mắt, xuất phát từ tăng nhãn áp dẫn tới tổn thương ở các dây thần kinh thị giác trong mắt. Đây được coi là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa cho nhiều bệnh nhân trên thế giới, xếp sau đục thủy tinh thể. Vậy làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm và nhận biết căn bệnh này như thế nào? Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu sâu hơn về bệnh Glôcôm qua bài viết sau đây.

1. Glôcôm là bệnh gì?

Glôcôm hay còn gọi là bệnh tăng nhãn áp có thể làm mất thị lực nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Glôcôm là nguyên nhân phổ biến thứ 2 (sau đục thủy tinh thể) gây mù lòa ở nhiều ca bệnh trên thế giới. Đáng lo ngại là có tới 50% trường hợp bị Glôcôm không hề biết rằng mình đang bị bệnh do triệu chứng ở giai đoạn đầu của nó rất nghèo nàn. 

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh Glôcôm. Các nhà nghiên cứu cho rằng căn bệnh này có mối liên hệ với sự gia tăng áp lực trong mắt và sự giảm lưu lượng máu tuần hoàn nuôi dây thần kinh thị giác. Đây có khả năng là tình trạng bẩm sinh hoặc do mắt bị tổn thương. 

Glôcôm là bệnh tăng nhãn áp có thể làm mất thị lực nếu người bệnh không được điều trị kịp thời

Glôcôm là bệnh tăng nhãn áp có thể làm mất thị lực nếu người bệnh không được điều trị kịp thời

Một điều khiến Glôcôm trở thành một bệnh lý phức tạp là do nó có những dấu hiệu lâm sàng và cơ chế bệnh sinh khác nhau, yêu cầu phải ứng dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Ví dụ như Glôcôm góc mở là một dạng tăng nhãn áp mạn tính, triệu chứng mờ nhạt, âm ỉ hoặc không có triệu chứng. Trong khi đó Glôcôm góc đóng lại có các triệu chứng cấp tính, đòi hỏi bệnh nhân cần phải nhanh chóng đi khám và điều trị để khắc phục tình trạng đau nhức, khó chịu ở mắt. 

Bên cạnh đó, cũng có thể chia Glôcôm thành 2 dạng là Glôcôm nguyên phát và thứ phát. Trong đó Glôcôm nguyên phát xảy ra khi bệnh nhân đó không mắc thêm các bệnh về mắt hay bệnh ở cơ quan khác. Còn Glôcôm thứ phát thì thường là sẽ xuất hiện cùng với các vấn đề về mắt hoặc bệnh toàn thân khác. 

2. Triệu chứng của người bị bệnh Glôcôm

Tùy thuộc vào hình thái Glôcôm mà bệnh nhân mắc phải sẽ biểu hiện theo những triệu chứng khác nhau, cụ thể:

Glôcôm góc đóng cấp tính:

  • Người bệnh nhìn mờ, khi nhìn vào ánh đèn sẽ thấy xung quanh đèn phát ra quầng sáng xanh đỏ.
  • Mắt đột nhiên đau nhức dữ dội, cơn đau thậm chí lan lên đỉnh đầu. 
  • Phù nề giác mạc, tiền phòng nông.
  • Mi nề, mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, sợ ánh sáng.
  • Tăng nhãn áp, nhãn cầu trở nên căng cứng giống hòn bi.
  • Mất phản xạ và giãn méo đồng tử, mống mắt cương tụ, mất viền sắc tố ở bờ đồng tử.
  • Phù nề và mất độ trong suốt ở dịch kính, khi soi không thấy rõ đáy mắt. 
  • Mờ đục thủy tinh thể, thậm chí là rạn bao thủy tinh thể.

Glôcôm góc đóng bán cấp:

  • Hơi phù nề giác mạc, cương tụ nhẹ kết mạc, phản xạ đồng tử kém, đồng tử giãn méo, bờ đồng tử mất viền sắc tố, tiền phòng nông, xuất hiện đám thoái hóa ở mống mắt.
  • Đôi khi bị đau nhức đầu, nhức mắt thoáng qua và nhìn mờ. Qua cơn đau lại nhìn được bình thường. Càng ngày các cơn đau sẽ xuất hiện càng nhiều, kèm theo đó là sự suy giảm về thị lực.
  • Phù nhẹ dịch kính và thủy tinh thể. 
  • Tăng nhãn áp.
  • Quan sát thấy lõm teo đĩa thị giác điển hình của Glôcôm khi soi đáy mắt.
  • Tổn thương thị trường dựa trên giai đoạn tiến triển của bệnh.

Glôcôm góc đóng mạn tính:

  • Hiếm gặp hơn so với 2 trường hợp trên và ít bộc lộ triệu chứng.
  • Đau nhức mắt nhẹ hoặc không gây đau nhức.
  • Có thể tăng hoặc không tăng nhãn áp.
  • Giác mạc trong, không cương tụ kết mạc, góc tiền phòng đóng, tiền phòng nông.
  • Dần giảm thị lực, bệnh nhân có thể đã bị mù 1 hoặc cả 2 bên mắt.
  • Lõm teo đĩa thị đặc trưng do Glôcôm.

Glôcôm góc mở:

Trường hợp này bệnh thường xuất hiện và tiến triển âm thầm, mạn tính. Mãi tới khi bước sang giai đoạn muộn người bệnh mới phát hiện ra. Lúc này thị lực của bệnh nhân ngày càng yếu dần. Đa phần người bệnh đều không cảm thấy nhức đầu hay đau mắt. Cũng có trường hợp bị nhìn mờ sương, căng tức hay nặng mắt thoáng qua, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn đèn,... Vì triệu chứng không điển hình nên người bệnh cũng thường lơ là không để ý. 

Các thuốc hạ nhãn áp thường được chỉ định cho bệnh nhân bị mắc bệnh Glôcôm

Các thuốc hạ nhãn áp thường được chỉ định cho bệnh nhân bị mắc bệnh Glôcôm

3. Cách chẩn đoán và điều trị bệnh Glôcôm

3.1. Phương pháp chẩn đoán

Bệnh Glôcôm được chẩn đoán bằng các biện pháp kiểm tra thị lực, soi đáy mắt, đo nhãn áp hay khám thị trường nhằm phát hiện ra những tổn thương hay triệu chứng thực thể đặc trưng của bệnh. 

Ngoài ra, việc chẩn đoán bệnh Glôcôm cũng cần dựa trên những đặc điểm của bệnh nhân đó như: 

  • Có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh Glôcôm.
  • Cấu trúc của mắt bất thường: lão thị sớm, tiền phòng nông, giữa 2 mắt có sự chênh lệch độ lõm đĩa, lõm đĩa thị rộng, kính lão tăng độ nhanh, có các triệu chứng điển hình của bệnh (tức mắt, mờ mắt, nhức nửa đầu hay cả 2 bên đầu,...).
  • Bị huyết áp cao.
  • Mắc bệnh tiểu đường.
  • Trước đây từng dùng corticoid trong thời gian dài.

3.2. Phương pháp điều trị

  • Dùng thuốc hạ nhãn áp: alphagan P, betoptic S, travatan 0,004%, timolol 0,25%,0,5%, pilocarpin 1%, 2%, glyxerol, azopt, lumigan, acetazolamid, manitol,… Những loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định và kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Phẫu thuật: áp dụng cho tình trạng Glôcôm góc đóng mà trước đó đã dùng thuốc để điều trị cấp cứu. Đối với trường hợp chưa lên cơn Glôcôm cấp thì cũng cần dự phòng bằng phẫu thuật hoặc laser. Ngoài ra cũng có thể phẫu thuật nếu bệnh nhân bị Glôcôm góc mở không đáp ứng thuốc. 

4. Làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm?

Làm sao để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm là mối quan tâm của nhiều người bệnh. Hiện không có biện pháp nào giúp phòng tránh tuyệt đối căn bệnh này. Nhưng nếu phát hiện từ sớm thì sẽ giúp hạn chế được sự tiến triển của bệnh cũng như phòng ngừa được các biến chứng do Glôcôm. Mọi người nên áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh Glôcôm như sau:

  • Khám mắt định kỳ từ 1 - 2 lần/năm để được kiểm tra và chẩn đoán sớm nguy cơ mắc bệnh Glôcôm cũng như các vấn đề khác về mắt.
  • Khi dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các thuốc chứa corticoid vì nếu dùng sai cách có thể gây biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như loét giác mạc, đục thuỷ tinh thể, thậm chí là mù loà do Glôcôm. 
  • Theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh huyết áp, tiểu đường, đục thuỷ tinh thể, định kỳ soi đáy mắt sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu máu võng mạc do những bệnh lý này gây ra.

Khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh Glôcôm

Khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh Glôcôm

Nếu không được chẩn đoán và điều trị từ sớm, Glôcôm có thể tiến triển theo những giai đoạn như tiềm tàng - sơ phát - tiến triển - biến chứng nghiêm trọng - gần mất thị lực - mù lòa. Không ít người cảm thấy lo lắng, băn khoăn làm sao để ngăn ngừa bệnh Glôcôm. Trên thực tế hiện chưa thể phòng tránh được nguy cơ mắc căn bệnh này nhưng có thể hạn chế tỷ lệ mắc phải bằng cách thăm khám định kỳ và điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Glôcôm và cần được thăm khám, tư vấn điều trị thì có thể đặt lịch khám cùng các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.