Tin tức

Thoái hóa điểm vàng ở mắt là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 13/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Thoái hóa điểm vàng còn có tên gọi khác là thoái hóa hoàng điểm. Đây là bệnh lý phổ biến làm ảnh hưởng tới thị lực của mắt, thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về bệnh thoái hóa điểm vàng cũng như cách chẩn đoán, điều trị căn bệnh này.

1. Khái niệm bệnh thoái hóa điểm vàng

Điểm vàng (hoàng điểm) là một bộ phận nằm giữa võng mạc. Ở đây chứa một số lượng khổng lồ các tế bào cảm quan với nhiệm vụ thu nhận màu sắc và hình ảnh từ môi trường bên ngoài. 

Thoái hóa điểm vàng xảy ra khi các tế bào cảm quan ở bộ phận này bị thoái hóa. Khi đó mắt người bệnh sẽ không thể nhìn rõ hình ảnh của sự vật, sự việc và thị lực dần giảm sút. 

Có 2 loại thoái hóa điểm vàng đó là:

  • Thoái hóa điểm vàng thể ướt: bệnh có xu hướng biến chứng nặng, bệnh nhân giảm thị lực đột ngột, thậm chí là mất thị lực chỉ trong thời gian ngắn.
  • Thoái hóa điểm vàng thể khô: loại này phổ biến hơn, thường xuất hiện và phát triển trong âm thầm cho đến khi bệnh nhân nhận ra thì thị lực đã suy giảm do sự chết dần của các tế bào võng mạc.

Thoái hóa điểm vàng khiến thị lực của người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng

Thoái hóa điểm vàng khiến thị lực của người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng

Một số nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng bạn cần phải hết sức lưu ý:

  • Ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với nhiều khói bụi.
  • Tuổi tác, lão hóa khiến chức năng điểm vàng suy giảm.
  • Bị loạn dưỡng điểm vàng.
  • Gia đình từng có người thân cũng bị thoái hóa điểm vàng.
  • Người mắc các bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, xơ vữa động mạch, đái tháo đường...
  • Chế độ ăn thiếu hụt omega-3.
  • Mắt bị tổn thương do ánh sáng mặt trời khi thường xuyên phải làm việc ngoài trời mà không có biện pháp bảo hộ.

2. Biểu hiện và biến chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng 

Một điều đặc biệt cần lưu ý đó là bệnh thoái hóa điểm vàng cho dù ở thể nào cũng không gây ra triệu chứng đau mắt ở người bệnh. Những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là bệnh nhân bắt đầu nhìn mờ, gặp khó khăn khi lái xe, đọc hoặc trở ngại khi thực hiện những công việc đòi hỏi độ chính xác cao. 

  • Thoái hóa điểm vàng thể ướt: khi nhìn vào những đường thẳng như thước kẻ, cửa sổ, vạch kẻ,... thì đều thấy chúng bị biến dạng thành hình lượn sóng hay đường cong. Điểm mù có thể xuất hiện khiến thị lực trung tâm biến mất.
  • Thoái hóa điểm vàng thể khô: thời gian đầu chỉ biểu hiện ở một bên mắt, sẽ khó phát hiện triệu chứng giảm thị lực cho tới khi tình trạng thoái hóa xảy ra ở cả 2 mắt.

Thoái hóa điểm vàng thường bắt gặp ở những bệnh nhân ngoài 50 tuổi

Thoái hóa điểm vàng thường bắt gặp ở những bệnh nhân ngoài 50 tuổi

Mặc dù căn bệnh này không làm mất hoàn toàn thị lực của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thị giác, khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thường nhật như đọc, nhìn ngắm, nhận diện màu sắc, đường nét, nhìn vật hay bị méo mó, mờ nhòe và biến dạng.

3. Chẩn đoán và điều trị thoái hóa điểm vàng bằng phương pháp nào? 

3.1. Chẩn đoán 

Để chẩn đoán xác định một người có đang bị thoái hóa điểm vàng hay không, bệnh nhân đó sẽ được chỉ định tiến hành bài kiểm tra mắt bao gồm:

  • Khám thị lực: sử dụng một loại bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn vật ở các khoảng cách và kích thước khác nhau.
  • Đo nhãn áp: dùng công cụ để đo lường chỉ số áp suất bên trong mắt. Để quá trình kiểm tra diễn ra thuận lợi, bệnh nhân sẽ được nhỏ một loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng.
  • Soi đáy mắt: bệnh nhân được nhỏ một loại thuốc khiến đồng tử giãn ra, kết hợp với kính chuyên dụng sẽ giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và kiểm tra được tình trạng của các dây thần kinh thị giác và võng mạc. Nhờ đó phát hiện được những dấu hiệu bất thường báo hiệu các bệnh về mắt, trong đó có thoái hóa điểm vàng. 
  • Dùng lưới Amsler: bệnh nhân sẽ nhìn vào tờ giấy được thiết kế giống caro bàn cờ, một mắt được che lại, sau đó tập trung nhìn vào chấm đen vùng giữa lưới Amsler. Nếu thấy những đường thẳng của lưới trở thành đường cong, lượn sóng hay biến dạng thì khả năng cao là người bệnh đang bị thoái hóa điểm vàng.

3.2. Điều trị thoái hóa điểm vàng

Tính đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào giúp chữa khỏi căn bệnh này. Thay vào đó các biện pháp điều trị hiện nay chỉ giúp làm chậm sự phát triển của quá trình thoái hóa. Tùy vào loại thoái hóa điểm vàng mà người bệnh mắc phải sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau:

  • Thoái hóa điểm vàng thể khô: bổ sung các thuốc như beta carotene, kẽm, vitamin Cvitamin E liều cao.
  • Thoái hóa điểm vàng thể ướt: điều trị bằng liệu pháp tiêm anti-VEGF. Đây là liệu pháp giúp hạn chế sự phát triển của các mạch máu nội mô, gồm các thuốc như Pegaptanib, Ranibizumab, Bevacizumab và Aflibercept. Các thuốc này sẽ kìm hãm sự hình thành những mạch máu mới ở võng mạc, hạn chế các biến chứng giảm thị lực do thoái hóa điểm vàng. Bệnh nhân sẽ cần thực hiện nhiều mũi tiêm, tần suất dùng thuốc tùy từng loại thuốc được chỉ định. Tuy nhiên, liệu pháp này có nhược điểm là nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ như nhức đầu, chảy nước mắt, ngứa và đỏ mắt, đổ nhiều ghèn, nhạy cảm hơn với ánh sáng, đục thủy tinh thể, nhiễm trùng mắt,...


Kiểm tra thị lực là một trong những bước cần thiết để chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng

Kiểm tra thị lực là một trong những bước cần thiết để chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng

Một số biện pháp khác có thể được ứng dụng trong điều trị thoái hóa điểm vàng đó là liệu pháp quang động học (dùng tia laser lạnh) hay phẫu thuật. Dựa trên từng tình trạng bệnh cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có tư vấn và chỉ định phù hợp nhất.

4. Thoái hóa điểm vàng - phòng ngừa sao cho đúng cách? 

Để hạn chế tối đa rủi ro mắc bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt, bạn nên tham khảo và áp dụng cho mình những biện pháp như sau:

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn nhiều các loại rau xanh, củ quả tươi vì chúng chứa nhiều zeaxanthin, lutein rất tốt cho mắt. Ngoài ra, hãy bổ sung vitamin A, beta-carotene trong cà chua, cà rốt, bí đỏ,...
  • Tăng cường omega-3 từ ngũ cốc, trứng, cá hoặc các loại thực phẩm chức năng. 

Chế độ sinh hoạt lành mạnh:

  • Tránh thức quá khuya, ngủ đủ giấc.
  • Mang đầy đủ đồ bảo hộ và có biện pháp che chắn, bảo vệ mắt khi đi ra ngoài hoặc làm các công việc tiếp xúc với nguồn sáng mạnh. 
  • Tránh căng thẳng, duy trì tinh thần tích cực.
  • Tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ nếu bị thoái hóa điểm vàng để cập nhật tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị đúng cách.
  • Không tự ý mua thuốc uống hoặc áp dụng phương pháp dân gian để chữa thoái hóa điểm vàng tại nhà. 
  • Làm việc và học tập trong môi trường có ánh sáng đầy đủ. Hạn chế tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử khi không cần thiết.

Bệnh thoái hóa điểm vàng ít khi bộc lộ triệu chứng rõ ràng và thường diễn tiến trong âm thầm với những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực. Do đó mỗi người nên tự bảo vệ đôi mắt của mình bằng cách biện pháp lành mạnh và dễ thực hiện hành ngày. Khi gặp phải các vấn đề về mắt, hãy đi khám từ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Nếu bạn đang có nhu cầu được tư vấn chi tiết hơn về cách điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng, hãy liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ đặt lịch khám cùng các bác sĩ Chuyên khoa Mắt ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.