Tin tức
Thực hư câu chuyện: Thuốc chống loãng xương gây nguy hiểm cho sức khỏe
- 08/07/2020 | Xét nghiệm osteocalcin trong bệnh loãng xương
- 21/10/2020 | Cùng bạn tìm hiểu: Máy đo loãng xương có chính xác không?
- 21/10/2020 | Tìm hiểu quy trình đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương
1. Một vài nét về bệnh loãng xương
Trước hết, bạn cần biết rằng, xương của chúng ta luôn đổi mới, nghĩa là xương mới sẽ được tạo ra và xương cũ dần bị phá hủy. Khi còn trẻ, quá trình hình thành xương mới sẽ nhanh hơn quá trình phá hủy xương cũ, chính vì thế khối lượng xương của cơ thể tăng lên. Đến năm 30 tuổi thì khối lượng xương sẽ ở mức cao nhất và từ sau thời gian này lượng xương bị phá hủy sẽ lớn hơn lượng xương mới được tạo ra.
Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có tỉ lệ loãng xương khá cao
Tuổi càng cao thì nguy cơ loãng xương càng tăng. Đây chính là tình trạng xương của chúng ta trở nên yếu hơn và giòn hơn. Khi bị loãng xương, người bệnh sẽ dễ dàng bị gãy xương dù chỉ là một va chạm rất nhẹ. Phần xương dễ bị gãy do loãng xương thường là xương hông, xương cổ tay, cổ chân và xương cột sống.
Phụ nữ ở độ tuổi mạn kinh có tỉ lệ loãng xương khá cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì quá trình loãng xương của người bệnh có thể chậm lại và phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Một số phương pháp điều trị bệnh được áp dụng hiện nay là sử dụng thuốc chống loãng xương, áp dụng chế độ ăn lành mạnh và tập luyện đều đặn.
2. Thuốc chống loãng xương biphosphonat
Bạn cần hiểu về quy trình điều trị bệnh loãng xương như sau: Làm tăng quá trình tạo xương bằng cách bổ sung canxi và nhiều dưỡng chất cho cơ thể, đồng thời giảm quá trình phá vỡ xương bằng biphosphonat.
Biphosphonat được bào chế ở cả dạng uống và dạng nước (dùng qua đường truyền tĩnh mạch). Loại thuốc này có tác dụng tăng tuổi thọ của các tế bào xương và làm chậm lại quá trình phá hủy xương, từ đó làm cho xương chắc thêm. Loại thuốc này có tác dụng rất hiệu quả đối với bệnh nhân bị loãng xương chậu hay xương cột sống.
Tuy nhiên, để thuốc phát huy tác dụng một cách tối đa, người bệnh cần phải tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ, không nên tự ý mua và điều trị. Khi lạm dụng loại thuốc này, bạn có thể gặp phải nhiều nguy hại cho sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc chống loãng xương
Được đánh giá là có thể giúp điều trị bệnh loãng xương hiệu quả, nhưng các loại thuốc chống loãng xương, trong đó có bisphosphonate cũng có thể mang đến những tác dụng phụ đáng ngại. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc có thể kể đến như:
Viêm loét dạ dày thực quản: Bisphosphonate rất nhạy đối với bề mặt dạ dày, thực quản. Nếu bạn dùng thuốc không đúng cách, chẳng hạn như uống thuốc với rất ít nước, nằm uống hoặc uống xong đi nằm ngay,… sẽ khiến cho thuốc dễ dàng đọng lại ở thực quản và gây ra độc tính trực tiếp tại đây. Từ đó, gây ra tình trạng viêm loét dạ dày thực quản khiến người bệnh cảm thấy đau, kích ứng sau một thời gian dùng thuốc.
Người già có nguy cơ loãng xương cao
Rụng răng, xương hàm hoại tử: Mặc dù Bisphosphonate rất tốt cho xương nhưng lại không hề tốt cho răng, những thành phần trong thuốc có thể làm chân răng bị hoại tử và dễ rụng hơn. Một số trường hợp sử dụng Bisphosphonate kéo dài dẫn tới hoại tử xương hàm.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Loại thuốc chống loãng xương này có thể làm rối loạn chu kỳ rụng trứng. Nếu dùng thuốc quá liều thì có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của người bệnh, thậm chí có thể gây vô sinh.
Gãy xương đùi: Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là sự thật. Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của Bisphosphonate chính là làm gãy xương đùi. Các nhà khoa học giải thích, khi uống thuốc liều cao hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc thì những thành phần của thuốc gắn kết với canxi trong máu làm giảm sự canxi hóa trong xương khiến cho xương của bạn không thể chắc được và dễ gãy hơn. Tuy nhiên, xương cũng không tự nhiên gãy mà có thể còn do một số tác động bên ngoài chẳng hạn như người bệnh vấp ngã, va vào một vật gì đó.
Bên cạnh đó, lạm dụng loại thuốc chống loãng xương này cũng dễ dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp. Tình trạng đau có thể xảy ra sau khoảng 2 tuần dùng thuốc và kéo dài nhiều ngày sau đó. Tình trạng đau thường khởi phát ở xương cột sống, sau đó là xương sườn, cuối cùng là xương các chi.
Thuốc loãng xương có thể gây ra nhiều tác dụng phụ
Lưu ý: Để có thể hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, người dùng nên tuân thủ những nguyên tắc sau:
Không uống thuốc khi đói hoặc khi quá no.
Nên uống thuốc sau ăn khoảng 2 giờ.
Uống thuốc với nhiều nước và đảm bảo thuốc trôi xuống dạ dày, không nên để thuốc mắc ở thực quản.
Khi uống thuốc, bạn cần phải ngồi thẳng và giữ tư thế này trong khoảng 5 phút.
Khi vừa nhổ răng hoặc trải qua bất kỳ cuộc phẫu thuật răng miệng nào cũng không nên dùng thuốc. Chỉ nên dùng thuốc sau 2 tuần kể từ khi thực hiện phẫu thuật.
Bệnh nhân đang ở độ tuổi sinh sản thì hạn chế dùng thuốc, không nên dùng bisphosphonate dạng tiêm, vì thuốc được tiêm vào tĩnh mạch có thể ngấm nhanh vào mô của các cơ quan sinh sản và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bệnh nhân.
Nếu đang sử dụng mà bị đau cơ, đau khớp, thì phải ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ.
Những người có tiền sử canxi máu thấp nên điều trị trước khi dùng thuốc.
Phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc và trong trường hợp xảy ra bất thường thì cần báo ngay với bác sĩ.
Cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Trên đây là những lưu ý, giúp bạn hiểu hơn về thuốc điều trị loãng xương. Cách tốt nhất khi điều trị bệnh vẫn là tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ và áp dụng một lối sống lành mạnh, một chế độ ăn cân bằng dưỡng chất.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về bệnh loãng xương, các loại thuốc chống loãng xương hoặc muốn đặt lịch khám, hãy gọi đến 1900565656 để được các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trực tiếp tư vấn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!