Tin tức
Lý giải ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh
- 17/07/2021 | Hỏi đáp: Trẻ khóc đêm có bình thường không? Khi nào là bất thường?
- 07/06/2021 | Mách phụ huynh cách giúp bé giảm khóc đêm hiệu quả
- 14/05/2021 | Nguyên nhân trẻ khóc đêm và những ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ
- 28/04/2020 | Tìm hiểu về chứng khóc dạ đề ở trẻ mới sinh
1. Tiếng khóc là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ sơ sinh
Kể từ khi chào đời, tiếng khóc của trẻ không chỉ là phản xạ đầu tiên mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác. Theo bác sĩ, trong tháng tuổi đầu tiên, trẻ thường ngủ nhiều hơn nên ít quấy khóc. Kể từ tuần tuổi thứ 6 trở đi, trẻ sẽ khóc nhiều hơn, nhất là vào buổi chiều, tối và thường giảm dần khi trẻ được 3 - 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, tiếng khóc của trẻ không đơn thuần vì trẻ còn nhỏ nên thường hay khóc.
Tiếng khóc là ngôn ngữ đầu đời của trẻ
Vậy ý nghĩa tiếng khóc của trẻ là gì? Nếu người lớn giao tiếp bằng ngôn ngữ thì tiếng khóc được xem là ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ sơ sinh. Bởi vì dựa vào tiếng khóc em bé có thể bày tỏ những nhu cầu, cảm xúc, trạng thái tâm lý của mình. Bên cạnh đó, tiếng khóc của trẻ cũng được xem là một tín hiệu với mức độ thanh âm khác nhau. Điều này có nghĩa khi trẻ khóc càng lớn thường do trẻ đang cảm thấy bất an nhiều. Nhờ đó, ba mẹ có thể đoán được nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc.
2. Trẻ quấy khóc do những nguyên nhân nào?
Hầu như các ba mẹ đều cảm thấy bối rối khi không hiểu trẻ sơ sinh quấy khóc vì điều gì. Thực tế, khi trẻ còn nhỏ, ba mẹ chỉ có thể dựa vào những cử động cơ thể và tiếng khóc của trẻ để dự đoán và đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Trong đó, có khá nhiều nguyên nhân có thể được xem là yếu tố tác động khiến trẻ khóc. Khi hiểu được ý nghĩa tiếng khóc của trẻ, ba mẹ có thể dễ dàng hỗ trợ, trấn an, xoa dịu trẻ.
Đọc vị ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh
Vậy trẻ quấy khóc xuất phát từ những nguyên nhân nào? Theo bác sĩ, trẻ sơ sinh thường bộc lộ nhu cầu, cảm xúc của mình bằng cách khóc khi:
2.1. Trẻ muốn ti sữa
Hầu hết các trẻ đều quấy khóc khi muốn ti sữa, tức khi trẻ đói bụng. Đây cũng là suy nghĩ đầu tiên ở các bậc phụ huynh mỗi khi trẻ khóc. Nếu chú ý quan sát, ba mẹ có thể thấy mỗi khi trẻ đói ngoài quấy khóc thường có những biểu hiện khác đi kèm như nhóp nhép miệng, mút tay. Ngoài ra, sau khi bú xong, nếu trẻ tiếp tục khóc cũng có thể vì trẻ cảm thấy bú chưa đủ, chưa no.
2.2. Trẻ buồn ngủ
Nếu người lớn buồn ngủ có thể dễ dàng ngủ bất cứ lúc nào thì trẻ sơ sinh lại có biểu hiện quấy khóc mỗi khi buồn ngủ. Ngoài ra, trẻ còn có những hành vi khác như gãi đầu, gãi tai, mút tay, dụi mắt, gắt ngủ. Nếu trẻ buồn ngủ nhưng môi trường xung quanh quá ồn ào, không ngủ được, trẻ thường khóc lớn tiếng hơn, nhiều hơn. Để trấn an trẻ, lúc này người lớn nên vỗ về, ôm ấp để trẻ ngừng khóc và dễ vào giấc ngủ.
2.3. Tã bị ẩm ướt hoặc bẩn
Trẻ thường quấy khóc khi đi ị hoặc tè khiến tã, khăn bị ẩm ướt, gây cảm giác khó chịu cho da. Ý nghĩa tiếng khóc của trẻ trong trường hợp này là muốn báo hiệu với mọi người trẻ cần được vệ sinh và thay tã mới. Theo các chuyên gia, ở tình huống này trẻ thường chỉ khóc mà không có dấu hiệu gì đặc biệt.
Trẻ sơ sinh thường quấy khóc khi tã bị ướt
Nếu ba mẹ không hiểu ý, để trẻ khó chịu trong thời gian dài thì tiếng khóc có thể thét lớn hơn, nước mắt dàn dụa. Do đó, khi chăm trẻ, phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra tã, vệ sinh và thay tã ngay sau khi trẻ tè hoặc ị. Ngoài ra, mọi người cần lưu ý không nên mặc tã cho trẻ quá nhiều có thể gây hăm đỏ da của trẻ.
2.4. Trẻ muốn được ôm ấp
Trẻ sơ sinh thường có nhu cầu được ôm ấp, âu yếm từ cha mẹ nhiều hơn. Do đó, khi trẻ ở một mình thường hay làm nũng mẹ hoặc ba bằng cách quấy khóc để tập trung sự chú ý và được vỗ về. Những biểu hiện cho thấy trẻ muốn được vỗ về như tiếng khóc lúc to, lúc nhỏ, ánh mắt đổi sang nhiều hướng, tay chân múa máy liên tục, khóc nhưng có thể không có nước mắt.
Nhiều phụ huynh lo lắng nếu ôm ấp, bế trẻ nhiều có thể chiều hư trẻ, sau này khó tách rời trẻ. Tuy nhiên, với những tháng tuổi đầu đời, ngoài việc tương tác với trẻ thì hành vi âu yếm cũng rất cần thiết để trẻ cảm nhận được tình thương yêu của mọi người. Do đó, trong những tháng đầu, ba mẹ nên gần gũi, đáp ứng nhu cầu ôm ấp, làm nũng của trẻ.
2.5. Trẻ khóc do bệnh lý
Tiếng khóc của trẻ không chỉ có ý nghĩa báo hiệu một số nhu cầu sinh lý bình thường mà có thể xuất phát từ một số vấn đề khác liên quan đến bệnh lý. Do đó, để giải mã tiếng khóc của trẻ, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ lưỡng những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý có thể khiến trẻ quấy khóc. Cụ thể như:
-
Trẻ bị đau bụng: ba mẹ thường nhận thấy trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều sau mỗi lần bú, tiếng khóc khó chịu thường không dỗ dành được. Tình trạng này xảy ra thường xuyên và lặp lại ít nhất 3 giờ trong một ngày, mỗi tuần ít nhất 3 ngày và kéo dài trong nhiều tuần.
-
Trẻ bị đầy hơi: tình trạng đầy hơi khiến trẻ cảm thấy khó chịu nên dễ quấy khóc. Trong trường hợp này, ba mẹ có thể thực hiện một số phương pháp giúp trẻ đẩy hơi ra ngoài như vỗ ợ hơi, massage bụng, xì hơi,v.v.
Trẻ quấy khóc do cơ thể cảm thấy nóng bức
-
Cơ thể quá nóng hoặc quá lạnh: khi nhiệt độ cơ thể quá thấp hoặc quá cao cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Điển hình như việc mặc quá nhiều quần áo hoặc quấn khăn quá dày khi thời tiết nóng bức khiến nhiệt độ cơ thể tăng hoặc sau khi tắm xong trẻ cảm thấy quá lạnh.
-
Trẻ khóc khi mọc răng: hầu hết trẻ sơ sinh đều cảm thấy khó chịu, đau đớn khi mọc răng nên trong thời gian này trẻ thường hay quấy khóc. Để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn, ba mẹ nên tìm giải pháp giúp giảm đau cho trẻ.
3. Khi trẻ quấy khóc phụ huynh nên làm gì?
Ngoài việc thắc mắc về ý nghĩa tiếng khóc của trẻ thì nhiều ba mẹ còn muốn tìm hiểu thêm về những cách xử lý khi trẻ quấy khóc. Thực tế, hành vi ứng xử của ba mẹ khi con khóc không có ý nghĩa hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cho trẻ mà còn là một hình thức tương tác, gắn kết tình cảm của hai bên. Để giúp các bạn chăm sóc em bé của mình tốt hơn, xoa dịu cơn khóc của trẻ dễ dàng, sau đây là một số gợi ý cho ba mẹ:
-
Vuốt ve, dỗ dành con: hành động âu yếm, vuốt ve, dỗ dành có thể giúp trẻ nhanh chóng vượt qua cảm giác bất an, lo lắng để lấy lại bình tĩnh. Do đó, khi trẻ khóc, ba mẹ không nên mặc kệ, thay vào đó hãy ẵm bồng, ôm ấp con nhiều hơn.
Giúp trẻ bình tĩnh bằng cách ôm ấp dỗ dành
-
Tự trấn an và giữ bình tĩnh: đôi khi trẻ quấy khóc quá nhiều có thể khiến ba mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, bực bội. Trong những tình huống đó, ba mẹ cần giữ bình tĩnh để dễ dàng nhận ra nhu cầu của trẻ và xử lý phù hợp.
-
Nếu em bé của bạn thường xuyên khóc kèm theo những biểu hiện như nôn trớ, lười bú, khó nuốt,… ba mẹ cần dỗ trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú, khi nằm nên đặt đầu trẻ cao hơn. Ngoài ra, ba mẹ cần theo dõi trẻ nhiều ngày, nếu tình trạng này không thuyên giảm, cách tốt nhất hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm.
Trên đây là những chia sẻ về ý nghĩa tiếng khóc của trẻ từ các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn về sức khỏe, hãy liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tận tình.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!