Tin tức

Mách cha mẹ cách điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ

Ngày 16/07/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ luôn là niềm lo lắng khôn nguôi của các bậc làm cha làm mẹ bởi bệnh kéo dài triền miên, tái phát thường xuyên, kết hợp với các bệnh lý đường hô hấp trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Vậy để điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ, cha mẹ cần làm gì, bài viết sau sẽ cùng chia sẻ với cha mẹ về vấn đề ấy.

1. Nguyên nhân hình thành bệnh viêm tai giữa

1.1. Viêm tai giữa là bệnh như thế nào

Bệnh viêm tai giữa là gì?

Tai giữa là vùng phía sau màng nhĩ, có nhiều xương tai cực nhỏ. Viêm tai giữa là một dạng nhiễm trùng cấp tính ở các mô vùng giữa của tai. Bệnh hay xảy ra sau mỗi đợt viêm mũi họng. Dịch mủ do viêm có thể làm thủng màng nhĩ rồi chảy ra ngoài tai khiến thính lực của trẻ bị giảm từ đó gây chậm nói ở trẻ.

điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ

Viêm tai giữa tái phát thường xuyên có thể gây chảy dịch, thủng màng nhĩ của trẻ

Bệnh viêm tai giữa gồm 2 dạng chính:

- Viêm tai giữa cấp

Đây là hiện tượng viêm nhiễm do dịch ứ đọng ở tai giữa. Nó có thể trở thành nguyên nhân gây tổn thương tai giữa và màng nhĩ. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến cho dịch chảy liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ.

- Viêm tai giữa tràn dịch

Bệnh lý này là tình trạng tai giữa có dịch nhưng lại không bị nhiễm trùng. Do bệnh không có triệu chứng cơ năng rõ ràng nên khó nhận biết.

1.2. Những nguyên nhân gây nên bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Sở dĩ trẻ nhỏ dễ bị viêm tai giữa là vì:

- Cấu trúc, chức năng và khả năng miễn dịch ở vòi nhĩ chưa trưởng thành:

+ Vòi nhĩ của trẻ ngắn hơn so với người lớn và nằm hơi ngang nên dịch khó thoát. Không những thế, vòi nhĩ ở trẻ cũng hẹp hơn nên dễ bị tắc hơn.

+ Amidan vòm họng của trẻ lớn hơn người lớn gây cản trở sự mở của vòi nhĩ.

- Một số tác nhân khác:

+ Trẻ đi học mẫu giáo dễ bị cảm lạnh, nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm đường mũi họng cao hơn nên dễ bị viêm tai giữa hơn so với trẻ ở nhà.

+ Trẻ phải hút thuốc lá thụ động (sống trong môi trường có khói thuốc) nên tỷ lệ bị viêm tai giữa cao.

+ Bú bình ở tư thế nằm dễ khiến sữa từ bình chảy vào ống tai và tích tụ ở tai giữa. Đặc biệt, trẻ bú bình bằng sữa công thức sẽ không có kháng thể chống lại vi khuẩn như trẻ bú sữa mẹ nên cũng dễ bị viêm tai giữa.

+ Thời tiết vào mùa lạnh, tiền sử dị ứng thời tiết hoặc có sự xâm nhập của các tác nhân dị ứng như mạt nhà, phấn hoa,… cũng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.

2. Phương pháp điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ

2.1. Tại sao trẻ thường xuyên bị tái phát viêm tai giữa

Muốn biết cách điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ trước tiên cha mẹ cần biết vì sao tình trạng ấy xảy ra. Sở dĩ trẻ nhỏ dễ bị tái phát viêm tai giữa nhiều lần là vì:

- Lần bị viêm tai giữa trước đó cha mẹ không điều trị dứt điểm cho trẻ, khi đang dùng thuốc thấy bệnh thuyên giảm liền dừng lại nên mầm mống vi khuẩn gây bệnh vẫn còn và khi có điều kiện thuận lợi nó lại tiếp tục gây bệnh trở lại.

- Trước đó trẻ bị mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan,... nhưng không điều trị sớm, điều trị không đúng cách hoặc không dứt điểm nên vi khuẩn từ đường hô hấp lây lan sang tai gây viêm tai giữa.

Điều trị bệnh mũi họng ở trẻ không dứt điểm là một trong các nguyên nhân làm tái phát viêm tai giữa

Điều trị bệnh mũi họng ở trẻ không dứt điểm là một trong các nguyên nhân làm tái phát viêm tai giữa

- Điều trị bệnh viêm tai giữa cho trẻ sai phương pháp do tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà khiến cho bệnh không được chữa dứt điểm nên cũng dễ tái phát.

- Trẻ đang theo phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ nhưng cha mẹ lại không cho con tái khám theo lịch hẹn nên không biết bệnh đã khỏi chưa, không biết mầm mống gây bệnh vẫn còn trú ngụ nên khi có cơ hội là chúng lại khiến bệnh tái phát.

- Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém.

- Các bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên tái phát nên làm tăng nguy cơ tái phát viêm tai giữa.

- Môi trường sống của trẻ bị ô nhiễm, trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi và khói thuốc lá,...

2.2. Cách điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ nhỏ

Có khoảng 1/3 trường hợp trẻ bị viêm tai giữa thường xuyên tái phát bệnh khiến sinh hoạt, sức khỏe và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng. Khi bị tái phát bệnh lý này thì nguy cơ bội nhiễm tăng nhanh, trẻ lại phải dùng nhiều kháng sinh nên cũng dễ gây nhờn thuốc. Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ, cha mẹ cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc sau:

Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn

Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn

- Dùng đúng kháng sinh

Thực tế cho thấy hầu hết cha mẹ cho rằng trẻ đã bị viêm tai giữa là phải dùng tới kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh lý này gồm có 3 thể: thể nhẹ, thể trung và thể nặng. Việc sử dụng kháng sinh chỉ cần thiết ở thể trung và thể nặng.

Trong điều trị viêm tai giữa, kháng sinh được các bác sĩ nhi khoa ưu tiên sử dụng là Augmentin vì nó có chứa hoạt chất là amoxicillin/clavulanate có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh rất tốt. Nếu không dùng đúng thuốc sẽ khó tiêu diệt được vi khuẩn và dễ tái phát bệnh. Ngoài ra, một số trường hợp bên cạnh augmentin trẻ cũng sẽ phải dùng kháng sinh khác do bác sĩ chỉ định.

- Dùng thuốc đủ liều

Khi kê đơn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ, bác sĩ có ghi rõ liều lượng sử dụng phù hợp cho từng trẻ. Cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định thì mới đạt hiệu quả chữa bệnh.

- Dùng thuốc đủ thời gian

Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời gian điều trị viêm tai giữa ở mỗi trẻ không giống nhau. Nhiều trường hợp sau khi dùng thuốc chỉ 2 - 3 ngày thấy trẻ cắt sốt, không còn dấu hiệu bệnh nên cha mẹ dừng thuốc. Đây chính là lý do khiến cho tác nhân gây bệnh chưa được loại bỏ triệt để nên khi có cơ hội nó sẽ lại tiếp tục gây viêm tai giữa. Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ cha mẹ hãy tránh điều này, thay vào đó cần dùng thuốc đúng thời gian như bác sĩ chỉ định.

2.3. Một số sai lầm cần tránh

Trong quá trình điều trị viêm tai giữa cho trẻ cha mẹ cần tránh một số sai lầm dễ khiến bệnh trở nên trầm trọng hoặc tái phát, gồm:

- Tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng y tế như: lá mơ, lá bàng, sáp tổ ong,... để chữa trị cho con vì chúng dễ làm lắng cặn ở tai, gây mất vệ sinh, tăng nguy cơ biến chứng.

- Không hiểu rõ tình trạng bệnh của mình, tự ý đi mua thuốc về nhà dùng mà không cần thăm khám.

- Tuân thủ không đúng chỉ định điều trị của bác sĩ nên dễ gây nhờn thuốc, tiêu diệt vi khuẩn không triệt để.

- Không hiểu gốc rễ của bệnh là do mũi họng mà ra nên cứ chăm chăm chỉ điều trị mỗi viêm tai giữa nên bệnh cứ thế tái diễn. Muốn khỏi viêm tai giữa thì cũng cần chữa dứt điểm bệnh mũi họng và khi bệnh lý này được chữa khỏi thì viêm tai giữa cũng sẽ không tái phát.

- Rửa mũi sai cách như: bơm xi lanh hoặc bình bóp quá mạnh làm nước và dịch mũi chảy sang tai khiến bệnh thêm trầm trọng. Ngoài ra, hút mũi quá nhiều lần trong ngày, hút quá mạnh cũng làm niêm mạc mũi của trẻ nhỏ dễ bị phù nề và lây nhiễm sang tai gây viêm tai giữa.

- Lạm dụng các loại thuốc giúp con dễ thở hơn khiến khi ngưng dùng thuốc trẻ dễ bị ngạt mũi nặng hơn và dễ bị viêm tai giữa hơn.

Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ trước tiên cha mẹ cần biết được gốc rễ, căn nguyên gây ra bệnh và chữa trị dựa trên căn nguyên ấy thì bệnh mới khỏi được. Thêm vào đó, cha mẹ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc được nói đến trên đây thì viêm tai giữa mới không có cơ hội tái diễn. Nếu cần được tư vấn thêm cha mẹ có thể liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 để chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hướng dẫn cặn kẽ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.