Tin tức

Mẹ cần lưu ý những gì khi bổ sung kẽm cho trẻ

Ngày 18/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm ở trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung với liều lượng phù hợp và đúng cách vì nếu thừa kẽm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy khi nào mẹ cần bổ sung kẽm cho trẻ và nên thực hiện bằng những phương pháp nào?

1. Khi nào cần bổ sung kẽm cho trẻ?

Kẽm là một vi chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Kẽm tham gia vào thành phần cấu trúc tế bào và có tác động đến các quá trình sinh học diễn ra bên trong cơ thể, đồng thời hoạt hóa nhiều enzym khác nhau, tham gia vào quá trình tổng hợp, phân giải axit nucleic, protein.

Trẻ hay quấy khóc khi thiếu kẽm

Trẻ hay quấy khóc khi thiếu kẽm

Hơn nữa, khi cơ thể được bổ sung đủ kẽm, hệ miễn dịch cũng sẽ hoạt động tốt hơn và tăng khả năng chống nhiễm trùng vì kẽm giúp hoạt hóa hệ thống miễn dịch bằng cách kích thích các đại thực bào và tăng các tế bào lympho T,....

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kẽm là do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, do một số loại bệnh như ung thư, bệnh gan mạn tính, bệnh về thận,… hoặc tình trạng thiếu kẽm cũng có thể do di truyền khiến người bệnh khó hấp thu kẽm.

  • Có thể bổ sung kẽm cho trẻ khi trẻ có những biểu hiện như sau:

+ Trẻ có các biểu hiện biếng ăn, chậm lớn

+ Trẻ có hệ miễn dịch kém

+ Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy

+ Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, thường xuyên khó ngủ về đêm hay khóc đêm

+ Trẻ có một số triệu chứng như viêm da, khô da, bong da, viêm lưỡi, tóc giòn, dễ gãy, vết thương lâu lành,…

Bổ sung kẽm cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ

Bổ sung kẽm cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhu cầu kẽm của trẻ sẽ khác nhau. Dưới đây là liều lượng bổ sung kẽm do tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo:

+ Đối với trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 2mg kẽm mỗi ngày.

+ Đối với trẻ từ 7 đến 11 tháng tuổi cần 3mg kẽm mỗi ngày.

+ Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 3mg kẽm mỗi ngày.

+ Đối với trẻ từ 4 đến 8 tuổi cần 5mg kẽm mỗi ngày.

+ Đối với trẻ từ 9 đến 13 tuổi cần 8mg kẽm mỗi ngày.

+ Trẻ từ 14 tuổi trở lên: Cần 11mg kẽm mỗi ngày đối với bé trai và 9mg/ngày đối với bé gái.

Nếu mẹ tự ý bổ sung quá nhiều kẽm cho trẻ có thể gây ra ngộ độc kẽm cấp tính, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Một số dấu hiệu của ngộ độc kẽm ở trẻ như đau vùng thượng vị, trẻ bị chóng mặt buồn nôn, thay đổi vị giác, trẻ bị tiêu chảy và co rút vùng cơ bụng, hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm.

2. Bổ sung kẽm cho trẻ bằng cách nào?

- Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ hay sữa công thức chính là nguồn bổ sung kẽm chủ yếu của trẻ. Vì thế, cách bổ sung kẽm cho trẻ là cung cấp kẽm cho mẹ để đảm bảo sữa mẹ có đủ kẽm cung cấp cho con hoặc bổ sung kẽm từ sữa công thức với những trường hợp không bú sữa mẹ. Phương pháp tăng cường kẽm cho mẹ là lựa chọn những thực phẩm chứa nhiều kẽm hoặc bổ sung viên uống chứa kẽm.

Các bà mẹ đang cho con bú nên bổ sung thực phẩm chứa kẽm

Các bà mẹ đang cho con bú nên bổ sung thực phẩm chứa kẽm

- Đối với những trẻ trên 6 tháng tuổi thì có thể bổ sung kẽm qua khẩu phần ăn hoặc cho trẻ dùng viên uống chứa kẽm.

- Một số thực phẩm mà mẹ có thể lựa chọn để bổ sung kẽm cho trẻ:

+ Thịt đỏ: Mẹ có thể bổ sung cho con các loại thịt đỏ chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn,… vì loại thực phẩm này có chứa nhiều kẽm và rất nhiều các chất dinh dưỡng khác như vitamin B và sắt.

+ Động vật có vỏ: Một số loại động vật có vỏ chẳng hạn như tôm, cua, hàu,… rất lành mạnh và có thể cung cấp kẽm cho các bé. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một số trẻ có thể bị dị ứng với thực phẩm này nên mẹ cần cần trọng khi sử dụng. Nếu bé có biểu hiện dị ứng cần đưa con đi khám sớm.

Mẹ có thể bổ sung cho bé một số loại hạt có chứa kẽm

Mẹ có thể bổ sung cho bé một số loại hạt có chứa kẽm

+ Các loại hạt: Các loại hạt rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Một số loại hạt có chứa kẽm chẳng hạn như hạt vừng, hạt bí, hạt đậu phộng,… Mỗi loại hạt sẽ có hàm lượng kẽm khác nhau, mẹ nên bổ sung đa dạng cho con. Ngoài kẽm, các loại hạt này còn có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác cũng rất có lợi đối với sức khỏe của trẻ, chẳng hạn như chất xơ, các loại chất béo, vitamin và khoáng chất.

+ Một số loại đậu: Các loại đậu chẳng hạn như đậu tương, đậu xanh, đậu Hà Lan,… là nguồn bổ sung kẽm cho trẻ rất đáng kể.

+ Phô mai, sữa: Mẹ nên cho con ăn phô mai và uống sữa để bổ sung kẽm. Ưu điểm của phô mai và sữa là bé có thể hấp thụ tối đa hàm lượng kẽm trong hai loại thực phẩm này. Mặt khác, sữa và phô mai cũng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác như canxi, vitamin D và protein giúp trẻ phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương.

+ Trứng: Một quả trứng cũng có thể cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, trong đó có kẽm. Đây cũng là thực phẩm phổ biến và được nhiều trẻ yêu thích nên mẹ cũng sẽ không khó khi bổ sung kẽm cho trẻ với trứng.

+ Ngũ cốc nguyên hạt: Một số loại ngũ cốc nguyên hạt có thể kể đến như lúa mì, yến mạch, gạo,… có chứa kẽm và mẹ hoàn toàn có trẻ bổ sung cho con. Bên cạnh đó, những thực phẩm này còn cung cấp nhiều chất xơ, magie, sắt, vitamin B,… mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bé.

Trong trường hợp trẻ có một số triệu chứng thiếu kẽm, cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa con đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, các bác sĩ cũng tư vấn cho cha mẹ về việc có cần thiết phải bổ sung kẽm cho trẻ hay không và bổ sung với liều lượng như thế nào, bổ sung trong thời gian bao lâu.

Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, mẹ có thể gọi đến đường dây nóng 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ hỗ trợ tư vấn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ