Tin tức

Mụn cục cứng dưới da: Đặc điểm, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 16/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Ngoài các loại mụn viêm, mụn đầu đen, mụn trứng cá,... thì mụn cục cứng dưới da cũng là tình trạng mụn khiến nhiều người lo lắng. Không chỉ làm mất thẩm mỹ do da bị sần sùi và gây cảm giác đau nhức mà loại mụn này còn khá cứng đầu và rất khó có thể tự xử lý tại nhà. Hãy cùng điểm qua đặc điểm, nguyên nhân và cách điều trị loại mụn này trong bài viết sau.

1. Đặc điểm của mụn cục cứng dưới da

Đặc điểm dễ nhìn thấy của loại mụn này chính là kích thước của mụn to, khi sờ vào cảm giác cứng và ít di chuyển. Một số mụn cục cứng dưới da sẽ gây đau nhức khi chạm sờ vào nốt mụn. Mặc dù trồi trên mặt da nhưng hầu hết các mụn cứng thường không có đầu mụn và khó thấy nhân như mụn viêm hay mụn trứng cá.

Mụn cục cứng dưới da thường không có nhân hoặc đầu mụn

Trước khi hình thành nốt mụn cứng thì đây thường là mụn trứng cá nhưng trải qua quá trình viêm nang lông lan rộng đến phần mô ở trung bì. Từ đó, hình thành ổ viêm nhiễm và lan rộng hơn ở nang lông xung quanh đồng thời cũng xuất hiện dịch mủ dưới da. Điều này khiến nốt mụn bị xơ cứng, thành mụn chai và không thể gom cồi để đào thải ra ngoài.

Trong giai đoạn đầu các nốt mụn cục cứng dưới da thường gây nhức khó chịu nhưng sau một thời gian, tình trạng này có thể thuyên giảm mặc dù nốt mụn vẫn giữ độ cứng và kích thước tương tự. Mụn cứng thường được phân loại thành 2 nhóm, bao gồm mụn dạng nốt sần và dạng mụn u nang.

2. Nguyên nhân gây mụn cứng

Khi tuyến bã nhờn tiết dầu quá mức gây dư thừa dầu trên da kết hợp với lớp tế bào chết tự nhiên khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc. Điều này tạo môi trường lý tưởng để vi khuẩn hình thành ổ viêm bên dưới da, khi ổ viêm này lan rộng đến các nang lông sẽ dễ dẫn đến tình trạng mụn cục cứng dưới da.

Bã nhờn dư thường cùng tế bào chết gây bít tắc lỗ chân lông

3. Tác nhân chủ yếu gây mụn cục cứng dưới da

Tác nhân chủ yếu gây mụn cứng thường do vệ sinh da, rối loạn nội tiết hoặc cách xử lý mụn chưa đúng cách, cụ thể như sau:

3.1. Vệ sinh da chưa sạch sẽ

Khi chăm sóc da, vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn, dầu thừa trên da là điều quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nhiều khói bụi như tại Việt Nam rất dễ tạo môi trường gây mụn cục cứng dưới da.

Bạn nên vệ sinh da bằng các loại dung dịch có tác dụng làm sạch như nước tẩy trang (có loại dầu tẩy trang và sáp tẩy trang), sữa rửa mặt. Ngoài ra, các loại đồ vật tiếp xúc lên da như gối nằm, máy rửa mặt, khăn tắm, khăn mặt cũng chứa nhiều vi khuẩn có thể gây mụn. Nên những đồ vật này cũng phải thường xuyên giặt sạch sẽ.

Khi vệ sinh da không sạch sẽ gây nên tình trạng mụn trứng cá. Nếu các nốt mụn này không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dễ hình thành mụn cục cứng.

Vệ sinh da chưa sạch sẽ gây tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn hình thành mụn

3.2. Rối loạn nội tiết

Rối loạn nội tiết trong giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt, mang thai hoặc thời kỳ tiền mãn kinh là nguyên nhân thường gặp gây tăng kích thích sản sinh dầu nhờn trên da. Từ đó, lượng dầu thừa và bụi bẩn, tế bào chết kết hợp lại với nhau, khiến lỗ chân lông bít tắc hình thành mụn cứng. Ngoài ra, một số loại thuốc có tác dụng phụ gây mất cân bằng nội tiết.

3.3. Xử lý nhân mụn chưa đúng cách

Bất kỳ loại mụn nào xuất hiện trên da cũng đều trải qua các giai đoạn như hình thành, phát triển và thoái lui. Tuy nhiên, trong quá trình này nếu mụn không được xử lý chăm sóc đúng cách sẽ khiến mụn bị cứng và chai lại. Có thể điểm qua một số trường hợp xử lý mụn thường dễ khiến mụn viêm trứng cá thành mụn cục cứng dưới da như:

  • Thường xuyên chạm, ma sát trên nốt mụn viêm làm đầu mụn bị mất.
  • Nặn mụn khi chưa tới giai đoạn gom cồi khiến nốt mụn bị chai cứng,...

Lấy mụn không đúng cách dễ khiến mụn viêm trứng cá thành mụn cứng

3.4. Thói quen sinh hoạt hàng ngày

Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày kém khoa học cũng là nguyên nhân hình thành mụn cục cứng dưới da với dạng nốt sần hoặc dạng viêm:

  • Thường xuyên thức khuya.
  • Căng thẳng, stress trong thời gian dài.
  • Ăn uống thiếu chất dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt đối với những người thường xuyên dùng đường và gia vị cay, nóng.
  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bụi bẩn hoặc tiếp xúc nắng nhưng không sử dụng kem chống nắng hoặc dụng cụ tránh nắng khác.

4. Cách điều trị mụn cục cứng dưới da

Về cơ bản, mụn cục cứng dưới da là dạng mụn đã bị chai, không thể tự xử lý tại nhà. Để điều trị loại mụn này, các bạn cần đến các trung tâm da liễu hoặc cơ sở y tế để lấy mụn và dùng thuốc bổ sung (có thể là thuốc bôi, thuốc uống).

Sau đây là một số cách điều trị mụn cục cứng dưới da bạn có thể tham khảo. Lưu ý, không tự ý làm tại nhà hoặc dùng thuốc mà chưa có chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ:

  • Các loại thuốc thường được sử dụng như Isotretinoin, Spironolactone, kháng sinh Clindamycin và Erythromycin, Accutane,... thường có tác dụng giúp làm giảm sự tăng tiết dầu nhờn, ngăn chặn vi khuẩn hình thành ổ viêm trên da.
  • Peel da sinh học là phương pháp điều trị bằng các loại dẫn xuất vitamin có tính axit như AHA, BHA, Retinol, Tretinol,... để làm mềm lớp sừng hóa và loại bỏ tế bào chất trên da. Sau khi thực hiện quá trình peel da sinh học, nốt mụn cứng có thể được xử lý dễ dàng hơn đồng thời da sau khi tái tạo mềm mịn, dễ đáp ứng với các sản phẩm chăm sóc da.
  • Thực hiện tiểu phẫu lấy nhân mụn nghĩa là dùng dao y tế chuyên dụng để rạch một vết nhỏ trên bề mặt da để lấy toàn bộ nhân mụn ra ngoài.

Phẫu thuật mụn cục cứng thường được chỉ định khi có dấu hiệu áp xe

  • Công nghệ laser được ứng dụng trong điều trị mụn cục cứng dưới da bằng cách chiếu tia laser qua da tại nốt mụn giúp loại bỏ vi khuẩn và giúp tiêu diệt ổ viêm. Đồng thời tia laser còn có tác dụng kích thích tăng sinh collagen, elastin giúp da hồi phục nhanh và khỏe mạnh hơn.
  • Sử dụng ánh sáng xanh có bước sóng cao 407 - 420 nanomet có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trên da. Khi vùng mụn tiếp xúc với ánh sáng xanh sẽ làm phá hủy lớp màng bọc của tế bào vi khuẩn từ đó khiến chúng không thể hoạt động gây viêm hoặc phát triển thêm.
  • Tiêm meso mụn để ngăn ngừa và giảm tình trạng viêm nhiễm của nốt mụn.

5. Chăm sóc da như thế nào để tránh mụn cứng

  • Vệ sinh da sạch sẽ, đầy đủ các bước tẩy trang và rửa mặt để làm sạch bụi bẩn giúp thông thoáng lỗ chân lông
  • Thường xuyên tẩy tế bào chết ít nhất 1 - 2 lần/ tuần để giúp hạn chế tích tụ tế bào chết trên da tạo điều kiện hình thành mụn nốt sần, mụn cứng và giúp da mềm mịn, khỏe mạnh hơn.
  • Sử dụng kem chống nắng hoặc khẩu trang, áo khoác, váy chống nắng để giúp bảo vệ da khỏi tác hại của môi trường ô nhiễm như khói bụi, tia UV,...
  • Nên làm sạch da với nước muối hoặc rửa mặt ngay sau khi tiếp xúc với nước mưa vì trong nước mưa thường mang theo nhiều vi khuẩn, chất bụi bẩn và có tính axit không tốt cho da, thậm chí có thể gây kích ứng với làn da nhạy cảm.
  • Thường xuyên vệ sinh gối, chăn nệm, khu vực giường ngủ và các loại dụng cụ trang điểm, rửa mặt để tránh lây nhiễm vi khuẩn trên da gây mụn.
  • Luyện tập thói quen sinh hoạt khoa học với chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, hạn chế dùng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,...
  • Sử dụng mỹ phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc phù hợp và an toàn cho da. Đối với các sản phẩm có tác dụng điều trị chuyên sâu nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho da là yếu tố hàng đầu giúp hạn chế mụn dưới da

Mụn cục cứng dưới da thường khá cứng đầu và cần thời gian để điều trị loại bỏ hoàn toàn. Nếu bạn cũng đang gặp tình trạng trên thì đừng ngần ngại liên hệ đến ngay các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được điều trị sớm, giúp làn da lấy lại vẻ mịn màng. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.