Tin tức

Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu và khi nào thì hết?

Ngày 01/02/2024
Vũ Thị thu Hương
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu

Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu và khi nào thì hết?

Khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, ngoài vấn đề thay đổi tâm sinh lý thì thanh thiếu niên còn phải đối mặt với những nốt mụn trứng cá do thay đổi nội tiết tố gây ra. Sự xuất hiện của những nốt mụn này vừa ảnh hưởng tới thẩm mỹ trên gương mặt vừa khiến thanh thiếu niên bị mất tự tin. Do đó, rất nhiều bạn trẻ vì mong ngóng từng ngày những vết mụn xấu xí này sẽ nhanh chóng biến mất nên đều có chung một băn khoăn là mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu? Bài viết dưới đây sẽ giúp trả lời cho câu hỏi này.

1. Nguyên nhân hình thành mụn tuổi dậy thì

Lứa tuổi nào cũng có thể bị mọc mụn trứng cá nhưng tuổi dậy thì (nam nữ trung bình từ 10 - 18 tuổi) là giai đoạn dễ bị nổi mụn nhất. Nguyên nhân là do đây là thời kỳ cơ thể sinh lý của con người trải qua những thay đổi về nội tiết tố. Điều này kích thích hoạt động của tuyến dầu nhờn trên da, kết hợp với đó là sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ sinh ra mụn và làm bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến sự hình thành của mụn tuổi dậy thì.

Ngoài vùng da ở mặt, mụn tuổi dậy thì còn có thể mọc ở những khu vực da khác trên cơ thể như ngực và lưng. Tùy từng trường hợp mà có thể kèm theo hiện tượng viêm nang lông xuất hiện ở tay và chân.

Một số dạng mụn điển hình mà thanh thiếu niên có thể gặp phải trong độ tuổi dậy thì đó là mụn mủ, mụn đầu trắng, mụn viêm, mụn đầu đen, mụn bọc hay mụn đinh râu, đinh nhọt.

Lứa tuổi dậy thì là giai đoạn dễ bị mụn nhất do những thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể

Ngoài yếu tố gây mụn là hormone trong cơ thể thay đổi thì mụn tuổi dậy thì cũng có thể xuất hiện do những tác nhân khác như:

       Chế độ dinh dưỡng: thường xuyên ăn đồ chiên rán ngập dầu, thức ăn nhanh, món ăn chứa nhiều đường.

       Không biết cách vệ sinh da: ít rửa mặt hoặc không làm sạch da kỹ, nhất là vùng da nhiều dầu sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết tắc lại trong lỗ chân lông dẫn đến mụn.

       Xử trí mụn sai cách: hay sờ, nặn hoặc cạy nhân mụn bằng tay sẽ khiến da bị tổn thương và càng dễ nổi mụn. Ngoài ra bàn tay chúng ta chứa rất nhiều vi khuẩn gây mụn.

       Thói quen sinh hoạt hàng ngày: thức khuya, mệt mỏi, stress trong thời gian dài, tiếp xúc thường xuyên với màn hình các thiết bị điện tử,...

2. Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu?

Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu cũng là băn khoăn của không ít người, nhất là những ai đang gặp phải tình trạng này. Thường thì sau 18 tuổi, mụn tuổi dậy thì sẽ đỡ dần và biến mất. Bởi vì hormone trong cơ thể sẽ trở về mức cân bằng, ổn định hơn. Nhưng điều này không xảy ra ở tất cả mọi người.

Có những trường hợp mặc dù đã qua độ tuổi dậy thì vẫn có nhiều mụn xuất hiện. Đôi khi tình trạng mụn lại trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài cho đến tuổi mãn kinh. Do đó không có câu trả lời chắc chắn rằng bao lâu thì mụn tuổi dậy thì sẽ chấm dứt. Điều này còn phụ thuộc vào cơ địa, chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống, cách chăm sóc da, mỹ phẩm mà bạn đang dùng hay ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài.

Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu là nỗi băn khoăn của rất nhiều thanh thiếu niên

3. Có cách nào giúp cải thiện mụn tuổi dậy thì không?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp khắc phục tình trạng mụn trứng cá tuổi dậy thì, cụ thể như sau:

3.1. Dùng thuốc bôi để trị mụn

       Retinol: đây là dẫn xuất của vitamin A thường được sử dụng trong điều trị mụn tuổi dậy thì nhờ công dụng giúp làm sạch lỗ chân lông, hạn chế dầu thừa, giảm mụn, ngăn ngừa các nốt sần và u nang. Bên cạnh đó, Retinol còn giúp làm sáng da, chống lão hóa, duy trì độ ẩm và làm đều màu da. Khi dùng retinol trị mụn, bạn cần lưu ý bảo vệ làn da trước tác động của ánh nắng mặt trời vì lúc này da sẽ nhạy cảm hơn vì sử dụng retinol.

       Acid Azelaic: có công dụng gom cồi mụn, thông thoáng lỗ chân lông và ngăn ngừa tình trạng mụn tái phát. Nhưng Acid Azelaic chỉ phù hợp cho những ai bị mụn tuổi dậy thì mức độ từ nhẹ đến vừa.

       Acid Salicylic: tác dụng chính của hoạt chất này là giảm bít tắc lỗ chân lông, kiểm soát sự điều tiết bã nhờn và tế bào chết trên da.

       Benzoyl Peroxide: công dụng của hoạt chất này là giúp làm bong lớp sừng hóa bên ngoài da, diệt vi khuẩn gây mụn nên rất phù hợp đối với những trường hợp bị mụn bọc, mụn đầu trắng, mụn đầu đen và mụn viêm.

       Clindamycin: là một loại kháng sinh giúp hạn chế sự tăng sinh của vi khuẩn, ngăn ngừa tình trạng viêm gây tổn thương da. Thuốc này được bào chế theo cả dạng uống lẫn dạng bôi, dùng cho những làn da bị mụn trứng cá mức độ từ vừa đến nặng.

3.2. Dùng nguyên liệu tự nhiên để trị mụn trứng cá tuổi dậy thì

Bên cạnh một số loại thuốc bôi kể trên, để điều trị mụn tuổi dậy thì thì bạn cũng có thể sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên sau:

       Mật ong: đây là món quà từ thiên nhiên có khả năng diệt khuẩn và làm dịu những nốt mụn sưng viêm khá hiệu quả. Bạn có thể dùng mật ong kết hợp với chuối, sữa chua hoặc yến mạch, tạo nên hỗn hợp mặt nạ đắp lên mặt hoặc chấm lên nốt mụn sẽ giúp cải thiện làn da mụn đáng kể.

       Trà xanh: lá trà tiết ra hoạt chất chống oxy hóa làm giảm tiết bã nhờn trên da, từ đó hạn chế sự hình thành của mụn. Bạn có thể đun lá trà xanh với nước trong khoảng 3 - 4 phút rồi tắt bếp. Sau khi nước nguội hãy thấm nước trà và thoa lên vết mụn. Hoặc bạn cho nước trà xanh vào chai để xịt phun sương lên mặt. Đợi tới khi nước trà khô khoảng 10 phút thì bạn rửa lại mặt bằng nước sạch.

       Nghệ: tương tự như trà xanh, nghệ cũng có thành phần chống oxy tự nhiên cao, giúp khử khuẩn và thúc đẩy quá trình liền sẹo, giảm thâm do mụn. Nghệ không những được dùng rộng rãi trong việc trị mụn, trị sẹo mà còn có công dụng tăng cường hệ miễn dịch. Cách trị mụn từ nghệ: rửa sạch củ nghệ tươi với nước rồi mang phơi khô. Sau đó, nghiền nghệ khô thành bột mịn và bảo quản trong hũ thuỷ tinh để dùng dần. Mỗi lần dùng bột nghệ, bạn hãy trộn nó với một chút nước ấm sẽ cho ra một hỗn hợp sền sệt. Bôi hỗn hợp này lên da mặt như đắp mặt nạ, sau khi mặt nạ khô khoảng 10 - 15 phút thì rửa mặt với nước.

Hãy chú ý đến vấn đề chăm sóc và làm sạch da khi bị mụn tuổi dậy thì bạn nhé!

Như vậy, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi mụn tuổi dậy thì kéo dài được bao lâu mà điều này còn do nhiều yếu tố chi phối. Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về những cách điều trị mụn tuổi dậy thì. Tuy nhiên việc dùng các thuốc được đề cập trong bài viết nên được tuân theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Tốt nhất là khi bị mụn từ vừa đến nặng, bạn nên đi khám để được tư vấn liệu trình điều trị phù hợp cho làn da của mình. Nếu bạn chưa lựa chọn được địa chỉ thăm khám Da liễu uy tín thì có thể đăng ký khám ngay tại Chuyên khoa Da liễu, Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900565656. Tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hỗ trợ và hướng dẫn bạn đặt lịch khám cùng các chuyên gia, bác sĩ của bệnh viện.

 

 

BS Chỉnh đã duyệt

 

 

 

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.