Tin tức

Người mù màu nhìn thấy gì và cách đem lại màu sắc cho cuộc sống của họ

Ngày 01/09/2023
Vũ Thị Thu Hương

Người mù màu nhìn thấy gì và cách đem lại màu sắc cho cuộc sống của họ

Một người khi mắc bệnh mù màu thường vẫn sẽ quan sát được cảnh vật cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên so với thị lực của người bình thường thì lăng kính trong đôi mắt của họ thường sẽ hiển thị những gam màu sắc ảm đạm hơn rất nhiều. Vậy người mù màu nhìn thấy gì và có cách nào giúp họ lấy lại được khả năng nhìn thấy sắc màu cho đôi mắt hay không? Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Khái niệm về bệnh mù màu

Võng mạc của mắt có chức năng phát hiện và nhận diện màu sắc. Bộ phận này do 2 loại tế bào cảm thụ ánh sáng tạo thành, đó là tế bào hình nón và tế bào hình que. Trong đó, các tế bào hình nón có tác dụng cho chúng ta có cái nhìn sắc nét, rõ ràng về sự vật xung quanh, còn tế bào hình que sẽ cho phép đôi mắt của chúng ta nhìn được vào ban đêm nhưng phần lớn sẽ là màu đen, xám hoặc trắng.

Tế bào hình nón được phân thành 3 loại, mỗi loại lại tiếp nhận những sắc màu khác nhau (xanh dương, xanh lá cây và màu đỏ). Sau đó chúng sẽ truyền thông tin về đại não để phân tích và đưa ra những nhận thức, nhận diện về những màu sắc này.

Bệnh mù màu xảy ra do một loại hay nhiều loại tế bào hình nón không hoàn thành tốt chức năng của mình hoặc chúng không hoạt động, nhận diện màu sắc nhầm lẫn. Những người bị mù màu nặng thường là khi cả 3 loại tế bào nón đều không hoạt động, trong khi đó mù màu nhẹ thì là chỉ khi một loại tế bào hình nón bị hoạt động bất thường.

Có những trường hợp bị mù màu nhẹ khi gặp điều kiện ánh sáng tốt thì vẫn có thể nhận diện được đúng các màu sắc bình thường, và tình trạng mù màu ở những bệnh nhân này sẽ nặng hơn khi ở môi trường thiếu sáng hay ánh sáng mờ. Số trường hợp còn lại đều sẽ không phân biệt được đúng một số loại màu sắc cho dù họ đang ở trong bất kỳ điều kiện ánh sáng nào. Một trường hợp rất hiếm là khi bệnh nhân mù màu nghiêm trọng khi thế giới họ nhìn thấy chỉ toàn là màu xám.

Mù màu là bệnh lý khiến mắt không phản ánh được chính xác màu sắc của sự vật xung quanh

Tuy rằng người bị mù màu vẫn quan sát được những sự vật xung quanh nhưng căn bệnh này khiến màu sắc cuộc sống của họ trở nên ảm đạm hơn. Trong sinh hoạt hàng ngày mù màu cũng gây ra không ít phiền phức cho người bệnh, khi họ lựa chọn màu sắc quần áo không phù hợp, khó khăn khi làm các công việc liên quan đến thiết kế, in ấn, hội họa, quảng cáo,... và khi tham gia giao thông họ sẽ hay bị nhầm lẫn các loại đèn tín hiệu để đi cho đúng luật.

2. Người mù màu nhìn thấy gì?

2.1. Mù màu đỏ - xanh lá

Đây được coi là dạng mù màu dễ gặp nhất, nó khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc phân biệt màu xanh lá và màu đỏ. Mù màu đỏ - xanh lá được chia thành 4 dạng như sau:

       Mù màu đỏ nhẹ (Protanomaly): do rối loạn chức năng các tế bào hình nón có bước sóng dài (L) khiến cho người bệnh nhìn nhầm màu đỏ giống với màu xanh lá hơn;

       Mù màu đỏ hoàn toàn (Protanopia): là khi mắt bị mất hoàn toàn tế bào hình nón L nên bệnh nhân không nhận thức được sắc đỏ;

       Mù màu xanh lá nhẹ (Deuteranomaly): do rối loạn chức năng các tế bào hình nón có bước sóng trung bình (M) khiến bệnh nhân nhìn nhầm màu xanh lá trông giống với màu đỏ hơn;

       Mù xanh lá hoàn toàn (Deuteranopia): là khi mắt bị mất hoàn toàn tế bào hình nón M nên bệnh nhân không nhận thức được sắc xanh lá.

Hình ảnh đèn tín hiệu giao thông dưới lăng kính của người bị mù màu

2.2. Mù màu vàng - xanh dương

So với dạng trên thì loại mù màu này ít gặp hơn. Những người bị mù màu vàng - xanh dương thì gặp khó khăn khi phân biệt các màu vàng - xanh lá - xanh dương - xanh đậm- đỏ - đen. Mù màu vàng - xanh dương có 2 loại đó là:

       Mù xanh dương nhẹ (Tritanomaly): người bệnh khó phân định được đâu là màu xanh lá cây và xanh dương, đâu là màu vàng và màu đỏ;

       Mù xanh dương hoàn toàn (Tritanopia): bệnh nhân không phân biệt được giữa màu đỏ và tím, xanh lá và xanh dương, hồng và vàng. Ngoài ra màu sắc mà họ nhìn thấy cũng kém tươi sáng hơn màu thực tế.

2.3. Mù đơn sắc (Achromatopsia)

Hay còn gọi là mù màu hoàn toàn, dù rất hiếm nhưng lại có mức độ nghiêm trọng cao nhất bởi vì “quỹ” màu sắc mà người bệnh chỉ có thể nhìn thấy được là màu xám. Khác với người bị mù màu đỏ - xanh lá và mù màu vàng - xanh dương không bị ảnh hưởng đến thị lực (họ vẫn có thể nhìn rõ cảnh vật) thì những người bị mù đơn sắc còn gặp thêm những vấn đề khác ảnh hưởng tới thị lực như sợ ánh sáng, cận thị và dễ bị rung giật nhãn cầu.

Màu sắc thức ăn mà người mù màu nhìn thấy cũng không được hấp dẫn như thực tế

3. Cách điều trị bệnh mù màu

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh mù màu mà chỉ có các loại kính đặc biệt giúp hỗ trợ cải thiện thị lực cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này. Đây là loại kính tiếp xúc nhuộm màu hay kính lọc khi đeo lên mắt có thể giúp bệnh nhân nhìn được màu sắc thật của cảnh vật xung quanh, từ đó khiến cuộc sống của họ có nhiều màu sắc phong phú hơn.

Mặc dù chưa có biện pháp hiệu quả giúp chữa khỏi bệnh mù màu nhưng bệnh nhân có thể áp dụng những cách dưới đây để duy trì được cuộc sống bình thường:

       Ghi nhớ những thói quen hàng ngày: một số hoạt động có thể đòi hỏi người bệnh cần phải ghi nhớ màu sắc, ví dụ là khi tham gia giao thông cần phân biệt màu đèn tín hiệu giao thông để di chuyển đúng luật thì thay vì nhớ chính xác màu thì người bệnh nên ghi nhớ theo thứ tự sắp xếp và quan sát chuyển động của người xung quanh để làm theo;

       Thay đổi ánh sáng cho nơi ở hoặc nơi làm việc: người bị mù màu thường sẽ bị khó phân biệt màu sắc trong bóng tối. Vì vậy nơi ở và nơi làm việc của họ cần phải có nhiều ánh sáng để họ có thể quan sát được mọi thứ dễ dàng hơn;

       Ghi chú trên vật dụng và quần áo: việc dán nhãn lên những đồ vật sử dụng hàng ngày, ví dụ như ghi tên màu sắc lên áo sẽ giúp họ cải thiện được khả năng phối đồ trước khi ra ngoài;

       Vận dụng thêm những giác quan khác: cơ thể con người sẽ có 5 giác quan, ngoài thị giác thì chúng ta còn khứu giác, thính giác, xúc giác và vị giác. Do đó nếu trong cuộc sống hàng ngày người mù màu không phân biệt được màu sắc thì có thể dựa vào cảm quan cá nhân để nhận định sự vật, sự việc xung quanh mình. Ví dụ như dựa vào mùi hương, mùi vị để biết được là món này đã chín hay chưa, hoặc dựa vào xúc giác, khứu giác để chọn xem trái cây này đã chín hay chưa,...

Kính chuyên biệt dành cho người mù màu sẽ giúp họ thấy được màu sắc phong phú của cuộc sống

Người mù màu nhìn thấy gì? Với những người mù màu ở mức độ nhẹ và vừa thì họ vẫn có thể quan sát rõ được cảnh vật, thứ mà họ không phân biệt được rõ ràng đó chính là màu sắc. Do đó cuộc sống xung quanh qua lăng kính của người mù màu sẽ có phần kém sắc và ảm đạm hơn. Còn người mù màu nghiêm trọng thì họ chỉ có thể thấy được màu đen và trắng, đồng thời thị lực của họ cũng bị giảm sút.

Bằng việc thay đổi những thói quen hàng ngày để tập thích nghi với tình trạng này, có nhiều người mù màu dường như cũng không gặp quá nhiều trở ngại trong cuộc sống.

Nếu bạn vẫn còn những băn khoăn cần được giải thích thêm về bệnh mù màu hay những vấn đề bệnh lý khác về mắt thì có thể liên hệ đặt lịch khám ngay tại Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900565656.

 

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ