Tin tức

Những điều người bệnh nên nhớ về bệnh rung nhĩ

Ngày 18/02/2022
Rung nhĩ có thể không quá nghiêm trọng với những người bình thường nhưng với bệnh nhân mắc bệnh lý về tim thì rất dễ khiến họ phải đứng trước nguy cơ tàn tật suốt đời hoặc đánh mất sự sống. Nắm vững những vấn đề quan trọng có liên quan đến bệnh lý này sẽ giúp người bệnh chủ động kiểm soát để ngăn ngừa hệ lụy nguy hiểm do bệnh gây ra.

1. Rung nhĩ là bệnh gì, gồm những loại nào?

1.1. Thế nào là bệnh rung nhĩ?

Bệnh rung nhĩ khiến cho nhịp tim bị rối loạn theo hướng tăng bất thường

Bệnh rung nhĩ khiến cho nhịp tim bị rối loạn theo hướng tăng bất thường

Ở điều kiện sức khỏe bình thường, mỗi người sẽ duy trì nhịp tim ổn định trong khoảng 60 - 100 nhịp/ phút. Rung nhĩ tức là rối loạn nhịp tim với đặc trưng là sự co bóp nhanh, không đều của tâm nhĩ khiến cho nhịp tim trở nên bất thường. Khi ấy, buồng nhĩ đập hỗn loạn và không đều nên nhịp tim có thể tăng đến mức 150 - 200 nhịp/phút.

1.2. Các dạng bệnh rung nhĩ

Dựa theo thời gian phát triển của bệnh, rung nhĩ được chia thành 5 dạng:

- Rung nhĩ kịch phát: cơn rung nhĩ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (ít hơn 1 tuần). 

- Rung nhĩ bền bỉ: cơn rung nhĩ tồn tại liên tục (dài hơn 1 tuần).

- Rung nhĩ dai dẳng: cơn rung nhĩ kéo dài trên 1 năm.

- Rung nhĩ mạn tính: rung nhĩ không có khả năng chuyển về nhịp xoang như các dạng trên. Lúc này, cơ nhĩ đã bị trơ và mất đồng nhất với các vùng cơ khác nên tốc độ lan truyền bị giảm đi.

- Rung nhĩ không do bệnh ở van tim: rung nhĩ không kèm theo hẹp hai lá, sửa van hai lá, van tim cơ học hay sinh học.

2. Nhận biết dấu hiệu bệnh rung nhĩ và cách chẩn đoán

2.1. Dấu hiệu thường gặp ở bệnh rung nhĩ

Không phải mọi trường hợp mắc bệnh đều xuất hiện dấu hiệu rung nhĩ. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, tác nhân gây bệnh cũng như độ tuổi của người bệnh mà dấu hiệu sẽ có sự khác nhau. Thường thì người bệnh sẽ có các dấu hiệu như:

Đánh trống ngực, đau ngực là những dấu hiệu thường gặp ở người bị rung nhĩ

Đánh trống ngực, đau ngực là những dấu hiệu thường gặp ở người bị rung nhĩ

- Tim đập không đều, đập nhanh, đánh trống ngực.

- Cảm thấy ngộp thở, bị đau ngực.

- Ngất, khó thở, chóng mặt, mệt và yếu.

- Đi tiểu nhiều lần.

Với những người bị rung nhĩ kèm theo biến chứng đột quỵ thì có thể xuất hiện thêm dấu hiệu cần được cấp cứu ngay:

- Nhìn mờ, nhòe đột ngột.

- Một phần cơ thể bỗng nhiên bị yếu đi.

- Khó hiểu người khác hay khó diễn đạt cho người khác hiểu.

- Bỗng nhiên có cơn đau đầu dữ dội.

2.2. Cách thức chẩn đoán rung nhĩ

Bệnh rung nhĩ có thể được phát hiện thông qua các cách thức:

- Điện tâm đồ.

- Holter điện tim 1 - 7 ngày.

- Siêu âm tim để đánh giá kích thước buồng tim, tình trạng van tim, chức năng co bóp của tim hay huyết khối buồng tim.

- Xét nghiệm máu tìm nguyên nhân rung nhĩ.

3. Các biến chứng có thể xảy ra và biện pháp điều trị rung nhĩ

3.1. Biến chứng cần thận trọng

Đối với những người mắc bệnh lý về tim, nếu đi kèm rung nhĩ thì cần cảnh giác với nguy cơ biến chứng nguy hiểm như:

- Đột quỵ

Nếu bệnh rung nhĩ khiến cho tâm nhĩ không còn khả năng co bóp và ứ đọng máu trong tim sẽ dễ xuất hiện huyết khối từ đó sinh ra đột quỵ. 

- Suy tim

Rung nhĩ kéo dài làm cho cung lượng tim giảm đi khoảng 10% so với mức bình thường thì có thể dẫn đến bệnh suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.

3.2. Biện pháp điều trị bệnh rung nhĩ

Việc điều trị bệnh rung nhĩ đến nay chủ yếu chỉ nhằm đạt được mục tiêu: dự phòng nguy cơ hình thành huyết khối, đưa rung nhĩ về nhịp xoang và giảm bớt tần số thất. Để trị bệnh, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện để chuyển về nhịp xoang hoặc triệt đốt rung nhĩ bằng ống thông. 

Kiểm soát tốt huyết áp là cách phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của rung nhĩ

Kiểm soát tốt huyết áp là cách phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của rung nhĩ

Do người bị rung nhĩ kèm theo bệnh lý về tim có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường gấp 5 lần. Vì thế, việc dùng thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ được xem là mục tiêu nền tảng trong quá trình điều trị bệnh. Việc chọn dùng thuốc chống đông cũng cần được bác sĩ cân nhắc cẩn thận giữa nguy cơ với lợi ích dựa trên độ tuổi và bệnh lý đi kèm.

Để điều trị tình trạng nhịp đập bất thường trong rung nhĩ, bác sĩ có thể sẽ áp dụng phương pháp sốc điện. Đây là thủ thuật sốc điện ngắn cho tim nhằm ngăn chặn kịp thời những động điện của tim từ đó giúp tim trở lại nhịp bình thường. Mặt khác, những trường hợp tụt huyết áp, đau ngực hay có dấu hiệu của bệnh cũng sẽ được cân nhắc sốc điện khẩn cấp. Cuối cùng, để phá hủy phần tim bị rung nhĩ, bác sĩ sẽ dùng phương pháp thông tim hoặc phẫu thuật.

3.3. Biện pháp ngăn ngừa biến chứng rung nhĩ

Bên cạnh việc thực hiện đúng phác đồ điều trị cụ thể của bác sĩ chỉ định cho từng bệnh nhân thì người bệnh cũng nên chú ý đến một số vấn đề giúp phòng ngừa hiệu quả biến chứng của bệnh như:

- Có một chế độ ăn uống và tập luyện thực sự khoa học.

- Chú ý kiểm soát thật tốt mỡ máu và huyết áp.

- Ăn giảm muối, giảm chất béo.

- Nói không với chất kích thích và đồ uống có cồn vì chúng dễ làm cho tình trạng rối loạn nhịp tim trở nên tồi tệ hơn.

- Duy trì thăm khám tim mạch định kỳ để sớm phát hiện yếu tố nguy cơ gây bệnh hay làm bệnh diễn tiến trầm trọng hơn. Tốt nhất những người có yếu tố nguy cơ với đột quỵ hay trên 55 tuổi cần thăm khám tim mạch 3 - 6 tháng/lần hoặc đúng lịch bác sĩ đã hẹn.

Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đã được cảnh báo trên đây, tốt nhất người bệnh nên đến gặp bác sĩ tim mạch để kiểm tra nguy cơ bị bệnh rung nhĩ. Những người đang điều trị bệnh lý này nếu gặp tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc cũng cần liên hệ với bác sĩ ngay.

Nói tóm lại, chủ động thăm khám khi nghi ngờ dấu hiệu bệnh và điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra là cách tốt nhất để chung sống hòa bình và ngăn chặn được biến chứng của bệnh lý này. Mọi sự trợ giúp về y tế khách hàng có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc thông qua hotline 1900 56 56 56, các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia y tế hàng đầu của bệnh viện luôn sẵn lòng có mặt để gửi đến bạn những hướng dẫn nhanh chính xác và cần thiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ